Nông thôn “ngập”… rác

Nông thôn “ngập”… rác

Không chỉ ở các khu đô thị lớn mới lo đối mặt với nguy cơ bị suy thoái về môi trường mà hiện nay, khu vực nông thôn cũng đang ô nhiễm môi trường do rác thải không có nơi thu gom, chôn lấp, tiêu hủy.

Rác ứ quanh Hà Nội

Vấn đề bắt đầu trở nên “nóng” trong vòng 2 tháng trở lại đây, sau khi bãi đổ rác thải sinh hoạt ở khu vực núi Thoong, xã Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) bị đóng cửa. Vào giữa tháng 8-2008 vừa qua, hàng trăm người dân ở địa phương đã ra bao vây, không cho các xe rác tràn vào núi Thoong để xả rác, nhằm phản đối bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nông thôn “ngập”… rác ảnh 1

Bãi rác trên cánh đồng của xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội).

Trước đó, trong năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp cho Công ty Môi trường và đô thị Xuân Mai 10ha đất tại đây để chôn lấp rác thải của vùng nông thôn 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất.

Tuy nhiên, việc chôn lấp rác mới triển khai được hơn 1 năm, rác mới lấp đầy 1 hố (với trữ lượng khoảng 20.000 tấn) thì đã xảy ra sự cố ở hố chôn rác thứ 2, đó là hố bị thủng đáy (do nằm trên một hang động) nên nước và chất thải đã theo nước mưa chảy vào khu dân cư. 

Từ khi bãi rác núi Thoong đóng cửa đến nay, việc thu gom và xử lý lượng rác thải ở 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất của Hà Nội (khoảng 30 tấn/ngày) càng trở nên nan giải hơn. Không còn cách nào khác, Công ty Môi trường và đô thị Xuân Mai đành phải nhờ sự “cứu viện” của Công ty cổ phần Môi trường và đô thị Sơn Tây bằng việc đưa toàn bộ lượng rác từ khu vực 3 huyện trên về Sơn Tây để chôn lấp.

Thế nhưng, ngay cả nhà máy xử lý rác thải ở TP Sơn Tây cũng đã trở nên quá tải. Mỗi ngày, chỉ riêng lượng rác cần thu gom và xử lý tại TP Sơn Tây đã là 60 tấn/ngày. Trong khi đó, bãi rác này còn phải gánh thêm lượng rác dồn về từ 3 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng. Bởi vậy, cả bãi rác rộng 4ha, gồm 10 hố chôn lấp rác thì hiện đã có 8 hố kín mít rác. Còn lại 2 hố, theo dự tính thì chỉ đủ chứa rác đến đầu năm 2009.

Tình trạng quá tải và không có nơi chôn lấp đã dẫn đến lượng rác thải bắt đầu ứ đọng tại nhiều khu vực, tuyến đường giao thông của vùng Hà Nội mở rộng. Trong đó, không chỉ đường làng mà ngay cả các huyết mạch lớn như quốc lộ 21A, quốc lộ 6, quốc lộ 32, cao tốc Láng-Hòa Lạc… cũng đã trở thành nơi chứa rác. Tệ hơn, cả các con sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích Giang… và bờ sông cũng trở thành nơi xả rác. Trong đó, dọc đê sông Đáy, có những điểm rác thải sinh hoạt kéo dài hàng trăm mét.

Vứt đi nguồn nguyên liệu khổng lồ

Theo TS Vũ Thị Thanh Hương, công tác tại Trung tâm Tài nguyên nước và môi trường (Viện Khoa học thủy lợi), người vừa thực hiện đề tài khảo sát về rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn, nhiều nơi ở nông thôn hiện đang đứng trước nguy cơ quá tải rác thải mà không có giải pháp nào để thu gom, xử lý. 

TS Hương cho biết, hiện mỗi năm, người dân ở vùng nông thôn trong cả nước đang thải ra môi trường sống của họ khoảng 9.939.103 tấn rác thải rắn (trong đó, có tới 76,31% là chất thải rắn sinh hoạt từ khu dân cư, còn lại là chất thải rắn từ khu kinh doanh dịch vụ). Tính trung bình, mỗi ngày mỗi người dân ở vùng nông thôn thải ra môi trường khoảng 0,34kg rác. 

Làng mạc ngày càng chật chội. Quỹ đất công cộng ngày càng eo hẹp. Nơi để chôn lấp rác thải cũng khó xoay xở. Bởi vậy, ở nhiều nơi, thói quen bất đắc dĩ của nhiều người dân là xả rác ra dọc các con đê, ven đường làng, hoặc đổ lộ thiên ở các bãi hoang, cánh đồng. Theo thời gian, những “núi” rác cứ ngày càng cao dần lên.

TS Hương khẳng định rằng, nếu việc thu gom và tái chế rác ở nông thôn được đầu tư, thực hiện tốt thì không chỉ làm giảm thiểu nguy cơ suy thoái môi trưởng, bảo vệ sức của người dân mà còn trở thành một nguồn “nguyên liệu” khổng lồ để tái chế thành phân bón. “Mỗi năm nông thôn thải ra khoảng 5,5-6,8 triệu tấn phân bón. Nếu giúp các gia đình ủ compost thì sẽ thu được khoảng 1,65-2,04 triệu tấn phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp”- TS Hương nói. Tuy nhiên, điều này chúng ta vẫn chưa làm được, nên đang lãng phí một nguồn lợi lớn từ rác thải mà lẽ ra có thể giúp môi trường ở nông thôn được cải thiện tốt hơn.

Theo điều tra mới đây thì, có tới 32,86% xã có người dân đổ xả rác bừa bãi ven đường. Tương tự, 30,43% lượng rác không đổ ven đường nhưng đổ lộ thiên ở bất cứ đâu mà người dân thấy tiện.

Chỉ có 35,71% gia đình tự xử lý rác của mình thải ra. Còn lại, những trường hợp tái chế rác vô cơ, ủ compost hoặc đem chôn lấp đúng quy trình chỉ là con số 0% tròn trĩnh. TS Hương lo ngại: “Các điểm xả rác lộ thiên hiện nay đang là mối hiểm họa cho môi trường và sức khỏe của người dân ở nông thôn”.

Trước thực trạng thừa ứ rác, hiện nay, ở một số địa phương đã tổ chức phong trào thu gom rác thải, song hiệu quả lại không được là bao. Theo điều tra, hiện mới chỉ có khoảng 28,5% xã thực hiện được mô hình thu gom rác, nhưng hoạt động của tổ thu gom rác không đều đặn.

Trung bình, mỗi tuần chỉ có khoảng 0,5-2 lần thu gom rác. Nguyên nhân là do có sự chênh lệch quá lớn về thu nhập và quyền lợi giữa người thu gom rác ở đô thị và nông thôn. Cụ thể, thu nhập của nhân viên thu gom rác ở nông thôn chỉ bằng khoảng 20%-30% của người đô thị.

Nếu như một công nhân quét rác ở đô thị có thể được hưởng công là 1,2-1,8 triệu đồng/tháng thì người thu dọn rác ở làng chỉ được có 70.000đ. Đã vậy, nhiều nơi lại không coi trọng việc thu gom rác, công nhân đi thu gom rác phải tự trang bị bảo hộ cho mình, thậm chí phải tự đóng phương tiện thu gom, vận chuyển.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục