Sổ tay: Bên cao, phía thấp!

Công ty TNHH Xử lý rác Việt Nam (VWS) vừa được tăng giá xử lý rác lên gần 18USD/tấn. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao giá xử lý rác của doanh nghiệp (DN) này lại cao đến thế trong khi mặt bằng chung giá xử lý rác của các DN khác tại TPHCM chỉ ở mức 5 - 7USD(!) Hay VWS xử lý rác với công nghệ hiện đại hơn các DN xử lý rác khác?

Công ty TNHH Xử lý rác Việt Nam (VWS) vừa được tăng giá xử lý rác lên gần 18USD/tấn. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao giá xử lý rác của doanh nghiệp (DN) này lại cao đến thế trong khi mặt bằng chung giá xử lý rác của các DN khác tại TPHCM chỉ ở mức 5 - 7USD(!) Hay VWS xử lý rác với công nghệ hiện đại hơn các DN xử lý rác khác?

Thực tế không hoàn toàn như vậy. Cụ thể, căn cứ vào cam kết đầu tư ban đầu của VWS, DN này sẽ kết hợp nhiều hình thức xử lý rác thải như tái chế, sản xuất phân compost và chôn lấp. Thế nhưng đến nay, DN này chỉ mới chôn lấp rác thải, còn tái chế và sản xuất phân compost từ rác vẫn tiếp tục lỗi hẹn, khi đang đầu tư xây dựng nhà máy tái chế rác thải thành phân compost - dự kiến hoạt động vào tháng 9.

Tuy nhiên, VWS cũng đặt ra điều kiện là rác chỉ có thể tái chế khi TP giao rác đã phân loại tại nguồn, nếu không giao được rác đã phân loại, VWS phải cho chôn lấp. Như vậy, điều kiện này chẳng khác gì đổ cái khó cho TP vì đến nay TP vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để có thể triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn.

Như vậy, với công nghệ xử lý của VWS chủ yếu vẫn là chôn lấp, không hiểu sao giá xử lý rác của DN này vẫn tăng vùn vụt: từ 16,4 USD (1-11-2007) lên gần 18USD/tấn theo quyết định mới nhất. Nếu với mức trượt giá bình thường hàng năm, trong năm sau, giá xử lý của DN này chắc sẽ còn cao hơn nữa. Vấn đề đặt ra là, giá xử lý rác của các DN khác cùng đầu tư vào lĩnh vực này thấp hơn giá của VWS.

Công ty cổ phần Vietstart hoạt động từ năm 2009 với chi phí xử lý rác khởi điểm 5USD/tấn, với công nghệ xử lý, tái chế rác thải thành phân compost và hạt nhựa, hoàn toàn không dùng công nghệ chôn lấp cũng như không đòi hỏi TP phải giao rác đã phân loại. Hiện Vietstart đang đề xuất tăng mức giá lên, nhưng dù TP có chấp thuận mức giá mới cũng chưa thể bằng ngưỡng giá của VWS. Trong khi đó, hai công ty Thành Công và Tâm Sinh Nghĩa đang chuẩn bị đi vào hoạt động cuối năm 2010 với công nghệ tái chế rác thải chưa phân loại thành phân vi sinh, hạt nhựa nhưng chi phí xử lý rác chỉ ở mức 7USD/tấn.

Phải chăng đang có sự bất bình đẳng trong việc chi trả chi phí xử lý rác. DN đầu tư với công nghệ xử lý rác lạc hậu hơn thì được trả chi phí xử lý cao còn nhà đầu tư xử lý rác có công nghệ hiện đại hơn lại chỉ được tính chi phí xử lý thấp hơn? Xu hướng phát triển hiện nay cho thấy, giải pháp chôn lấp rác- dù hợp vệ sinh - chỉ làm tăng diện tích đất dùng vào việc xử lý rác, trong khi rác không được tận dụng và xử lý triệt để, tạo sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Đó là chưa kể nhà nước thất thu thuế từ hoạt động sản xuất và bán sản phẩm xanh từ rác. Do vậy, thiết nghĩ, sự bất hợp lý nêu trên cần được điều chỉnh, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước hiện đại hóa ngành công nghệ xử lý rác.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục