TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe? Bài 2: Cao ốc ở đâu, bãi xe trái phép ở đó

Mặc dù Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng quy định khá cụ thể diện tích để xe trong các khu đô thị, đơn vị ở, nhóm nhà ở, tuy nhiên, nhiều cao ốc tại TPHCM xây dựng trước và sau thời điểm năm 2008, đều không đảm bảo quy chuẩn này, dẫn đến thực trạng cao ốc ở đâu, bãi xe trái phép mọc xung quanh đó và vỉa hè, lòng đường đang oằn gánh bãi xe.
TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe? Bài 2: Cao ốc ở đâu, bãi xe trái phép ở đó

Mặc dù Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng quy định khá cụ thể diện tích để xe trong các khu đô thị, đơn vị ở, nhóm nhà ở, tuy nhiên, nhiều cao ốc tại TPHCM xây dựng trước và sau thời điểm năm 2008, đều không đảm bảo quy chuẩn này, dẫn đến thực trạng cao ốc ở đâu, bãi xe trái phép mọc xung quanh đó và vỉa hè, lòng đường đang oằn gánh bãi xe.

“Ở đây tao có quyền!”

Chúng tôi rảo một vòng quanh khu vực trung tâm TPHCM, hầu hết tại những nơi có cao ốc văn phòng hay trung tâm thương mại (TTTM) xung quanh đều có các bãi giữ xe ăn theo. Ngay phía trước tòa nhà cao nhất TP - Bitexco (quận 1) là bãi giữ xe rất nhếch nhác và mất trật tự. Vào khoảng 9 giờ 30 ngày 26-11, khi chúng tôi đến gửi xe thì nhân viên của bãi hất hàm hỏi bao giờ lấy xe? Tôi nói đi đến 3 giờ chiều. Người này nói ngay là hết chỗ rồi, đi chỗ khác gửi. 3 giờ sau lấy thì cho gửi. Khi chúng tôi nói làm ăn gì kỳ vậy thì người này nói: “Không gửi thì thôi. Ở đây tao có quyền!”. Vài người khách đến sau chúng tôi được gửi, nhưng nhiều người khác cũng không gửi được vì đi quá lâu.

Theo quan sát của chúng tôi, bãi xe này chiếm dụng hết vỉa hè đường Hải Triều phía đối diện cửa chính tòa nhà Bitexco. Trong 1 giờ, có rất nhiều người tấp xe vào bãi này gửi gây ách tắc giao thông. Ngay góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Hồ Tùng Mậu (gần tòa nhà Bitexco) một bãi giữ xe có diện tích rất lớn với sức chứa hơn 1.000 xe gắn máy và 500 ô tô mọc lên. Trong khi đó, còn nhớ, trong một lần họp báo trước khi khánh thành đưa vào khai thác tòa nhà này, trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP băn khoăn về diện tích sàn dành để xe phục vụ toàn nhà liệu có đủ, đại diện tập đoàn trên khẳng định chắc chắn rằng đảm bảo diện tích để xe…

Bãi giữ xe lề đường trước tòa nhà Bitexco.

Tương tự, cạnh TTTM Diamond (quận 1) một bãi giữa xe máy trái phép dài hàng chục mét chiếm trọn một đoạn đường Nguyễn Văn Chiêm. Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế nằm góc đường Bùi Thị Xuân - Tôn Thất Tùng cao hàng chục tầng nhưng hầu như không có chỗ để xe cho khách. Người nhà đến đây khám, thăm bệnh đều phải gửi xe tại bãi xe tự phát khá lớn chiếm vỉa hè đường Tôn Thất Tùng, phía trước nhà thờ Huyện Sỹ.

Các tòa cao ốc khi xây dựng đều có thiết kế bãi đậu xe, nhưng hầu như không đáp ứng đủ. Vì các tòa nhà không có bãi xe nên bắt buộc nhân viên, khách hàng đến khu trung tâm làm việc, công tác đều phải gửi xe ở các bãi xe tự phát ở lề đường. Đáng nói là trong khi diện tích bãi xe phục vụ các cao ốc chưa đảm bảo, khách phải gửi xe ngoài nhưng có không ít tòa nhà tầng hầm lại sử dụng vào mục đích khác.

