Cửa ngõ ra vào sân bay Tân sơn Nhất: Bao giờ hết ngập, thôi ùn tắc ?

 Liên tục thời gian gần đây, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cứ mưa là ngập và kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cửa ngõ ra vào sân bay Tân sơn Nhất: Bao giờ hết ngập, thôi ùn tắc ?

 Liên tục thời gian gần đây, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cứ mưa là ngập và kẹt xe kéo dài nhiều giờ liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đến hẹn lại… kẹt xe

Cơn mưa chiều tối 2-11 khiến nhiều tuyến đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập, giao thông bị tê liệt nhiều giờ liền. Các phương tiện di chuyển qua đây phải chen chúc, hàng loạt xe bị chết máy. Bên trong khuôn viên và khu vực đài chỉ huy cũ của sân bay Tân Sơn Nhất ngập bì bõm nước, có chỗ nước ngập khoảng 20cm rất nguy hiểm. Ngoài chuyện ngập, tình trạng kẹt xe lại càng trầm trọng hơn, nhất là đường Trường Sơn hướng từ Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất, ôtô, xe máy kẹt cứng không thể nhúc nhích. Tương tự, tuyến đường Hồng Hà gần sân bay trong cơn mưa chiều tối 2-11, nước dâng cao, ngập sâu hơn nửa bánh xe, việc lưu thông qua khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, cơn mưa đúng vào giờ tan tầm nên hầu như toàn bộ khu vực xung quanh sân bay bị tê liệt.

Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực cửa ngõ sân bay thường xuyên xảy ra từ năm 2014 đến nay. Trong đó, các tuyến đường lân cận sân bay như Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng và khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, Lăng Cha Cả rất hay bị ùn ứ xe.Theo lãnh đạo Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, nguyên nhân chính là do mật độ xe ra vào sân bay nhiều. Cụ thể, năm 2014, mỗi ngày có khoảng 22.000 lượt ôtô, 7.000 lượt xe máy ra vào. Đó là chưa kể số lượng xe của đơn vị hoạt động tại sân bay và xe cá nhân của khoảng 10.000 nhân viên làm việc tại sân bay.

Theo các chuyên gia về giao thông, hiện nay đường Phạm Văn Đồng đã thông xe một nhánh vào đường Trường Sơn để kết nối vào cổng sân bay Tân Sơn Nhất, nên số lượng xe vào tuyến đường này tăng cao, tạo áp lực rất lớn đến việc ra vào sân bay. Trong khi đó, ngoài cổng chính ra vào sân bay trên đường Trường Sơn, Cảng vụ hàng không sân bay không thể mở thêm các lối tiếp cận khác trên đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Bạch Đằng, Quang Trung...  Để việc ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện, Cảng vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị các phương án giải quyết như sau: quy hoạch tổng thể về giao thông khu vực lân cận, kết nối với tuyến đường chính ra vào sân bay; quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực đậu chờ cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhà để xe cao tầng gần khu vực sân bay; nghiên cứu đầu tư xây cầu vượt để giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài vào đường Trường Sơn và đường ra vào sân bay. 

Nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ sân bay và trên các tuyến đường lân cận sân bay, sở GTVT TPHCM đang áp dụng giải pháp thường xuyên theo dõi, điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông Trường Sơn - Hồng Hà; nghiên cứu hạn chế một số loại xe vào đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Nguyễn Kiệm đến đường Trường Sơn); nghiên cứu tăng khả năng thông hành trên đường Hoàng Minh Giám và đường Phổ Quang; cải tạo vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trần Quốc Hoàn - Lê Văn Sỹ.

 Ngập do vướng mặt bằng

Về tình trạng ngập nước kéo dài tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, theo Trung Tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, nguyên nhân là do các mương thoát nước ở khu vực sân bay bị tắc nghẽn. Cụ thể, mương Nhật Bản, Cộng Hòa 1 và Cộng Hòa 2 có chỗ bị lấn chiếm chỉ còn một nửa so với thiết kế ban đầu, nhiều nơi rác ngập ngụa làm nước không thoát được. Đây là các mương có nhiệm vụ tiêu thoát đến 50% lượng nước ở khu vực đỗ máy bay của sân bay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các mương thoát nước xung quanh sân bay đang bị ách tắc dòng chảy nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, mương thoát nước A41 từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa (phường 14, quận Tân Bình) gồm 2 nhánh là Cộng Hòa 1 và Cộng Hòa 2 nhiều vị trí bị lấn chiếm, xâm phạm hành lang kênh rạch. Chưa kể, tình trạng xả rác xuống lòng mương ở khu vực này cũng diễn ra thường xuyên, gây ách tắc dòng chảy tại các vị trí cống ngang. Tuy nhiên, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lại cho rằng, nguyên nhân gây ngập là do các nhánh mương trên giúp tiêu thoát cho khoảng 50% lượng nước ở khu vực đỗ tàu bay và đã được thống nhất trong công tác nạo vét do địa phương thực hiện. Hướng thoát nước chủ yếu của sân bay Tân Sơn Nhất đổ ra kênh Hy Vọng hiện đã được kiên cố hóa bằng mương bê tông hoặc cống ngầm. Tuy nhiên, từ lâu nay, quận Tân Bình và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP không thực hiện thường xuyên việc nạo vét, dẫn đến tình trạng tắc dòng chảy tại các mương trên.

Để giải quyết tình trạng ngập xung quanh khu vực cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng, cơn mưa chiều tối qua (2-11) lượng mưa trên 80ml nước không thể thoát kịp do dự án thoát nước kênh Nhật Bản đang được cải tạo, mới xong đoạn công viên Hoàng Văn Thụ, các đoạn còn lại chưa thể thi công được do vướng mặt bằng. Trong khi đó, hướng thoát nước chính của khu vực trên là tuyến kênh này. Đoạn mương bắt đầu từ đường công vụ dọc tường rào an ninh sân bay đến tuyến mương Nhật Bản (thoát nước về tuyến cống đường Nguyễn Kiệm) hiện đang nằm trong tình trạng bồi lắng bùn, vữa bê tông bồi lấp, mất khả năng thoát nước. Cụ thể, tại nhánh 2 (tuyến mương Nhật Bản), một hướng thoát nước khác của sân bay, do không được duy tu thường xuyên nên bùn, rác lắng đọng nhiều, gây cản trở dòng chảy. Vì vậy, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP kiến nghị quận Tân Bình khẩn trương bàn giao mặt bằng để sớm thi công tuyến kênh trên.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục