Mưa lớn gây ngập nặng các tỉnh miền Trung

Chiều 4-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định, mặc dù chiều và đêm qua, áp thấp nhiệt đới ở biển miền Trung đã áp sát vào khu vực đất liền và suy yếu hơn một chút song còn gây mưa to trên diện rộng cho các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế trong ngày 5-9.
Mưa lớn gây ngập nặng các tỉnh miền Trung
  • Đêm 3-9, Đà Nẵng hứng chịu trận mưa to chưa từng có; 1 học sinh bị chết đuối
  • Quảng Ngãi: Hai ngư dân mất liên lạc
  • Mưa lớn gây ngập lụt ở Thừa Thiên- Huế
  • Quảng Bình: Hơn 200 ngư dân chưa vào bờ
  • Quảng Trị: 2.223 ha lúa chìm trong nước lũ
  • Hàng ngàn hécta hoa màu bị thiệt hại

(SGGPO).- Chiều 4-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định, mặc dù chiều và đêm qua, áp thấp nhiệt đới ở biển miền Trung đã áp sát vào khu vực đất liền và suy yếu hơn một chút song còn gây mưa to trên diện rộng cho các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế trong ngày 5-9.

Nhiều tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập chìm trong nước. Ảnh: PHAN LÊ

Nhiều tuyến đường tại TP Đà Nẵng ngập chìm trong nước. Ảnh: PHAN LÊ

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hôm qua, 4-9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to và mưa rất to. Lượng mưa phổ biến là 100 - 200mm. Riêng từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam có lượng mưa lên tới 200-300mm, nhiều nơi đã lên hơn 300mm như: Ái Nghĩa (Quảng Nam): 352mm, Thượng Nhật (TT-Huế): 391mm và thậm chí lên hơn 400mm như Nam Đông (Thừa Thiên-Thuế): 413mm, Câu Lâu (Quảng Nam): 436mm, Tam Kỳ (Quảng Nam): 421mm.

Do mưa lớn nên mực nước lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi lên nhanh. Chiều 4-9, lũ trên sông Hương và sông Bồ tại Huế đã lên mức 3,5m (trên BĐ 3: 0,5m). Các sông ở Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi lên trên mức BĐ 1 và hiện vẫn đang tiếp tục lên.

Dự báo trong ngày hôm nay và ngày mai, lũ trên các sông ở miền Trung có khả năng tiếp tục lên, có nơi vượt mức BĐ 3.

Lũ dâng cao đã làm cho hàng nghìn ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch của nông dân các tỉnh miền Trung bị ngập chìm trong nước, nguy cơ mất trắng là rất cao. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và có dông. Cần đề phòng ngập úng ở vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. 

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. 

Tính đến chiều qua 4-9, lực lượng biên phòng 7 tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên đã kêu gọi được 5.330 tàu (khoảng 38.888 ngư dân) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 108 tàu với 2.247 ngư dân, khu vực Trường Sa có 562 tàu với 20.818 ngư dân.

Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển chậm theo hướng Đông Nam, sau đó là giữa Đông Đông Nam và Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km nên theo nhận định, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa vừa, mưa to, có nơi có mưa rất to sẽ còn “quét” dọc khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, làm ảnh hưởng cả thời tiết ở Tây Nguyên và Nam bộ.

Đến 13 giờ ngày 5-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. 

Mưa lớn đã và sẽ gây khó khăn, làm ảnh hưởng cho hàng ngàn học sinh cũng như các bậc phụ huynh trong ngày khai giảng năm học mới ở miền Trung vào hai ngày 4 và 5-9.

Ở Nam bộ, do trời chuyển xấu, gió Tây Nam mạnh dần lên nên nhiều nơi cũng có mưa dông, mưa rào trong ngày khai giảng.

Đêm 3-9, Đà Nẵng hứng chịu trận mưa to chưa từng có

Nhà anh Lê Văn Tự (Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị ngập sâu, anh phải dùng phao đưa con ra đường chạy lụt. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhà anh Lê Văn Tự (Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị ngập sâu, anh phải dùng phao đưa con ra đường chạy lụt. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Từ 18 giờ tối qua (3-9) cho đến hơn 3 giờ sáng hôm nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra trận mưa lớn liên tục chưa từng có, làm cả TP Đà Nẵng ngập chìm trong nước.

