Xây dựng bãi đậu xe là một trong những giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông. Thế nhưng, đã gần 12 năm kể từ khi UBND TPHCM chấp nhận quy hoạch xây dựng các bãi đậu ô tô ngầm, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được xây dựng.
Loay hoay với thủ tục đầu tư
Đi qua khu vực quanh công viên Lê Văn Tám (quận 1) hình ảnh dễ thấy là hàng trăm ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài đậu phía trước cổng, song song với đường Hai Bà Trưng. Điều này cho thấy tại khu vực trung tâm TP đang thiếu bãi đậu xe trầm trọng. Trong khi đó, các tuyến đường như Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ... có mật độ xe lưu thông rất cao, chỉ cần 1 - 2 ô tô đậu trên đường là cả đoạn đường bị ùn ứ. Nhiều doanh nghiệp du lịch than phiền việc đưa đón hành khách đến các điểm tham quan du lịch ở khu vực trung tâm TP gặp nhiều khó khăn do thiếu bãi đậu xe. Khi đưa khách xuống điểm tham quan, các tài xế phải chạy xe lòng vòng tìm chỗ đậu.
Cách đây sáu năm, tại công viên Lê Văn Tám, dự án “Xây dựng hầm đậu xe và trung tâm dịch vụ thương mại” đã được động thổ, dự kiến sau ba năm thi công thì bãi đậu xe ngầm hiện đại đầu tiên của TP sẽ hoàn thành. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”. Đây được xem là dự án có quy mô lớn với tổng diện tích sàn 103.225m2, sâu 15m, bao gồm 5 tầng hầm, trong đó có 3 tầng làm thương mại dịch vụ.
Ô tô đậu trên vỉa hè công viên Lê Văn Tám phía đường Hai Bà Trưng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Vì sao dự án được động thổ từ đó đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện? Hiện có nhiều ý kiến nhận xét rằng chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc đang chờ sang nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài? Trước những dư luận nêu trên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư không gian ngầm (IUS, chủ đầu tư dự án nêu trên) Lê Tuấn trả lời “nước đôi” rằng luật không cấm chuyển nhượng dự án và cũng không cấm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án trong nước. Riêng IUS theo đuổi dự án này đã hơn 10 năm và hiện rất mệt mỏi với rất nhiều thủ tục. IUS vẫn đang phải tiếp tục chờ chỉnh sửa các thủ tục. Tương tự, dự án “Xây dựng bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ và sân khấu Trống Đồng quận 1” của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cũng đang vướng nhiều về thủ tục. Đơn cử như thủ tục hướng dẫn xác định đơn giá thuê đất tạm tính cho dự án, nộp thuế đất và còn hàng loạt vấn đề liên quan đến giải pháp thi công cũng phải chờ ý kiến của các sở, ngành.
Phát sinh thêm khó khăn
Theo một số nhà đầu tư, ngoài việc vướng về thủ tục thì vấn đề thiếu vốn đang khiến họ đau đầu. Hầu hết các dự án được lập cách đây hơn 10 năm, đến nay giá cả vật tư, nhân công tăng vọt khiến tổng mức đầu tư tăng cao. Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn từ dự án thấp, do các cơ quan chức năng quy định phí đậu xe, nhà đầu tư không có quyền quyết định mức phí này. Trên thực tế, đã có hai nhà đầu tư khó khăn về vốn nên rút khỏi dự án tại sân vận động Hoa Lư và dự án khu vực sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn. Hiện hai dự án này, TPHCM chuyển cho Vingroup và đơn vị này đang trong quá trình khảo sát lập dự án.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, sở thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bãi đậu xe. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án vẫn còn rất chậm vì nhiều vướng mắc khác nhau. Cũng theo sở này, các dự án bãi đậu xe ngầm có vốn đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn, trong khi đó mức lãi suất vay đầu tư cao, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn làm dự án. Đó là chưa kể bãi đậu xe ngầm là dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, dẫn đến khó xác định đơn giá thuê đất. Hiện UBND TP đã đề nghị các bộ xem xét hỗ trợ, chấp thuận cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi như miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất phục vụ hạng mục đậu, đỗ xe và các công trình xây dựng bến bãi. UBND TP cũng đề xuất các hình thức ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe.
Thế nhưng, bao giờ TPHCM có bãi đậu xe ngầm? Câu hỏi sau gần 12 năm vẫn chưa có lời giải đáp.
QUỐC HÙNG