Vỉa hè ở TPHCM: S.O.S! - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu

Vỉa hè ở TPHCM: S.O.S! - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu

Vỉa hè góp phần không nhỏ trong việc cải tạo cảnh quan cho đô thị. Thế nhưng, tại TPHCM, nếu căn cứ vào vỉa hè để đo một phần vẻ đẹp đô thị thì e rằng…

Xuống cấp, thiếu đồng bộ

Vỉa hè ở TPHCM: S.O.S! - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu ảnh 1

Vỉa hè đường Đề Thám quá cao, người dân phải dùng tấm vỉ sắt kê cho xe lên xuống. Ảnh: Hoàng Anh Thư

TPHCM có trên 3.000 tuyến đường, nhưng để tìm được tuyến đường có vỉa hè “kiểu mẫu” quả là đỏ con mắt! Hàng loạt vỉa hè các tuyến đường: Cách Mạng Tháng Tám, Sương Nguyệt Ánh, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Cống Quỳnh… đoạn lát gạch con sâu, đoạn lát gạch tàu, đoạn thì trám xi măng trơn nhớt, thậm chí có chỗ còn lát cả gạch bông, làm cho vỉa hè - vốn đã cũ kỹ - lại càng trở nên nham nhở.

Ngay tại những trục đường chính của thành phố, vỉa hè nhiều đoạn cũng bị bong tróc, lún sụp (Bà Huyện Thanh Quan - đoạn từ Võ Văn Tần đến Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi). Còn đường Đề Thám (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Cô Giang), đường Sương Nguyệt Ánh, Lê Lai… vỉa hè như hàm răng khểnh: cùng là vỉa hè của một tuyến đường nhưng trước nhà này thì thấp, trước nhà kia thì cao. Nguyên nhân khiến cho vỉa hè mang nhiều hình hài, dáng dấp như thế vì đa phần các vỉa hè này đã ở tuổi “cụ”, bị xuống cấp trầm trọng và chưa được chỉnh trang đồng bộ. Nhiều nơi để mặt tiền nhà mình đỡ nhếch nhác, người dân phải tự cải tạo.

Theo nguyên tắc, khi cải tạo vỉa hè, người dân phải xin phép Phòng QLĐT quận – huyện và đảm bảo thực hiện theo thiết kế được duyệt. Thế nhưng, phần lớn người dân đều làm vỉa hè theo ý mình trong khi các cơ quan chức năng lại thiếu kiểm tra, xử lý.

Chưa kể có nơi, người dân cải tạo vỉa hè trước nhà mà chẳng cần phải xin phép vì thấy địa phương không “để mắt” đến. Lại có nơi, mặt đường liên tục nâng cao nhưng vỉa hè thì không được “đá động”, dẫn đến mặt đường và vỉa hè chẳng còn ranh giới như trên đường Trần Hưng Đạo.

Nói vậy không phải TPHCM không có những đoạn vỉa hè đẹp. Đó là các vỉa hè trước khách sạn, khu trung tâm thương mại… do chính những doanh nghiệp này bỏ tiền đầu tư. Vỉa hè ở những nơi này thường được lát đá hoặc gạch chất lượng cao, có độ dốc thích hợp cho người và xe ra vào. Tuy nhiên, vỉa hè tại những nơi này cũng mỗi nơi một kiểu dáng, màu sắc vì mỗi doanh nghiệp làm theo mẫu thiết kế riêng của mình.

Đồng Khởi là tuyến đường đầu tiên được UBND quận 1 cho làm lại vỉa hè bằng 100% kinh phí do doanh nghiệp tài trợ (đoạn từ Lê Lợi đến Bến Bạch Đằng). Vỉa hè này được xem là hiện đại nhất tại TPHCM. Trong thiết kế của nó có tính đến sự tiện dụng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi ở góc đường Đồng Khởi – Đông Du, vỉa hè quanh khu vực khách sạn Sheraton Sài Gòn vốn được làm từ trước nên có kiểu dáng khác, vật liệu và màu sắc cũng khác khiến vỉa hè toàn tuyến hơi thiếu đồng bộ. Nhưng dẫu sao, vỉa hè trên đường này vẫn là vỉa hè đẹp.

