Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Điểm sáng địa bàn dân cư

“Mời bạn đến thăm khu dân cư tôi”
Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Điểm sáng địa bàn dân cư

Từ chủ trương, tùy tình hình, mỗi địa phương năng động hưởng ứng phong trào với những cách làm khác nhau. Qua hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, TPHCM đã có hàng trăm mô hình hay, góp phần làm cho cuộc vận động dần đi vào cuộc sống. Có những cá nhân với những việc làm bình dị của mình đã góp phần làm cho TP đẹp hơn, đưa phong trào lan tỏa trong cộng đồng…

Ông Trần Đình Trung, thành viên đội Bảo vệ môi trường khu phố 7, phường 11, quận Tân Bình đang xóa quảng cáo trái phép. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ông Trần Đình Trung, thành viên đội Bảo vệ môi trường khu phố 7, phường 11, quận Tân Bình đang xóa quảng cáo trái phép. Ảnh: ĐỨC TRÍ

“Mời bạn đến thăm khu dân cư tôi”

Quận 5 là địa bàn có đông người Hoa sinh sống. Để vận động người dân tự ý thức thực hiện chủ trương, Quận đoàn quận 5 xung phong thiết kế cho quận hội thi “Mời bạn đến thăm khu dân cư tôi” trên 99 khu dân cư toàn quận.

Qua hơn 6 tháng tổ chức hội thi ở 15 phường và 3 đêm thi cấp quận ở các cụm với nhiều nội dung sôi nổi: Khu dân cư tự đánh giá ưu khuyết điểm, đưa ra biện pháp khắc phục khi khu dân cư chưa sạch đẹp, mời đoàn giám khảo (đại diện MTTQ TP, các đoàn thể TP) đến thực địa, chấm điểm khu dân cư, cạnh tranh trực tiếp trong đêm thi…, hội thi đã thu hút hơn 13.000 lượt người dân đến cổ vũ.

Ngoài hội thi, thanh niên quận 5 còn hăng hái lập đề án “Xây dựng 15 khu dân cư không rác” trên địa bàn quận với hàng loạt các buổi ra quân làm sạch các con hẻm, xóa quảng cáo sai quy định, nhắc nhở người dân không đổ rác sinh hoạt ra đường, theo dõi những người đổ xà bần bậy tại các công trường xây dựng dọc đại lộ Đông Tây…

Ông Lê Tấn Tài, Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND phường 6 quận 5 kể: Cứ ai phát hiện hành vi xả rác, nước thải, tiểu tiện nơi công cộng và thông báo với phường là được thưởng “nóng” từ 50.000 đến 200.000 đồng/lần. Người vi phạm phát tờ rơi nơi công cộng thì ngoài phạt tiền còn bắt họ phải tự quét dọn những tờ rơi đã phát và phường sẽ báo về địa phương hoặc trường học để nhắc nhở.

Qua kiểm tra đột xuất, những khu dân cư sạch đẹp cũng được thưởng “nóng” mức 300.000 đồng/lần; giữa 2 lần lấy rác của công nhân vệ sinh, phường đã vận động 1 hộ nghèo tham gia nhặt rác của khách vãng lai… Nhờ vậy, tình trạng rác thải trên địa bàn đã giảm từ 70% đến 80%!

UBND phường 14 quận Phú Nhuận có cách làm riêng, tuyên truyền cho người dân về khu phố không rác bằng cách thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm để người dân đóng góp ý kiến. Sau đó phường phân công cụ thể: KP1 là khu phố không rác, KP3 thực hiện công trình “Dọn dẹp vệ sinh các dãy nhà đâu lưng nhau”, KP4 là “Tuyến đường Lê Văn Sỹ không có rác”... Chỉ tiêu đã giao, phường thành lập các đoàn đi kiểm tra thường xuyên để đánh giá thi đua.

Một số khu phố còn thành lập các sổ nhật ký để ghi chép các hộ thường xuyên vi phạm vệ sinh môi trường để yêu cầu khắc phục. Nếu để tái phạm lần 3, khu dân cư chuyển tên lên UBND phường để xử lý. Kết quả bước đầu, đã có 77 hộ vi phạm nhưng chấm dứt không tái phạm nữa…

15 phút vì “trái tim” của TP

Nằm ở vị trí trung tâm TP nên quận 1, quận 3 phải trở thành đơn vị tiên phong trong phong trào xây dựng đường phố sạch đẹp. “Mỗi tuần 15 phút vì TP sạch đẹp” là cách làm hay của phường Bến Thành, quận 1. Phong trào chính thức phát động vào ngày 16-3-2008 với hơn 150 người tham gia, bắt tay dọn dẹp vệ sinh khu vực mình sinh sống. Sự lan tỏa của phong trào ngày càng tăng, mỗi đợt ra quân đều có hàng trăm người dân đồng tình vào cuộc.