Tất cả các tuyến đường trong khu vực nội thành ở Đà Nẵng, như: Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Núi Thành … bị ngập sâu từ 0,5 cho đến hơn 1 mét. Hàng trăm khu dân cư ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu,.. bị ngập chìm trong nước.

Nước tràn vào nhà quá nhanh đã làm nhiều vật dụng trong các gia đình ở TP Đà Nẵng bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nước tràn vào nhà quá nhanh đã làm nhiều vật dụng trong các gia đình ở TP Đà Nẵng bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Lê Văn Toàn, nhà ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, nói: "Tôi sống ở đây đã gần 60 năm nhưng chưa bao giờ thấy trận mưa nào lớn và kéo dài như trận mưa này. Cả khu vực tôi ở hầu như nhà nào cũng bị ngập sâu trong nước; có nhà bị ngập hơn 1 mét. Kể cả trận lũ lịch sử năm 1999 hay trận lũ năm 2007 cũng không bằng. Do mưa quá lớn, nước tràn vào nhà quá nhanh, cộng với đêm khuya nên mọi người không kịp dọn đồ đạc nên nhiều vật dụng trong gia đình bị hư hại gần hết."

Ngay trong đầu giờ sáng nay, hàng nghìn người đã mang xe máy đến các tiệm sửa xe vì xe bị ngập nước, chết máy. Lợi dụng tình hình này, các chủ tiệm đã nâng giá lên gấp 2-3 lần ngày thường.

Ông Đỗ Thái Lân – Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ), cho biết, trong đêm qua, mưa to xảy ra ở hầu hết các địa bàn ở miền Trung. Lượng mưa phổ biến từ 50-200mm. Đặc biệt tại Đà Nẵng, lượng mưa đo được đến 550mm.

Một người dân ở phường Hòa Thuận, quận Hải Châu (Đà Nẵng) phải thức trắng đêm vì mưa lớn ngập nhà. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một người dân ở phường Hòa Thuận, quận Hải Châu (Đà Nẵng) phải thức trắng đêm vì mưa lớn ngập nhà. Ảnh: Nguyễn Hùng

Quảng Ngãi: Hai ngư dân mất liên lạc

Ngày 4-9, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Ngãi cho biết, lúc 8 giờ ngày 3-9, tàu QNg 50791-TS (39 CV) của ông Trịnh Thanh Đào, sinh năm 1958, quê ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, trên thuyền có 2 lao động, đang trên đường chạy từ Bãi Ngang (Bình Hải, Bình Sơn) về cửa Sa Cần tránh gió thì bị mất liên lạc.

Cũng trong ngày 3-9, tàu QNg 55328-TS của ông Ao Xuân Tiến (sinh năm 1967), quê ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, trên tàu có 2 ngư dân, hành nghề lưới rút, trên đường chạy vào Sa Cần tránh gió đã bị sóng đánh chìm ở đầu đê chắn sóng Dung Quất thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn lúc 11h; 2 ngư dân bơi vào bờ an toàn, phương tiện và ngư cụ chìm toàn bộ.

Các phương tiện đánh bắt của Quảng Ngãi neo trú tại cửa Sa kỳ. Ảnh: Hà Minh

Các phương tiện đánh bắt của Quảng Ngãi neo trú tại cửa Sa kỳ. Ảnh: Hà Minh

Tàu QNg 95140-TS của ông Võ Hải bị chết máy đã được tàu QNg 95139 TS của ông Phạm Trung Kiên, tàu QNg 95538 TS của ông Trương Tây và 5 phương tiện khác ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn kéo về, hiện đã đến tọa độ 19002N - 114022’E, cách đảo Đá Bắc (Hoàng Sa) 203 hải lý về hướng đông bắc, dự kiến đến ngày 7-9 sẽ đến cảng Sa Kỳ.

