Ngập kéo dài trên đường Nguyễn Văn Luông: Tư vấn yếu kém, nhà thầu chủ quan!

Khổ vì... “thế giới ngầm”
Ngập kéo dài trên đường Nguyễn Văn Luông: Tư vấn yếu kém, nhà thầu chủ quan!

Đến thời điểm này, sau hơn 7 tháng thi công đặt cống hộp (thuộc gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm của dự án nâng cấp đô thị), công trình trên đường Nguyễn Văn Luông - bên phía phường 12, quận 6 TPHCM - đã tạm khắc phục được tình trạng ngập nước triền miên do chính việc thi công gây ra. Tuy nhiên, người dân trong khu vực vẫn bức xúc khi nói về những nguyên nhân khiến “dự án chống ngập lại… gây ngập”, bởi lẽ qua đó cho thấy sự yếu kém của các cơ quan chức năng trong việc quản lý “thế giới ngầm” - hệ thống hạ tầng kỹ thuật nằm dưới mặt đường.

Khổ vì... “thế giới ngầm”

Trước đây, khi báo chí đồng loạt lên tiếng về tình trạng thi công gây ngập nặng trên đường Nguyễn Văn Luông, cả nhà thầu và chủ đầu tư (Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị) đều giải thích là do phải bít cống thoát nước để thi công và trời liên tục có mưa lớn, cộng thêm triều cường nên nước thoát không kịp. Đây cũng là một nguyên nhân nhưng không chỉ có thế! Ít ai biết được, nước ngập trên đường Nguyễn Văn Luông ngoài nước mưa, nước cống, nước triều còn có cả… nước sạch!

Cảnh ngập nước triền miên do rò rỉ đường ống cấp nước trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 TPHCM (ảnh chụp 10 giờ sáng ngày 21-11).

Cảnh ngập nước triền miên do rò rỉ đường ống cấp nước trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6 TPHCM (ảnh chụp 10 giờ sáng ngày 21-11).

Ngay khi vừa khởi công, việc đào xới lòng đường đã “đụng” và làm rò rỉ đường ống cấp nước D 1.500. Điều đáng nói ở đây là hệ thống đường ống trên mới được lắp đặt sau này (chứ không phải từ trước năm 1975) nên chắc chắn có đủ hồ sơ thiết kế, vậy mà không hiểu đơn vị tư vấn khảo sát như thế nào lại không xác định được chính xác vị trí thi công, để xảy ra sự cố nói trên.

Khi đường ống vỡ, địa phương đã báo cho Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) – đơn vị quản lý hệ thống đường ống cấp nước. Bên xí nghiệp cử người xuống hiện trường nghiên cứu... Chẳng hiểu việc sửa chữa đường ống cấp nước D 1.500 “phức tạp” đến thế nào mà mãi tới ngày 29-10-2009 (sau 7 tháng kể từ khi xảy ra sự cố), Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch mới có… văn bản gởi UBND quận 6, cho biết phải đợi công trình đặt cống trên đường Nguyễn Văn Luông và hẻm 336 hoàn tất thì mới tiến hành sửa chữa đường cấp nước được.

Thế là nước sạch vẫn “vô tư” xì lên mặt đường. Việc bể đường ống không chỉ gây thất thoát nước, làm giảm áp lực nước của cả khu vực mà còn gây cảnh ngập triền miên trên một đoạn đường, ngay cả vào những ngày không có mưa hoặc triều cường.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đây là một dự án lớn, thế nhưng việc khảo sát, nghiên cứu lập dự án và giải pháp thi công lại có “khoảng cách” so với thực tế. Để thi công đặt ống cống thì bắt buộc phải tạm bít các cửa xả, chặn dòng chảy quanh khu vực công trường. Theo phương án của đơn vị tư vấn, nước sẽ tạm thoát theo đường cống ở hẻm 336 Nguyễn Văn Luông. Ở đây cũng không rõ đơn vị tư vấn đã khảo sát như thế nào mà xác định hệ thống cống nói trên là D 800, đủ sức thoát nước cho khu vực. Đến khi đào đường lên thì mới biết đường cống ở hẻm 336 chỉ là D 300! Dù vậy, nhà thầu vẫn tiến hành thi công mà không triển khai các giải pháp hỗ trợ việc thoát nước, để đến khi người dân kêu rầm lên thì mới đặt 2 máy bơm nhưng công suất yếu, không đủ sức giải quyết tình trạng ngập nặng trên tuyến đường.

Chưa hết, khi thiết kế hệ thống cống mới ở hẻm 336 Nguyễn Văn Luông, đơn vị tư vấn thiết kế cống D 1.500. Đến khi công trình đã khởi công, chủ đầu tư mới “nhận ra” và điều chỉnh xuống D 1.000. Lý do: kết nối với các hệ thống cống trong khu vực, đường cống hẻm 336 chỉ cần D 1.000 là đủ sức thoát nước, cống D 1.500 là “hơi dư”, trong khi làm cống D 1.000 sẽ giảm mức đền bù giải tỏa nhà dân và bớt kinh phí di dời hệ thống truyền tải điện. Thế là việc thực hiện hạng mục này lại kéo dài thêm mấy tháng, do phải lập lại hồ sơ thiết kế và dự toán. Điều đáng nói, là toàn bộ hệ thống cống đều thuộc dự án nâng cấp đô thị, không hiểu vì sao đơn vị tư vấn lại không nắm rõ mà thiết kế lãng phí như thế?

Ngày khởi công công trình trên đường Nguyễn Văn Luông, người dân nơi đây rất vui mừng trước viễn cảnh thoát khỏi tình trạng “sống chung với ngập”. Mọi người đều xác định trong thời gian thi công sẽ phải chấp nhận những bất tiện trong sinh hoạt đời sống. Nhưng những điều xảy ra trong thực tế cho thấy, rõ ràng người dân sẽ đỡ khổ hơn nếu như các cơ quan chức năng làm việc có năng lực và trách nhiệm. Dư luận đề nghị Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị phải xem xét trách nhiệm và xử lý đơn vị tư vấn, nhà thầu một cách thỏa đáng.

Ảnh: TUẤN VŨ
 

Tin cùng chuyên mục