Đến nay, phong trào vẫn được duy trì đều đặn bằng các đợt ra quân thu gom quét dọn rác, xóa quảng cáo rao vặt sai quy định, tổ chức tổ tự quản quản lý vệ sinh môi trường trước cửa nhà từ trong hẻm ra ngoài đường, vận động đổ rác - lấy rác đúng giờ…

Có hàng loạt tuyến đường lớn đi qua quận nên bên cạnh việc thực hiện hàng loạt phong trào như các quận bạn, quận 3 còn mạnh dạn thực hiện chủ trương chuyển đổi thời gian thu gom rác từ ban ngày sang ban đêm ở 14 phường để bảo đảm các tuyến đường ban ngày được sạch đẹp, xe cộ lưu thông thuận lợi hơn.

Trưởng phòng TN-MT quận 3 Trần Văn Đông thống kê: 14 phường mời đội ngũ thu gom rác dân lập đến thuyết phục; tuyên truyền liên tục đến người dân giao rác tận tay cho công nhân vệ sinh, không vứt rác bừa bãi ngoài đường phố; họp giao ban 2 lần/tuần với các đơn vị có liên quan để giải quyết những chuyện phát sinh; lập biên bản phạt ngay các trường hợp vi phạm (để thùng rác không ngay ngắn gọn gàng, tập kết rác bịch dưới chân thùng rác, cơi rác cao quá miệng thùng…) để làm gương.

Dù còn không ít khó khăn vì thay đổi thói quen của hàng ngàn hộ dân, công việc của lực lượng thu gom rác… nhưng kết quả đạt được cũng khả quan: Vệ sinh môi trường ở nhiều tuyến đường được cải thiện; tình trạng rác thải, rác đống tập kết dưới lòng đường mất dần; hình ảnh các xe chở rác để nước rỉ rả, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc lưu thông “hiên ngang” trên đường phố gần như không còn; ý thức người dân cũng được nâng cao hơn…

Qua hơn 2 năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mỗi ngành mỗi cấp mỗi quận huyện đều có riêng những cách làm hay, thiết thực mà Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã từng tự hào nhìn nhận: Chính quyền và người dân đã gặp nhau, cùng nhau làm bằng sự đồng thuận nên các phong trào ở cơ sở có sức sống. Bà cũng khẳng định, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân, sự quyết liệt của từng ban ngành, địa phương, cuộc vận động sẽ ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu.

Lan tỏa những tấm gương bình dị

Đã từ lâu, người dân ở con hẻm 210 đường Cách Mạng Tháng Tám đã quen với hình ảnh ông già Vương Bang Khải sáng sáng quét rác sạch sẽ từ đầu đến cuối hẻm. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông cười hiền lành: “Quen rồi, sáng tui quét trước nhà mình rồi tiện tay quét luôn cả hẻm cho sạch”. Việc này đã được ông Khải thực hiện đều đặn từ chục năm nay.

Hàng ngày đi tập thể dục buổi sáng, nhìn quảng cáo nham nhở dán chi chít trên cột điện, trụ điện thoại mà những người cựu chiến binh khu phố 7, phường 11, quận Tân Bình tức “anh ách”. Không ai nói với ai, mỗi sáng đi tập thể dục, các chú lại dừng lại vài phút gở bỏ các tờ quảng cáo. Có chú đi tập thể dục còn mang theo “dụng cụ” là dao nhíp để gỡ cho dễ.

Thời gian đầu nhiều người không hiểu tưởng các ông già “dư hơi” làm chuyện “bao đồng”, rồi ngày này qua ngày khác, các bạn trẻ đi tập thể dục buổi sáng cũng “bắt chước”, dừng lại xóa phụ, riết rồi thành nếp. Một thời gian sau quảng cáo, rao vặt mất dần trên địa bàn khu phố 7.

Thấy hiệu quả, UBND phường nhân rộng mô hình toàn phường và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể phụ trách từng tuyến đường. Chính từ hình ảnh những cựu chiến binh hết lòng vì cộng đồng đã làm phong trào lan tỏa rộng.

Vân Anh – Hồng Hiệp

  • Thông tin liên quan:

- Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Đột phá

Tin cùng chuyên mục