Thời đấy, hễ nghe tiếng rao của ghe bánh ống ở khúc sông bên kia bằng cái loa bông bí, chúng tôi ở bên này đã nhốn nháo rồi, bởi đó là món khoái khẩu, cũng là món bánh độc nhất vô nhị đối với tụi con nít ở vùng quê Nam bộ.
Đang tụm năm tụm bảy để chơi cò chẹp, banh đũa... chúng tôi tản ra, mạnh đứa nào đứa nấy chạy thật nhanh về nhà để xin tiền, rồi xúc gạo xay bánh ống. Quê tôi chẳng có gì ngoài lúa gạo nên nhà nào khá giả thì trữ một lu gạo, còn vừa vừa thì cũng một khạp da bò. Lúc đấy, một mẻ bánh ống khoảng 2.000-3.000 đồng gì đó, mỗi mẻ tầm 1 lon gạo. Tôi nhớ, lần đó gạo của thằng Tèo mang lại để nổ bánh, nhưng mà gạo không nở. Mặt nó buồn trông thấy thương! Nhưng người thợ làm bánh thì lúc nào cũng có sẵn, gọi là “sơ cua” phòng khi gạo của mọi người không nở. Đã là người trong nghề, họ biết gạo nào nổ sẽ “lợi bánh”, nghĩa là sẽ cho ra số lượng bánh nhiều hơn, ngược lại thì bánh bị chai, bánh ít hơn bình thường, nhưng có khi là không nổ được như gạo của thằng Tèo vậy đó. Do đó, mẻ bánh của thằng Tèo phải tính tiền tất tần tật, nào là gạo, công thợ, rồi gia vị… nên chi phí cao hơn chúng tôi một chút.
Thật ra, một số nhà khá giả, họ thêm chút ít đậu xanh, đậu phộng, dừa khô, lá dứa để bánh có hương vị riêng. Nói nghe thì dễ nhưng thật ra, để nổ được một mẻ bánh thì phải trải qua nhiều công đoạn, người thợ phải tỉ mỉ, khéo léo lắm. Họ sẽ trộn từng lon gạo với các loại gia vị theo một công thức, bí quyết riêng, rồi cho vào chiếc cối to của máy nổ. Máy nổ là một cái máy dầu, khi chạy, nguyên liệu được cho vào một cái cối rồi tự động chạy đến trục xoay, được nướng chín tại đây, sau đó kết dính lại và cho ra sản phẩm qua một cái ống. Bánh chín thì tự động chạy ra ngoài, người thợ dùng kéo cắt thành từng ống, với chiều dài bao nhiêu thì tùy ý.
Mà cũng không biết tên gọi bánh ống có tự khi nào, khi còn nhỏ tôi đã nghe ông bà gọi như thế rồi dần dà riết thành quen. Có lẽ, bánh có dạng ống tròn nhưng bên trong rỗng, chiều dài cây bánh được cắt thành các khúc đều nhau. Nhiều khi sự đa dạng, phong phú, hào sảng của đất và người Nam bộ mô tả hình dạng của bánh giống như những chiếc ống mà đặt thành tên một món ăn dân dã, gần gũi, thân thương. Bánh ống đặc trưng vừa ra lò thì rất xốp, giòn nên phải bỏ vào túi ni lông buộc chặt, chứ để lọt gió vào thì dễ bị mềm.
Mới đó mà tụi bạn tôi bây giờ đứa là bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo… nhưng mỗi lần họp mặt thì đứa nào cũng nhắc về món bánh tuổi thơ ngày ấy, bởi nó gắn liền với những kỷ niệm đẹp của những đứa trẻ ở vùng quê Nam bộ.