Làm việc 3 năm chưa được suất gửi xe máy

Không chỉ khách, mà ngay cả những người làm việc trong các tòa cao ốc, trung tâm thương mại cũng không có được suất để xe. Chị Thúy Diễm, làm việc tại TTTM Diamond (quận 1), bức xúc: Thường nhân viên lâu năm mới được tiêu chuẩn để xe trong tầng hầm của TTTM. Những nhân viên mới như tôi không được suất gửi xe. Nếu gửi bình thường như khách đến mua sắm thì giá giữ xe của bãi tại TTMT rất cao vì tính theo giờ. Do vậy, những nhân viên như chúng tôi đành gửi ngoài bãi xe trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm.

Cùng cảnh ngộ, mỗi ngày đi làm trong tòa nhà Bitexco, anh Lê Tuấn gửi xe ở bãi tự phát góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Hồ Tùng Mậu. Anh Tuấn ca cẩm, công ty anh không còn suất gửi xe ở tầng hầm tòa nhà. Không riêng gì anh mà rất nhiều nhân viên làm việc tại các công ty có văn phòng đặt tại tòa nhà Bitexco phải gửi xe ở bãi này vì tầng hầm không còn chỗ. Tòa nhà Bitexco dành đến 3 tầng hầm cho việc gửi xe.

Theo một nhân viên làm việc tại bãi xe tầng hầm thì sức chứa của bãi là 1.900 xe gắn máy và gần 600 ô tô. Trong đó, khoảng 1.300 suất cho nhân viên, còn lại là khách vãng lai nhưng hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu.

Một anh bạn có bãi giữ xe gần TTTM Diamond lúc nào bãi cũng đông kín xe, bật mí: “Kinh doanh bãi xe ngon lắm. Quan trọng là mình biết lựa chọn và tìm được mặt bằng gần các TTTM, cao ốc văn phòng, bởi nhu cầu rất cao. Ở các khu trung tâm thì ngày lễ, tết mình càng hốt bạc”. Bãi giữ xe của anh này hầu hết giữ cho nhân viên làm việc tại TTTM Diamond và các công ty nằm trong các cao ốc quanh khu nhà thờ Đức Bà.

Chị Thu Huyền, nhân viên tòa nhà Metropolitan (đường Đồng Khởi, quận 1) than: “Gửi xe ở đây đi bộ một đoạn mới đến công ty làm việc. Nhưng không gửi ở đây thì biết gửi đâu bây giờ”.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, tại TPHCM có đến 73% tòa nhà không đủ chỗ đậu xe, 7,5% tòa nhà không có chỗ đậu xe. Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ GTVT từng đề nghị UBND TPHCM rà soát, chấn chỉnh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng theo hướng phải bảo đảm chỗ đậu xe, đồng thời kiểm tra lại việc sử dụng tầng hầm tại các cao ốc còn sử dụng sai mục đích.

Theo tính toán, chi phí đầu tư xây dựng 1 tầng hầm cao gấp 3 lần xây dựng tầng cao. Đây là nguyên nhân chính mà các chủ dự án bằng nhiều cách không tuân thủ quy định này, trong khi công tác quản lý nhà nước chưa nghiêm .

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng quy định tại Quyết định 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng thì các công trình phải có chỗ đậu xe, tối thiểu; khách sạn 3 sao trở lên, chỗ để ô tô tối thiểu 4 phòng/chỗ; văn phòng cao cấp, trụ sở cơ quan đối ngoại 100m² sàn sử dụng/chỗ; siêu thị, cửa hàng lớn, trung tâm hội nghị 100m² sàn sử dụng/chỗ; chung cư cao cấp 1 căn hộ/1,5 chỗ.

Vân Anh - Thái Phương

>> Bài 1: Dạ cầu, “đại công trường” thành bãi đậu xe

Tin cùng chuyên mục