Hiện nay, riêng tỉnh Quảng Ngãi còn 1.178 tàu thuyền với 9.363 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Một số ngư dân địa phương bất chấp gió to sóng lớn đã đưa thuyền ra khơi để tìm kiếm người thân, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Thừa Thiên- Huế

Từ 6 giờ đến 8 giờ 30 phút sáng nay, 4-9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại Thừa Thiên- Huế, mưa lớn kéo dài khiến QL 49, 4B và nhiều tuyến đường chính tại TP Huế bị ngập lụt cục bộ, gây ách tắc giao thông.

Nhiều tuyến đường tại TP Huế bị mưa ngập gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông

Nhiều tuyến đường tại TP Huế bị mưa ngập gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông

Hệ thống thoát nước của TP Huế quá tải khiến các tuyến đường chính như Hùng Vương, Bến Nghé, Nguyễn Huệ, Lê Quí Đôn… đều bị ngập 0,3-0,6m nước so với mặt đường.

Đường ngập lụt đúng vào giờ học sinh, công nhân viên chức tại TP Huế đến trường học, đến công sở làm việc đã gây nên tình trạng ách tắc giao thông. Nhiều người đi trên đường ngập lụt phải lộn ngược lại, dồn nhau về đường Hà Nội khiến tuyến đường được cho là cao nhất TP. Huế bị ách tắc, hỗn loạn đột ngột từ lúc 8 giờ đến 8 giờ 30 phút sáng nay.

Sáng nay, học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) phải đội mưa, lội nước đến trường.

Sáng nay, học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) phải đội mưa, lội nước  đến trường.

Trên các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé, Nguyễn Huệ, hàng quán, nhà dân hai bên đường phải đóng cửa vì đường ngập từ 0,5-0,7m nước, người đi đường chen kín vỉa hè, nước đổ dồn vào nhà.

Tận dụng cơ hội hiếm hoi khi đường phố ngập lụt, xe mô tô chết máy, nhiều “tay” sửa xe trên vỉa hè đường Hùng Vương đã ra sức chém khách. Khách muốn tháo bu-gi để máy nổ lại phải trả từ 10.000đ- 20.000đ/lượt.

Quảng Bình: Hơn 200 ngư dân chưa vào bờ

Chi cục Phòng chống bão lụt Quảng Bình cho biết, mưa to và rất to đã gây ngập úng nhiều nơi trong tỉnh. Hơn 1.000ha lúa hè thu đang kỳ thu hoạch bị ngập. Đến chiều ngày 4-9, vẫn còn hơn 200 ngư dân trên 32 tàu đánh cá  chưa vào bờ. Trước đó, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã kêu gọi được 4.109 tàu thuyền vào bờ an toàn.

Quảng Trị: 2.223 ha lúa chìm trong nước lũ

Tính đến chiều ngày 4-9, mưa lớn đã khiến 2.223 ha lúa vụ hè thu của tỉnh chìm trong nước. Gần 2 cây số trên các tuyến đê Hải Thọ, Hải Thành bị sạt lở, một số cống thoát bị vỡ và nước tràn qua thân đê từ 0,2 đến 0,5m.

Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều biện pháp chống lũ, đồng thời yêu cầu chính quyền và nhân dân các xã vùng trũng nhanh chóng thu hoạch số lúa còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Mặt khác, UBND huyện Hải Lăng tổ chức nhân lực, tập kết vật liệu gấp rút hàn khẩu những đoạn đê bị vỡ; đồng thời có kế hoạch di dời dân ở những vùng thấp lên vùng cao.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là tình hình mưa lũ nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung, ngày 4-9, Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị vào Cà Mau và khu vực Tây Nguyên chỉ đạo các bệnh viện trực cấp cứu 24/24 giờ, cấp cứu miễn phí cho nạn nhân. Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Các đơn vị trực thuộc bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện... sẵn sàng hỗ trợ, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Chiều tối 4-9, UBND quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) cho biết: ngập lụt đã khiến một học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Công Trứ thiệt mạng. Nạn nhân là em Cao Văn Vinh (16 tuổi), bị chết đuối do sẩy chân rơi xuống hố trong lúc lội nước.

Khôi Nguyên - Nguyễn Hùng - Hà Minh
Anh Vinh-Đình Tứ- Thùy Uyên

- Thông tin liên quan:

>> Áp thấp nhiệt đới gần bờ - Mưa to khắp Trung, Nam bộ

Tin cùng chuyên mục