Tạo môi trường bền vững cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

- Phóng viên:
Tạo môi trường bền vững cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Năm nào cũng vậy, vào giai đoạn chuyển mùa, cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại chết. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và bảo vệ môi trường, về giải pháp ngăn chặn hiện tượng này.

Thời gian tới, nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được cải thiện hơn. Ảnh: CAO THĂNG

- Phóng viên: Với bề dày nghiên cứu về môi trường thành phố nhiều năm qua, ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mỗi khi chuyển mùa?

>> Ông PHÙNG CHÍ SỸ: Có thể lý giải như thế này: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây vốn là dòng kênh ô nhiễm bậc nhất của TPHCM. Thành phố đã nỗ lực cải tạo dòng kênh này bằng cách đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để di dời hộ dân sống dọc kênh, xây dựng hệ thống bờ kè, vớt rác trên kênh... Tuy nhiên, việc cải tạo dòng kênh này chỉ mới được hoàn thành vài năm trở lại đây, nên vẫn tồn tại lượng lớn chất thải ô nhiễm đọng trong lớp bùn dưới đáy kênh chưa được xử lý hết. Chất thải ô nhiễm này cũng chủ yếu là chất thải hữu cơ. Do vậy, trong điều kiện thời tiết bình thường, chất thải này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến môi sinh của loài cá đang sống trong kênh. Tuy nhiên, khi có mưa xuống, dòng nước bị khuấy trộn, chất thải hữu cơ cũng theo đó bị khuấy lên khiến cho lượng ô xy trong nước nhanh chóng bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng cá bị ngộp và chết hàng loạt.

- Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân là do lượng lớn chất thải từ hệ thống cống sinh hoạt đổ vào kênh. Liệu có phải xuất hiện hiện tượng chất thải bất thường phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất thải ra cống sinh hoạt và dẫn vào kênh gây chết cá?

Không có gì bất thường với tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nếu xem xét kỹ, có thể thấy loại cá chết chủ yếu là những loại cá sống ở tầng nước mặt của kênh như cá chép, rô phi, trắm cỏ… Còn với những loại cá sống ở tầng sâu thì không bị chết. Dựa trên điều này hoàn toàn có thể chứng minh rằng, không có lượng hóa chất độc hại bất thường thải ra kênh. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngay khi cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đã tiến hành lắp đặt hai hệ thống cống song song hai bên bờ kênh. Hệ thống cống này có chức năng thu gom lượng nước thải sinh hoạt từ khu dân cư và dẫn thẳng ra sông Sài Gòn. Do đó, sẽ không có tình trạng nước thải sinh hoạt của khu dân cư đổ thẳng vào kênh. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp khi trời mưa, nước trên mặt đường cuốn theo chất bẩn tràn xuống kênh. Thế nhưng, lượng nước này sẽ không tác động nhiều đến môi sinh của sinh vật sống trong kênh.

- Vậy với những dẫn giải mà ông đưa ra, giải pháp nào giúp ngăn chặn được tình trạng cá tiếp tục chết trong những lần mưa sau?

Có 3 giải pháp cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo môi sinh bền vững cho hệ sinh vật sống trong kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Một là tách hệ thống nước thải sinh hoạt đổ vào kênh. Hai là thực hiện xây bờ kè và cuối cùng là thau rửa ô nhiễm. Xét hiện trạng thực tế hiện nay cho thấy, giải pháp 1 và 2 đã được thành phố thực hiện. Thậm chí, thành phố đang gấp rút xây dựng nhà máy xử lý lượng nước thải sinh hoạt được thu gom từ hệ thống cống dọc hai bên bờ kênh. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ thành phố 500 triệu USD để xây dựng nhà máy này. Dự kiến, sau khi đi vào vận hành, nhà máy có thể tiếp nhận và xử lý 400.000m3 nước thải/ngày - đêm, trước khi thải đổ ra sông Sài Gòn. Riêng còn một giải pháp cho đến nay thành phố chưa giải quyết triệt để đó là thau rửa ô nhiễm. Việc thau rửa ô nhiễm cũng có thể thực hiện bằng cách để kênh tự làm sạch. Tuy nhiên, theo tôi rất khó và mất thời gian để dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có thể tự thau rửa, bởi chất thải tích tụ trong kênh đã rất lâu và nhiều. Cần phải nạo vét bùn ô nhiễm còn lắng dưới đáy kênh. Nếu không sớm có sự can thiệp từ con người thì mỗi đợt mưa, tình trạng cá chết như vừa qua sẽ vẫn tái diễn.

- Theo đơn vị phụ trách vớt rác trên kênh, trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 5 tấn rác được vớt. Liệu đây có phải là yếu tố khiến cho chất thải ô nhiễm trong kênh khó được cải thiện và ngày càng gia tăng?

Hoàn toàn đúng như vậy! Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dù được cải tạo nhưng vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tái ô nhiễm trở lại. Tái ô nhiễm một phần xuất phát từ chất thải ô nhiễm cũ vẫn còn lắng đọng trong lớp bùn dưới đáy kênh. Phần khác là tiếp nhận từ chất thải của một bộ phận người dân xả rác xuống lòng kênh. Hiện trung bình mỗi ngày, lượng rác vớt được trên kênh khoảng 5 - 7 tấn/ngày. Do vậy, theo tôi ngoài việc nỗ lực cải tạo dòng kênh, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và không xả rác xuống lòng kênh nói riêng. Đặc biệt, cần có những biện pháp chế tài mạnh, nghiêm khắc với những người có hành vi xả rác vào kênh. Được biết, hiện đã có quy định xử phạt những trường hợp có hành vi xả rác nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng tiếc rằng, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được lực lượng nào có chức năng xử phạt người có hành vi vi phạm trên. Đây cũng là một trong những bất cập trong luật môi trường cần được sớm khắc phục, tránh tình trạng “lờn thuốc” trong cộng đồng, nhất là với vấn đề bảo vệ môi trường.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục