Hệ thống xử lý chất thải của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam sơ sài

Sáng 30-7, ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường nơi bờ bao bị bể của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam thuộc xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, dọc đường mùi phân heo hôi thúi bốc lên nồng nặc, những mảng đen ô nhiễm vẫn còn đọng trên ngọn cây cỏ, mặt đất, nơi dòng nước ô nhiễm đã chảy qua; những con suối nhỏ dòng nước còn đen ngòm.

Sáng 30-7, ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường nơi bờ bao bị bể của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam thuộc xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, dọc đường mùi phân heo hôi thúi bốc lên nồng nặc, những mảng đen ô nhiễm vẫn còn đọng trên ngọn cây cỏ, mặt đất, nơi dòng nước ô nhiễm đã chảy qua; những con suối nhỏ dòng nước còn đen ngòm.

Tại miệng bờ bao bị vỡ, công ty đã huy động xe đổ đất, máy xúc để trám lại, về cơ bản nước ô nhiễm đã được khắc phục, không còn chảy ra bên ngoài.

Hiện tại, người dân sinh sống xung quanh hoặc những người có rẫy cao su hết sức lo lắng vì cây sẽ chết trong nay mai, do thấm quá sâu nguồn nước ô nhiễm. Theo báo cáo của địa phương, thiệt hại nặng nhất là các hộ dân nuôi cá bị nước ô nhiễm cuốn trôi và chết sạch, đang lâm vào cảnh trắng tay.

Ngay sau sự cố xảy ra, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương đã phân tích mẫu nước đã lấy tại hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Công Du, Trưởng phòng TN-MT huyện Bến Cát, trong số các xã bị thiệt hại, xã Lai Hưng có khoảng 14ha cây trồng bị ngập. Cá, ếch của các hộ ở xã Phú An cũng bị chết đồng loạt. UBND huyện Bến Cát đã chỉ đạo các xã bị ô nhiễm thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh cũng tiến hành theo dõi, kiểm tra các vật nuôi, nếu có dịch bệnh sẽ lập tức tiến hành tiêu độc, khử trùng. Ông Du khẳng định, hệ thống xử lý chất thải của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam còn sơ sài. Trong các đợt kiểm tra trước đây, Sở NN-PTNT tỉnh đã yêu cầu khắc phục, nhưng công ty vẫn không chấp hành.

° Lợi dụng nguồn nước bị ô nhiễm do bể bờ bao Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam, vào khoảng 10 giờ 45 phút ngày 30-7, nguồn nước đen bốc mùi hôi nồng nặc của Công ty cổ phần MDF VN chuyên sản xuất đồ gỗ đã xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Tính - nơi đã hứng chịu toàn bộ nguồn ô nhiễm trước đó - thuộc ấp Tân Lập, xã An Điền, huyện Bến Cát.

Ghi nhận của chúng tôi, nguồn nước đen ngòm từ nhà máy của Công ty MDF tuôn như suối, tràn qua đường ĐT 748, chảy vào ruộng lúa trước khi đổ thẳng vào sông Thị Tính. Ông Phạm Văn Hùng, ấp Kiếng An, xã An Điền cho biết: Nguồn nước đen đã tràn vào vườn cao su gần 1ha, dẫn đến nguy cơ rất nhiều cây sẽ bị chết. Một tuyến đường bên hông nhà máy đã bị nguồn nước đen thải ra, làm cho không ai qua lại được.

Tại cổng công ty, hàng chục người dân địa phương bức xúc đòi gặp giám đốc để yêu cầu ngưng ngay việc xả nước thải. Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng Công an xã An Điền cho biết: “Công ty này đã xả nước thải gây ô nhiễm môi trường từ hai năm nay, rất nhiều người dân trong xã liên tục gởi đơn khiếu nại, nhưng vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Mới đây, đoàn kiểm tra môi trường huyện Bến Cát đã lập biên bản hai lần về vi phạm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty MDF VN”.

Q.HÙNG - L.THIỆN


Xử phạt Công ty Hào Dương 58 triệu đồng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài vừa ký ban hành Quyết định số 3558, xử phạt hành chính đối với Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Lô A18, KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Với 2 hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên (50m3 đến 5.000m3/ngày) và xả trái phép nước thải với lưu lượng từ 2.000 đến dưới 5.000m3/ngày đêm vào nguồn nước, Công ty Hào Dương chịu tổng số tiền phạt 58 triệu đồng. UBND TP cũng yêu cầu công ty này phải thực hiện các biện pháp cải tạo, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn toàn bộ nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất trước khi thải ra bên ngoài.

° Ngày 30-7, đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường đã tiến hành kiểm tra hành chính Công ty CP vật tư tổng hợp và phân bón hóa sinh (ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi). Với sản lượng 360.000 tấn/năm, công ty sử dụng 2 lò đốt than đá nhưng hoàn toàn không có hệ thống xử lý khí thải, xử lý bụi như đã cam kết với cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường. Cùng ngày, đoàn kiểm tra cũng phát hiện Nhà máy chế biến mủ cao su Phú Mỹ (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) sử dụng 2 lò đốt nhiên liệu dầu DO nhưng không trang bị hệ thống xử lý khí thải.

Q.LÂM

Tin cùng chuyên mục