Món nợ xanh

Khi nói đến một màu biểu trưng cho sự thân thiện với môi trường, người ta thường mặc định đó là màu xanh lục. Điều này đang thay đổi. Những chiếc ô tô điện trong chương trình Autolib tại Paris (Pháp) - chương trình chia sẻ ô tô để tối đa hóa hiệu quả chuyên chở được gọi là “Blue Car” với logo màu xanh da trời.

Khi nói đến một màu biểu trưng cho sự thân thiện với môi trường, người ta thường mặc định đó là màu xanh lục. Điều này đang thay đổi. Những chiếc ô tô điện trong chương trình Autolib tại Paris (Pháp) - chương trình chia sẻ ô tô để tối đa hóa hiệu quả chuyên chở được gọi là “Blue Car” với logo màu xanh da trời.

Logo màu xanh da trời được dán cho những model xe có hiệu năng cao, kể cả loại chạy bằng xăng và diesel. Samsung gọi mẫu điện thoại chạy bằng năng lượng mặt trời của họ là “Blue Earth”. Các chuyên gia về màu sắc cho rằng màu xanh da trời - màu của biển cả - vừa thân thiện, vừa có thêm sắc thái nghiêm túc và tính toàn cầu. Liên hiệp quốc, Facebook và Twitter đều sử dụng “blue” làm màu chủ đạo. Thậm chí, giờ đây, màu trắng cũng đang cạnh tranh ngôi vị “xanh”, với sự thống trị của các sản phẩm Apple. “Quả táo khuyết” cho rằng trắng là màu tượng trưng cho sự sạch sẽ, tinh khiết và hiệu quả. Khi từ không trung nhìn về hành tinh xanh da trời của chúng ta, nhờ những đám mây, các nhà du hành vũ trụ sẽ nhìn thấy màu trắng.     

Bất kể rốt cuộc màu gì được chọn, đó chính là màu “món nợ thiên niên kỷ” của Việt Nam. Trong số các mục tiêu thiên niên kỷ, thì mục tiêu thứ 7 (Đảm bảo bền vững môi trường), chúng ta mới chỉ hoàn thành được một phần. Nói chính xác hơn thì Việt Nam chưa đạt được kết quả mong muốn đối với một số chỉ số của mục tiêu này.

“Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang bị suy thoái với nhiều mức độ khác nhau, các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước và biển bị đe dọa nghiêm trọng” - dự thảo mới nhất Báo cáo quốc gia về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam năm 2015 (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo) nêu rõ. Số lượng các loài động, thực vật trong Sách Đỏ tăng lên. Số lượng các loài đặc hữu dưới nước, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế, suy giảm nhanh và các loài di trú cũng giảm. Tỷ lệ phá rừng còn cao, số lượng động, thực vật hoang dã bị buôn bán trái phép tính theo từng năm vẫn tăng; trong khi việc xử phạt đối với các hành vi loại này - nói riêng, cũng như hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nói chung không đủ nghiêm khắc để trừng phạt và răn đe. Nguồn nhân lực để quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường chưa đầy đủ và hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ quả của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tác động tiêu cực tới tình trạng môi trường quốc gia. Nồng độ bụi trong không khí tại các thành phố lớn vượt từ 1,5 đến 4,5 lần so với tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí. Việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách dẫn đến nồng độ thuốc trừ sâu tại một số vùng thâm canh lên đến 1,5 - 5,5 lần so với tiêu chuẩn quốc gia. Đã có 15 sự cố môi trường đáng kể, trong đó có 12 sự cố liên quan đến chất độc hại được ghi nhận trong giai đoạn 2013 - 2015…

Tỷ lệ phá rừng cao và còn tiếp diễn

Ở giai đoạn tiếp theo - sau 2015 - khi các mục tiêu thiên niên kỷ chuyển thành “mục tiêu phát triển bền vững” thì rõ ràng “món nợ xanh” ấy sẽ phải trả cả vốn lẫn lãi. Một thách thức không hề nhỏ nhưng không thể thoái thác.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục