Triển khai quy hoạch: Cảnh báo tình trạng “ăn trước”

Triển khai quy hoạch: Cảnh báo tình trạng “ăn trước”

Một khu đất đã được quy hoạch và giao cho một doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, lại có một doanh nghiệp khác “nhảy vào”, nhanh chân mua hết phần “đẹp nhất” của khu đất. Đó là thực tế đang diễn ra trong việc triển khai quy hoạch ở nhiều nơi.

Linh hoạt hay cố tình “ăn trước”?

Công ty vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) trụ sở tại đường Nguyễn Trãi, quận 1 TPHCM đang lâm vào tình thế khó xử khi đang cùng Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn Cần Thơ, Công ty Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ làm chủ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 2, quận Cái Răng, TP Cần Thơ thì bỗng nhiên bị Công ty TNHH một thành viên cơ khí và đóng tàu Biển Đông (gọi tắt là Công ty Biển Đông) nhảy vào “xí phần” đất đẹp nhất của dự án.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi mà UBND TP Cần Thơ có quyết định đầu tư xây dựng KCN Hưng Phú 2 và tiến hành thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án này. Lúc đó, 3 đơn vị nêu trên được giao làm chủ đầu tư và theo đó có trách nhiệm tham gia vào hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Một năm sau, song hành với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, 3 đơn vị đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2.000 KCN (đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt vào ngày 29-2-2008).

Triển khai quy hoạch: Cảnh báo tình trạng “ăn trước” ảnh 1

Công ty Biển Đông đang hoạt động ở khu vực dự án XD khu CN Hưng Phú 2.

Trong khi các chủ đầu tư tuần tự xúc tiến các thủ tục đầu tư thì Công ty Biển Đông “lặng lẽ” vào thương thảo với dân, thuê và mua khoảng 8.000m² đất tiếp giáp với sông Hậu làm cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu.

Đây là phần đất cửa ngõ đẹp nhất, quan trọng nhất của dự án, bởi nơi này có đủ điều kiện để làm cảng trung chuyển hàng hóa của KCN. Và trên thực tế, trong quy hoạch chi tiết 1/2.000, nơi đây cũng được xác định làm cảng giao lưu hàng hóa cho KCN. Theo ông Mai Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, hành vi xây dựng cơ sở đóng tàu của Công ty Biển Đông đã bị chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn.

Thậm chí, chính quyền địa phương cũng đã cắt điện vào khu vực hoạt động của Công ty Biển Đông. Mọi hoạt động sửa chữa và đóng mới tàu đã bị ngưng lại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng thừa nhận, Công ty Biển Đông vẫn tồn tại ở khu vực dự án xây dựng KCN Hưng Phú 2. Cho đến chiều 15-1-2009, trước sự chứng kiến của các ban ngành chức năng quận Cái Răng, Công ty Biển Đông vẫn hoạt động. Ông Mai Hồng Châu cho biết, đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ.

Lỗ hổng pháp luật?

Trường hợp xảy ra ở TP Cần Thơ không phải là cá biệt trong việc triển khai thực hiện quy hoạch. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, tại TPHCM cũng có vài dự án đã có chủ đầu tư nhưng vẫn có các doanh nghiệp khác “nhảy vào” tranh thủ mua đất trước. Hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đang giải quyết vấn đề này. Theo ông Lê Hoàng Châu, có một “zíc zắc” khó xử trong những trường hợp nêu trên, đó là mặc dù đã được giao làm chủ đầu tư dự án, nhưng về nguyên tắc, nếu chưa giải phóng mặt bằng xong theo quy định của pháp luật, thì chủ đầu tư cũng chưa được Nhà nước giao đất. Chưa được giao đất cũng đồng nghĩa là chủ đầu tư chưa là chủ miếng đất ấy. Do vậy, nếu kiện ra tòa thì chủ đầu tư chưa đủ cơ sở pháp lý để kiện. Đây chính là kẽ hở của pháp luật mà trên thực tế những người thực thi pháp luật rất khó xử khi gặp phải.

Trở lại câu chuyện ở TP Cần Thơ, còn một chi tiết nữa chứng tỏ còn có một tình huống khác mà pháp luật chưa tính hết được. Đó là Công ty Biển Đông không những “linh hoạt” mua hết phần đất đắc địa nhất của dự án, mà còn “nhanh chân” chiếm luôn phần đất bồi ra sông Hậu (phía trước dự án). Theo quy định của pháp luật, phần đất bồi trên các sông, kênh, rạch thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, như giải thích của các ban ngành chức năng quận Cái Răng, do phần đất bồi thuộc phần đất dự án đã được giao cho 3 đơn vị xây dựng KCN Hưng Phú 2, nên… họ cũng “có buông lỏng” quản lý khu đất bồi này. Về phía các chủ đầu tư, khi chưa được giao làm chủ khu đất thuộc dự án trong đó có khu đất bồi, thì cũng chưa thể có quyền đối với khu đất ấy. Chính trong lúc “giao thời” quản lý giữa 2 đơn vị mà khu đất bồi đã bị Công ty Biển Đông chiếm giữ. “Quận Cái Răng sẽ xử phạt thật nghiêm hành vi lấn chiếm đất bồi của Công ty Biển Đông” - ông Mai Hồng Châu khẳng định.

UBND TP Cần Thơ sẽ giải quyết vụ việc nêu trên như thế nào? Riêng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu nhận xét, các doanh nghiệp không nên “ăn trước” làm khó nhau như vậy. Phương án hay nhất là nên cùng nhau liên kết thực hiện dự án được giao, bởi cứ làm khó nhau thì cả hai bên đều thiệt. Chủ đầu tư dự án sẽ khó triển khai dự án. Doanh nghiệp “nhanh chân” cũng không thể triển khai dự án, vì không được phép đầu tư vào dự án của một đơn vị khác. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục