
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ có rất nhiều doanh nhân, du khách khắp năm châu đổ xô đến với nước ta. Khi ấy, thị trường ẩm thực chắc chắn sẽ ngập tràn món ăn ngoại. Tuy nhiên, thị trường ẩm thực không chờ đến lúc đó mới chuyển động.
- Món Tây nở rộ

Một dãy quán ăn Nhật, Hàn trên đường Thái Văn Lung. Ảnh: CT
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, người Sài Gòn đã bắt đầu quen thuộc với những món nước ngoài thuần túy bởi khá nhiều nhà hàng, quán ăn bán thức ăn ngoại quốc đua nhau mọc lên, trong đó có những cửa hàng thực phẩm do các vị khách đủ mọi màu da, quốc tịch mở ra để giới thiệu hương vị ẩm thực của chính đất nước họ.
Những người muốn ăn cà ri Ấn Độ đúng nghĩa thường tìm đến chung cư Sư Vạn Hạnh (Q5)... để hít hà hương vị của chén nước sền sệt, cực cay ăn kèm bánh mì và dĩa cà tím, đậu bắp muối chua.
Muốn ăn bánh pizza Ý thì đến hệ thống cửa hàng Givral với 5 loại pizza từ hải sản, xúc xích, xúc xích cay đến pizza Hawaii có thêm nhân thơm xắt nhuyễn. Khách sành ăn món Pháp có thể đến lầu 3 của Khách sạn Caravelle để thưởng thức món patê gan ngỗng nhập từ chính quốc. Một lát bánh mì nướng nóng giòn kẹp miếng patê béo ngậy kèm xà lách, sốt... giá tới 22 USD. Phụ trách nhà hàng, anh Đổng Thanh Dũng còn giới thiệu thêm món bít tết bò Mỹ, sườn bò Úc nướng thật thơm.
Riêng càng cua Alaska mà mỗi chiếc dài trên... 2 tấc cũng có bán tại đây, ăn kèm sốt chua ngọt. Với khách muốn ăn món Đức, Nhà hàng Lion (11C Lam Sơn, Q1) quảng bá món đùi heo muối mặn mòi, kèm tiêu xanh, một ít lá gia vị nhập khẩu chiên giòn, chấm sốt rượu hay sốt nấm, giá 85.000 đồng. Quảng bá hương vị ẩm thực của xứ sở mặt trời mọc, quán Umi (38 Thái Văn Lung, Q1) khuyến mãi món thịt heo xào cà tím ướp với sốt Misho, tỏi mài, nước đường, nước tương Nhật chính hiệu... trước khi thực khách nhấm nháp các loại sushi, lẩu sabu với chút rượu sakê. Cũng thuộc gu ẩm thực châu Á, quán Satay (35 Mạc Đĩnh chi, Q1) với gu ẩm thực Malaysia có bán những xâu thịt nướng ướp các loại gia vị đặc thù của quốc gia này.
Ở số 49 đường Trương Quốc Dung (Phú Nhuận) lại có quán In Sâm với món thịt heo cuốn kim chi, canh đậu tương chính hiệu xứ Hàn. Riêng món ăn Thái Lan thì nhiều nơi bán nhưng tại quán Gia Vị (100A Nguyễn Thị Minh Khai, Q3) có món tôm yam-kung “độc chiêu” (dạng canh chua tôm) rất chua, rất cay và rất ngon.
- Có “cầu” ắt có “cung”
Theo Trung tâm Thú y vùng tại TPHCM, mỗi tháng TPHCM nhập 100 tấn thịt gà từ Mỹ, Brazil; 10 tấn thịt bò từ Úc, Mỹ, New Zealand để phục vụ nhu cầu chế biến món ăn. Khảo sát thị trường tháng 7, Tuần san SGGP Thứ Bảy ghi nhận chỉ riêng gia vị để nấu các món Tây cũng có hàng trăm loại, đa dạng nhất là sốt trộn rau (riêng sốt mayonaire có gần 10 loại từ vị phô mai, phô mai tỏi, muối đến các loại có thịt, bơ xay nhuyễn...).
Các loại sốt cho món mì ống, sốt sữa nấu súp heo, bò, gà, cừu, sốt lẩu Thái, sốt nấm, cà chua, nho, xí muội, tiêu đỏ... giá từ 55.000-100.000/hộp, chai, lọ. Các loại bột-gia vị như hắc xì dầu, mù tạt, dầu hào, dầu olive, bột me, bột tỏi, bột chanh, bột hành... đều có bán tại các chợ Bình Tây, Bến Thành, An Đông, MaxiMart, Big C, Smallmart.
Còn tại hệ thống siêu thị Coop Mart có kim chi Hàn Quốc đóng hộp, cá cơm rim đóng hộp, jambon xông khói, xúc xích heo, bò, tôm, bò hộp nấu đậu, gà hầm, rượu vang các loại. Riêng hệ thống Kinh Đô Bakery còn bán các loại bánh xốp khẩu vị Singapore, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Myanmar, Anh, Hà Lan và bánh mì kiểu Mexico, bánh mì phô mai kiểu Pháp.
Để bắt nhịp thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, Công ty cổ phần Kinh Đô đã mở trung tâm đào tạo riêng cho nhân viên về kinh doanh, buôn bán, quản lý ngành hàng thực phẩm; Coop Mart tổ chức thường xuyên nhiều lớp học về chế biến thực phẩm nước ngoài; Nhà hàng Khách sạn Bông Sen còn cử người sang người nước ngoài tu nghiệp, học hỏi. Nói khác hơn là chúng ta đã nhanh chân đón đầu WTO!
Thực đơn mẫu 1. Thức ăn * Châu Á: |
Các “gu” ẩm thực quốc tế - Người Ấn Độ (nhất là những người theo đạo Hindu) không ăn thịt bò, đa số kiêng tỏi. H.HÀ |
HỒNG HÀ - BÍCH NGA