Môn quần vợt ở Asian Games 2010 (tại Quảng Châu) tranh tài 7 bộ huy chương, bao gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam-nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Rõ ràng, khi ATP và WTA đã phát triển rất lớn mạnh trong thời gian gần đây, một cuộc chơi ở Asian Games - chỉ tầm cỡ… châu Á - khó lòng thoát khỏi các tay vợt đẳng cấp ATP, WTA đã nếm trải “những bữa cơm bụi kiểu… chuyên nghiệp” trên máy bay, trong khách sạn… “rày đây mai đó”. Do vậy, những chiếc HCV (mối quan tâm chủ yếu) hay những tấm huy chương khác khó lòng thoát khỏi các tay vợt chuyên nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Uzbekistan hay Kazakhstan. Hãy điểm qua thực lực “chuyên nghiệp” của đội tuyển các nước này.
Trung Quốc
Là nước chủ nhà, đương nhiên Trung Quốc được đánh giá rất cao. Họ có ưu thế đáng kể ở các nội dung đơn nữ - với sự hiện diện của Shuai Peng (tay vợt chuyển sang chơi chuyên nghiệp đầu tiên ở TQ, hạng 72 WTA) và Shuai Zhang (hạng 91 WTA), đôi nữ, đồng đội nữ (thêm sự góp mặt của tay vợt hạng 11 WTA Li Na - cô không đăng ký tham gia các nội dung đơn và đôi). Ở các nội dung nam, Trung Quốc có Zhang Ze (hạng 308 ATP) và Yan Bai - những người chơi khá ấn tượng ở Thượng Hải Masters, tuy nhiên, những tay vợt này vẫn còn khá non tay về kinh nghiệm.
Ấn Độ
Trái ngược với Trung Quốc, Ấn Độ lại “chuyên” về các nội dung nam dù họ đang sở hữu niềm hy vọng khác ở nội dung đơn nữ: Sania Mirza (hạng 111 WTA, từng được mệnh danh là nữ hoàng quần vợt châu Á, HCB Asians Games Doha 2006). Ngoài Somdev Devvarman (hạng 94 ATP, HCV đơn nam Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung), họ còn có những chuyên gia đánh đôi như Leander Paes (HCV đôi nam và đôi nam-nữ Asians Games Doha 2006, hạng 8 ATP đôi), Mahesh Bhupathi (HCV đôi nam Asian Games Doha 2006, từng đứng số 1 đôi ATP). Mục tiêu của quần vợt Ấn Độ sẽ là HCV đơn nữ, đơn nam, đôi nam-nữ, đôi nam và đồng đội nam.
Nhật Bản
Điểm sáng duy nhất của Nhật Bản ở Asian Games Quảng Châu 2010 lần này chính là “lão bà bà” Kimiko Date-Krumm - ứng cử viên nặng ký nhất cho chiếc HCV đơn nữ - dù họ vẫn có tài năng trẻ Aymu Morita (hạng 76 WTA). Ở các nội dung nam, do Kei Nishikori (tay vợt nam Nhật Bản đầu tiên thắng 1 giải đấu thuộc hệ thống ATP Tour) rút lui, gánh nặng đè lên vai các thành viên “lão tướng” khác - trong đó có Takao Suzuki (vô địch Heineken Challenger tại TPHCM hồi năm 2002). Dù vậy, kinh nghiệm là yếu tố đáng kể của các tay vợt nam Nhật Bản.
Đài Loan
Đài Loan đang sở hữu “hot boy” Lu Yen Hsun (hạng 33 ATP) - hiện là tay vợt số 1 châu Á. Lu từng lọt đến tứ kết Wimbledon hồi tháng 7 và là người châu Á đầu tiên sau 15 năm làm được điều này. Lu chính là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc HCV Asian Games 2010. Đài Loan cũng có tham vọng ở các nội dung nữ (đặc biệt là đồng đội nữ) khi có nhiều tay vợt gạo cội như Chan Yung Zan, Chuang Chia Jung…
Thái Lan
Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có thể thi đấu ngang ngửa với làng quần vợt mạnh của các nước Đông Á, Trung Á. Dù vậy, đa phần các trụ cột của Thái Lan đều đã lớn tuổi và có dấu hiệu chững lại: Danai Udomchoke (HCV đơn nam Asian Games Doha 2006) hiện đã tuột xuống vị trí hạng 464 trên bảng điểm của ATP, anh em Ratiwatana (HCB đôi nam Asian Games Doha 2006) gần đây chỉ quanh quẩn ở các giải đấu trong khu vực. Duy nhất Tamarine Tanasugarn là có vẻ “sáng đường” cho chiếc HCV đơn nữ - cô hiện đang xếp hạng 69 WTA và từng đánh bại chính Kimiko ở một giải chuyên nghiệp tại Tokyo hồi tháng 10.
Uzbekistan và Kazakhstan
Mỗi quốc gia Trung Á trên đây đều chỉ có vài tay vợt đáng kể, nên khả năng tranh đoạt huy chương của họ chỉ giới hạn trong các nội dung đơn, cao lắm là đôi. Uzbekistan thì có Akgul Amanmuradova (cao 1m90, hạng 69 WTA) sáng đường ở nội dung đơn nữ và Denis Istomin (hạng 40 ATP). Kazakhstan có Mikhail Kukushkin (hạng 58 ATP, vừa thắng Mikhail Youzhny ở St Petersbourg).
ĐỖ HOÀNG