Chung tay xây dựng văn minh đô thị

Xây dựng môi trường đô thị nhân văn

Làm gì để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững? Bên cạnh những vấn đề Báo SGGP đã đặt ra trong các số báo vừa qua, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học.
Xây dựng môi trường đô thị nhân văn

Làm gì để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững? Bên cạnh những vấn đề Báo SGGP đã đặt ra trong các số báo vừa qua, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học.

PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân:
Tránh hiệu ứng “nhiễm độc”

Thời gian qua, khi xây dựng chiến lược phát triển đô thị, người ta thường tập trung chú trọng đến các vấn đề hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, cấp điện… Hạ tầng xã hội cũng được chú ý nhưng lại tập trung ở các mặt như nhà ở, công trình thương nghiệp, dịch vụ công cộng… Văn hóa và việc bảo tồn môi trường văn hóa thường bị… bỏ trống hoặc chỉ được đề cập thoáng qua chứ chưa thật sự đặt thành vấn đề quan trọng như các vấn đề khác trong chiến lược phát triển đô thị. Trong khi đô thị, theo đúng nghĩa của nó, là tổng hợp của sự tiến bộ về xã hội và văn hóa.

Những cây cầu, những con đường, các tòa nhà cao tầng thực chất là phương tiện vật chất để phục vụ con người, để con người sống và phát triển. Khi xây dựng một chiến lược phát triển, các nhà hoạch định phải chú ý cả hai mặt vật chất và con người. Con người sống trong không gian đô thị ấy có nhu cầu cả vật chất lẫn tinh thần. Chỉ nặng cung cấp vật chất mà nhẹ tinh thần thì con người sẽ trở thành xa lạ trong môi trường mới.

Đã có thời, môi trường sinh thái tự nhiên cũng bị bỏ quên, con người chú trọng đến khai thái thiên nhiên mà không lo lắng đến tác động phản hồi, khiến môi trường sinh thái bị xâm hại nặng nề. Sau những hậu quả tai hại do việc không chú trọng đến thiên nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái đã được chú trọng giải quyết trong các chiến lược phát triển, còn những vấn đề môi trường văn hóa thực sự vẫn chưa được đặt đúng mức để có chiến lược phát triển và phát huy.

Môi trường thiên nhiên - con người - văn hóa là 3 thành tố tương tác và đồng điệu trong không gian xã hội. Con người không chỉ sống trong môi trường sinh thái, môi trường xã hội mà còn sống cả trong môi trường văn hóa đã hình thành từ xa xưa. Môi trường này do chính con người tạo ra nhưng chính con người không biết cân bằng sẽ bị “nhiễm độc” nếu sinh thái văn hóa không đáp ứng được nhu cầu của họ.

Bưu điện TPHCM, một công trình kiến trúc cổ được giữ gìn bên các kiến trúc hiện đại. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Bưu điện TPHCM, một công trình kiến trúc cổ được giữ gìn bên các kiến trúc hiện đại. Ảnh: ĐỨC TRÍ

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa:
Đã chín muồi để cải cách

Năm 2010 là năm xây dựng “Văn minh - Mỹ quan đô thị”, nhưng kết quả chưa làm chúng ta hài lòng. Theo tôi, tất cả phải bắt đầu từ quy hoạch không gian và quản lý con người. Khó có thể xây dựng được văn minh trong một thành phố luôn trong tình trạng quá tải và không ổn định. Việc lấn chiếm vỉa hè, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, đậu xe vô tội vạ chủ yếu diễn ra trong khu vực lõi của thành phố (990 ha). Các ban ngành của thành phố liên tục đưa ra các chính sách mới và liên tục điều chỉnh chúng mỗi khi gặp phản ứng của người dân, nhưng hiệu quả mang lại thấp. Suy cho cùng đó là những giải pháp tình thế mang tính đối phó, đi sau để giải quyết hậu quả.

Đã đến lúc lãnh đạo TP phải có những bước đi quyết liệt hơn dù làm tổn hại lợi ích của một nhóm các nhà đầu tư nào đó, cho dù số tiền thu về cho ngân sách bị giảm đi phần nào. Kiên quyết không tạo điều kiện để cho con người và khối lượng vật chất tiếp tục dồn về trung tâm nữa, tạo ra những khu mới có sức hấp dẫn cao như Phú Mỹ Hưng, hoặc ở phía Bắc và Tây Bắc TPHCM theo tinh thần cha ông ta đã dạy “thóc đâu bồ câu đấy”. Trong quy hoạch phát triển cần có tầm nhìn chiến lược đến 50 - 100 năm nữa và tương tác trong bối cảnh biến đổi nhanh về kinh tế - xã hội và tác động mạnh của khí hậu.

Đi cùng công tác quy hoạch khoa học là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng hiện đại. chuyển nhanh quản lý đô thị sang chế độ thị trưởng và hội đồng thành phố, nhằm tăng cường quyền lực mạnh và tạo ra một chính quyền đô thị minh bạch, trong sạch và được nhân dân tín nhiệm. TPHCM đã chín muồi cho những cải cách mới. 

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng Phòng CS GTĐB Công an TPHCM:
Triển khai giải pháp đồng bộ

Cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đến với người dân. Biện pháp phải cụ thể: Tăng thời lượng đưa tin, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp từng đối tượng; đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên và có chế độ ưu đãi để đội ngũ này hoạt động hiệu quả hơn; xây dựng các “công viên an toàn giao thông” phục vụ hướng dẫn Luật Giao thông và thực hành cho các cháu học sinh cấp 1 nhằm tạo ý thức cho các em từ khi còn nhỏ.

Biện pháp mạnh hơn là tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, sớm hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật sao cho khi ban hành phải có sự thống nhất để cấp dưới thi hành ngay.

Để chấn chỉnh bộ mặt trật tự đô thị, theo tôi cơ quan được giao nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch khi cấp giấy phép lái xe và kiểm định xe cơ giới để đội ngũ lái xe có nhận thức đầy đủ hơn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông xảy ra.

Ngoài ra, TPHCM cũng cần có giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân trên đường (đối tượng chính gây ra các vụ tai nạn giao thông hiện nay, chiếm trên 70%), từng bước giảm dần các nút giao thông đồng mức, xây cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông, tổ chức phân luồng giao thông theo hướng một chiều để giảm bớt xung đột trên đường…

VÂN ANH - LINH ĐAN - MÁN MƯỜNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục