Từ 25-2, chính thức thu phí đường cao tốc TPHCM-Trung Lương

Ngày 23-2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long công bố kế hoạch triển khai thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến việc thu phí.
Từ 25-2, chính thức thu phí đường cao tốc TPHCM-Trung Lương

Ngày 23-2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long công bố kế hoạch triển khai thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến việc thu phí.

  • Trả tiền sau khi ra khỏi đường cao tốc

Ông Lê Đức Tuân, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết, từ 8 giờ ngày 25-2, tất cả các trạm thu phí trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương chính thức bắt đầu thu phí.

Quy trình thu phí đường cao tốc như sau: Khi bắt đầu vào đường cao tốc, người điều khiển phương tiện dừng lại ở cabin làn vào. Nhân viên thu phí phát cho tài xế thẻ (thẻ giống như thẻ ATM, không phải bán vé như các trạm thu phí khác) vào đường cao tốc. Trên thẻ có ghi các thông tin về địa điểm, mã trạm ngõ vào đường cao tốc, loại xe. Tại điểm cuối khi ra khỏi đường cao tốc, tài xế xuất trình thẻ đã nhận tại điểm vào đường cao tốc cho nhân viên thu phí. Tại đây, máy sẽ kiểm tra và xác định số kilômét mà phương tiện đã lưu thông trên đường cao tốc, đồng thời tính tiền và in chứng từ thanh toán. Tài xế trả tiền và nhận chứng từ. Nhân viên thu phí sẽ thu lại vé.

Xe qua trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: KIM NGÂN

Xe qua trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh: KIM NGÂN

Căn cứ xác định trọng tải phương tiện để tính phí là giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan thẩm quyền cấp. Mức thu phí đối với xe chở hàng bằng container (bao gồm cả đầu kéo rơ-moóc chuyên dùng) sẽ áp dụng mức thu theo tải trọng thiết kế của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng, kể cả trường hợp chở hàng bằng container có tải trọng ít hơn tải trọng thiết kế vẫn áp dụng mức thu theo tải trọng thiết kế. Vì thế, nhiều trường hợp tài xế phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe nếu không xác định trọng tải phương tiện.

Theo ông Tuân, trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 40km sẽ có hai trạm thu phí chính đặt ở đầu tuyến thuộc Chợ Đệm (TPHCM) và cuối tuyến tại đường Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra còn hai trạm thu phí phụ đặt tại Bến Lức và TP Tân An (Long An). Theo đó, tất cả phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc đều phải nộp phí, trừ đối tượng được quy định của Bộ Tài chính như xe cứu thương, xe cứu hỏa...

  • Xe tải, xe container “né” đường cao tốc

Hàng loạt vấn đề báo chí cũng như giới tài xế được nêu ra tại buổi công bố thu phí như xe không lưu thông vào đường cao tốc mà sẽ chuyển sang chạy trên quốc lộ 1A? Mặt đường bong tróc chưa sửa chữa xong đã thu phí, tai nạn xảy ra có liên quan đến con đường, liệu có được đền bù?

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, trả lời: Thời gian đầu chắc chắn xe tải, xe container có thể “né” mà chuyển sang chạy vào quốc lộ 1A. Tuy nhiên, xe đi đường cao tốc gần hơn quốc lộ 1A khoảng 11km (quốc lộ 1A 51km). Theo tính toán, chi phí nhiên liệu trong 11km hết từ 27.000 – 30.000 đồng/xe tùy theo chất lượng mỗi xe, thời gian đi trên cao tốc 30 phút so với 60 phút quốc lộ 1A. Nếu xe tránh đường cao tốc, quốc lộ 1A sẽ bị ách tắc, dễ xảy ra tai nạn, nhanh xuống cấp, gây ô nhiễm…

Như vậy, tính đúng và tính đủ thì đi cao tốc sẽ lợi hơn nhiều. Lúc đó lái xe sẽ tự điều chỉnh hướng đi để tiết kiệm chi phí và thời gian. Theo tính toán trong hai năm qua, lưu lượng xe lưu thông khoảng 32.000 – 35.000 xe/ngày đêm, còn trên quốc lộ 1A khoảng 6.000 – 7.000 xe/ngày đêm. Trong suốt thời gian này, quốc lộ 1A không ùn tắc và tai nạn giao thông giảm hẳn.

Về mặt đường bong tróc chưa khắc phục xong đã thu phí, ông Dương Tuấn Minh cho biết, đang tập trung sửa chữa triệt để nhằm đảm bảo lưu thông an toàn. Hiện nay đã xử lý triệt để 70%, còn 30% sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 4 này. Về tai nạn giao thông xảy ra trên đường có nhiều nguyên nhân nếu xác định lỗi thuộc về bên nào thì bên đó sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A, ngày 11-9-2009, Thủ tướng có văn bản cho chủ trương đặt một trạm thu phí trên quốc lộ 1A đoạn từ Bình Chánh, TPHCM đến Trung Lương, tỉnh Tiền Giang để thu phí hỗ trợ hoàn vốn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và điều tiết lưu lượng xe giữa đường cao tốc và quốc lộ 1A. Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC, nay đã chuyển giao quyền thu phí cho Tổng Công ty Cửu Long) nêu rõ, trạm thu phí này có 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe quá khổ, quá tải. Hình thức thu phí là vé quốc lộ lượt, mức thu theo quy định tại Thông tư 90 của Bộ Tài chính với giá vé là 10.000 đồng/vé/lượt đối với ô tô dưới 12 chỗ.

Tuy nhiên, do hiện nay trạm thu phí này chưa xây dựng nên tạm thời ô tô lưu thông trên quốc lộ 1A chưa phải mua vé.

Mức thu phí được áp dụng theo chặng, với mức tiền cụ thể cho mỗi kilômét trên đường cao tốc, áp dụng khác nhau với các loại ô tô con, xe tải, xe container. Cụ thể: xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức thu 1.000 đồng/km; xe từ 12-30 chỗ là 1.500 đồng/km, xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 2.200 đồng/km, xe tải 10-18 tấn thu 4.000 đồng/km và xe từ 18 tấn trở lên thu tới 8.000 đồng/km.

Trên cơ sở biểu phí này, mức thu cụ thể cũng được Bộ Tài chính đưa ra với từng chặng trên cao tốc TPHCM - Trung Lương đối với từng loại xe. Chẳng hạn, xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt công cộng chạy Chợ Đệm - Thân Cửu Nghĩa có độ dài 40km sẽ chịu mức phí 40.000 đồng/xe, trong khi xe từ 12-30 chỗ ngồi là 60.000 đồng/xe, xe tải từ 4-10 tấn là 88.000 đồng/xe, xe tải từ 10-18 tấn là 160.000 đồng/xe, xe tải trên 18 tấn và xe container 40 feet là 320.000 đồng/xe.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục