Món ăn Hoa trong phố

Món ăn Hoa trong phố

Bánh bao, bánh tiêu, dầu cháo quẩy, há cảo, hủ tíu mì, dấm tiều, xí muội v.v... là những món ăn Hoa mà người Sài Gòn lâu năm đều quen thuộc.

Món ăn Hoa trong phố ảnh 1

Một xe bán hủ tíu mì của người Hoa trên đường Võ Văn Tần. Ảnh: CAO THĂNG.

Tôi ở ngoại ô lên thành phố kiếm sống, biết khu nội thành sẽ có nhiều món ăn, thức uống của người Hoa, song, lòng vẫn luôn nhớ nhung món ăn Hoa tại quê hương, một thị trấn lớn vùng ven: huyện Cần Giuộc với tiệm nước chú Phần, trà Lý Thái Sanh, cốm ngò Huỳnh Hy v.v… những món gắn bó từ khi tóc xanh đến ngày tóc bạc.

Vào nội ô, ghé những tiệm mì Hoa chính gốc, người có tâm hồn một chút đều thích xem kỹ những tranh khắc trên kính được tô màu dễ thương: góc trái cảnh Lưu Bị cầu hôn; góc phải cảnh Đường Tăng cùng đệ tử sang Tây Trúc…

Ghế ngồi ăn hủ tíu mì ở các xe có tranh, cảnh kiểu đó thường chân bằng sắt, mặt gỗ chữ nhật, xếp gọn dễ dàng. Ca sĩ, nghệ sĩ Sài Gòn ban đêm, sau sô diễn thích tấp vào lề đường thưởng thức các món Hoa, nóng hổi. Hấp dẫn nhất vẫn là bột cải, thứ bột vàng vừa the vừa cay, thịt xắt lát mỏng ăn kèm khoanh ớt sừng trâu, quả ngon tuyệt.

Cũng cần kể thêm, về đêm, tiết trời hơi se lạnh, gọi tô cháo hột vịt muối, khỏi nêm nếm, cứ múc từng muỗng nóng đưa vào miệng, vừa chạm lưỡi đã mềm môi. Mấy cô bạn gốc Hoa, tối tối kéo ra đường Nguyễn Thiện Thuật thưởng thức sâm bổ lượng, hay dặn: “Mỗi ly ba ngàn, nếu “nị” chê, giao cho “ngộ” ba trái táo Tàu, ngộ trả… ba ngàn!”.

Tuyệt vời nhất đối với các cô cậu học trò lớp đêm là lúc tan giờ, cọc cạch đạp xe dọc đường Lý Thái Tổ để ăn bánh tiêu, bánh bò – cái lớn hai ngàn, cái nhỏ một ngàn. Lúc đói bụng cầm bánh tiêu âm ấm, chấm vô tách cà phê sữa còn gì hấp dẫn hơn?

Thợ mộc, thợ hồ ngoại ô, theo nhà thầu đến các quận lao động, buổi tối tụ tập nhau quanh chiếc bàn nhỏ “làm” dĩa mì xào dòn, mỗi khi người bán thảy vắt mì vô chảo, mỡ đang sôi “táp” lửa bùng sáng… Vài lần, cũng với bạn bè gốc Hoa, đi ăn cơm thố, tôi “mặn” nhất là món canh cải bẹ xanh thịt nạc rắc tiêu, có hắc xì dầu kế bên và cá mặn chưng gừng…

Bao nhiêu đó khiến thực khách gọi cơm thêm liên tục. Bát bửu, cơm chiên Dương Châu, vịt tiềm thuốc Bắc, vịt quay Bắc Kinh v.v… các món ăn chỉ nghe “danh” đã đủ thấy ngon. Câu “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật” trở thành câu cửa miệng quả thật có lý lẽ riêng của nó. 

NGUYỄN TẤN LỘC 

Tin cùng chuyên mục