“Dù biết khá lọt chọt và làm giảm giá trị vỉa hè của tuyến đường “mẫu” nhưng nếu đập bỏ đi để làm lại cho đồng bộ thì rất lãng phí”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 1 nói.

Bất tiện

Hầu hết các vỉa hè tại TPHCM hiện nay có chiều cao khoảng 20 – 25cm so với mặt đường. Bó vỉa thiết kế theo kiểu thẳng đứng và vuông góc với mặt đường. Điều này, thấy rõ nhất tại vỉa hè các tuyến Nguyễn Thái Học, Đề Thám, Điện Biên Phủ (quận 1), Hồng Bàng (quận 5), Cao Thắng (quận 3), Tân Hòa Đông (quận 6), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)…

Do vỉa hè vuông góc, việc lên xuống quá khó khăn nên những hộ dân có nhà nằm ở mặt tiền các tuyến đường trên hoặc lén lút vạt bó vỉa hè cho thấp xuống khiến cho vỉa hè trông nham nhở, đủ hình thù; hoặc có người đặt bao cát, lót vỉ sắt ngay dưới lòng đường khiến giao thông dưới lòng đường bị vướng víu.

Một người dân ngụ trên đường Điện Biên Phủ bức xúc nói với chúng tôi: “Hầu hết người dân sống ở đô thị này đều sử dụng xe gắn máy nhưng vỉa hè thiết kế vuông góc như thế này thì làm sao người ta lên xuống được?”. Một người dân khác ở đường Cao Thắng ví von: “Cứ nhìn vỉa hè trước nhà nào bị đục đẽo rộng là biết nhà đó có xe hơi. Ban đêm, đi trên vỉa hè thành phố mà lạng quạng là hụt chân té như chơi, chả khác gì đường dưới quê!”.

“Tự biên, tự diễn”

Vỉa hè ở TPHCM: S.O.S! - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu ảnh 2
Vỉa hè góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Bà Huyện Thanh Quan bong tróc nham nhở. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Năm 2002, theo Quyết định 132 của UBND TPHCM, vỉa hè được phân cấp từ Sở GTCC TPHCM về cho quận – huyện quản lý. Từ đó, các quận –huyện chịu trách nhiệm chỉnh trang vỉa hè.

Một trong những nguyên nhân chính khiến vỉa hè ở TPHCM “trăm hoa đua nở” là do các quận – huyện căn cứ vào mẫu thiết kế của Sở GTCC có từ năm 2003 để chỉnh trang, nâng cấp, trong khi đó, theo Sở GTCC TPHCM, bản thiết kế mẫu này chỉ mang tính sơ lược nên khi triển khai vào thực tế, mỗi quận – huyện “tự biên tự diễn”.

“Thiết kế mẫu không hướng dẫn chi tiết nên những vỉa hè làm đầu tiên chúng tôi phải thay đổi thiết kế đến 3 lần vì không phù hợp, gây phản ứng trong nhân dân. Đây cũng là lý do vì sao có tuyến đường bó vỉa cao nhưng có tuyến đường bó vỉa tròn hay vát dốc. Không có mẫu chung nên chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm!”, ông Lê Thành Quốc, Phó Trưởng phòng QLĐT quận 3 nói.

Tương tự, ông Ông Hiệp Lộ, cán bộ Phòng QLĐT quận 6 cho biết: “Theo thiết kế mẫu, địa phương chọn loại bó vỉa cong áp dụng cho các tuyến đường Phạm Văn Chí, Cao Văn Lầu…, tuy nhiên, đến nay lại phát hiện ra loại bó vỉa hè này gây khá nhiều khó khăn cho người sử dụng, nhất là đối với người sử dụng loại xe tay ga vì gầm xe này khá thấp, bó vỉa lại cao, trơn nên khi xe lên lề thường bị vướng rồi té ngã. Rút kinh nghiệm, các vỉa hè được chỉnh trang sau này, chúng tôi chọn loại thiết kế bó vỉa vạt dốc giúp người dân sử dụng dễ dàng hơn”. 

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục