Văn chương là cái hiện trạng của một thời đã làm nên nó. Lịch sử phát triển của nhân loại, dường như là lịch sử của các cuộc vận động cách mạng gắn liền với các cuộc chiến tranh. Khái quát hiện trạng của một thời đã làm nên nó, lịch sử văn học thế giới, đặc biệt thời kỳ cận đại cho thấy văn chương đã bám sát các sự kiện lớn của thời đại. Bằng tâm huyết và tài năng sáng tạo, các nhà văn đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn chương kiệt xuất, không những khắc họa hiện trạng của một thời đã làm nên nó mà còn góp phần xây dựng nhân cách con người và kiến trúc thượng tầng xã hội.
Ở nước ta, gần trăm năm trở lại đây, có thể nói, lịch sử đất nước là lịch sử của các cuộc chiến tranh. Mấy cuộc kháng chiến thần thánh để thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trong đó người lính là lực lượng xung kích, nòng cốt.
Cả nước là chiến trường, toàn dân là lính. Các nhà văn thực sự trong vai trò một người lính, tay súng tay viết ra trận. Và, không chỉ ở mặt trận, nơi hòn tên mũi đạn, ngay trong lòng hậu phương sự khắc nghiệt của chiến tranh cũng được nhà văn thể hiện kịp thời và khá rõ nét. Lịch sử văn học nước nhà đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các nhà văn và những người cầm viết.
Tuy vậy, công bằng mà nói, so với tầm vóc và chiến công của dân tộc, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm văn chương xứng tầm thời đại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, nhưng theo chúng tôi có mấy nguyên nhân chính sau đây. Thứ nhất, những người cầm viết chưa thực sự tâm huyết và dấn thân cho mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Cả quá khứ và hiện tại nhân vật người lính còn mờ nhạt trong dòng chảy của thời đại, đặc biệt thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ hai, sự đầu tư của nhà nước và quân đội chưa đủ độ, chưa tạo cú huých cho người cầm viết. Thứ ba, công tác lý luận phê bình văn học về mảng đề tài này chưa thực sự mang tính định hướng cao, chưa khơi nguồn sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm văn chương tầm cỡ, có tính khái quát cao.
Làm gì để có các tác phẩm xứng tầm thời đại là mối quan tâm đặc biệt hiện nay. Tính chất vấn đề có vẻ nóng sốt, nhưng trong thời buổi có nhiều bức xúc của đời sống xã hội cần giải quyết, việc này rất dễ bị lãng quên hoặc đầu voi đuôi chuột. Đã đến lúc không thể chần chừ được nữa, phải làm quyết liệt và có hiệu quả. Điều trước tiên, theo chúng tôi, Nhà nước cần có sự đầu tư đúng mức.
Việc đầu tư này không đơn thuần ở vấn đề tài chính mà là sự quan tâm, chỉ đạo, đeo bám, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cao nhất cho ra đời các tác phẩm xứng tầm thời đại. Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan chỉ đạo và quản lý văn hóa nghệ thuật, của hội nghề nghiệp, trong đó rõ nhất là Hội Nhà văn Việt Nam và đặc biệt Tổng cục Chính trị là cơ quan tham mưu chiến lược giúp Đảng và Nhà nước về công tác tư tưởng văn hóa trong quân đội. Việc vào cuộc của các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng rất quan trọng để cho ra đời những tác phẩm lớn.
Báo Quân đội Nhân dân vừa tổ chức diễn đàn: Để văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng xứng tầm hiện thực. Kết quả bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của những người cầm viết với những đề xuất xác đáng, thiết thực. Nhưng theo chúng tôi, khâu tổ chức thực hiện mới mang tính quyết định. Báo SGGP từ lâu đã quan tâm đến vấn đề này. Quỹ hỗ trợ sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT đã duy trì từ nhiều năm nay. Nhiều tác phẩm viết về người lính Cụ Hồ đã được chọn lọc giới thiệu trên các ấn phẩm của báo và hỗ trợ một phần kinh phí. Nhiều cuộc thi sáng tác gắn với người lính và LLVT được tổ chức. Nhưng đó chỉ là muối bỏ biển.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các ngành các cấp, trong đó phải nhấn mạnh đến sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà văn, đặc biệt các nhà văn tài năng đã và đang mặc áo lính mới có thể hy vọng cho ra đời những tác phẩm xứng tầm thời đại.
Đó là món nợ của tất cả chúng ta, trước hết của những người cầm viết.
Trần Thế Tuyển