Lễ hội truyền thống của cư dân vùng biển Hải Phòng

Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu

Đã từ bao đời nay, người dân Đồ Sơn thường truyền tụng câu ca dao nói về Hội chọi trâu để nhớ về lễ hội mang đậm bản sắc cư dân vùng biển Hải Phòng: Dù ai buôn đấu bán đâu/Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu.
Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu

Đã từ bao đời nay, người dân Đồ Sơn thường truyền tụng câu ca dao nói về Hội chọi trâu để nhớ về lễ hội mang đậm bản sắc cư dân vùng biển Hải Phòng: Dù ai buôn đấu bán đâu/Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu.
 
Lễ hội văn hóa cổ của người dân Đồ Sơn

Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu ảnh 1

Hội chọi trâu Đồ Sơn có tự bao giờ? Câu hỏi ấy đến ngày nay vẫn chưa có lời giải đáp nhưng theo truyền tụng lại của một số dòng họ ở Đồ Sơn thì lễ hội này có cách đây đã hơn 15 thế kỷ, lúc Đồ Sơn vẫn còn là vùng đất hoang sơ, vắng dấu chân người. Sự tích của Hội chọi trâu gắn liền với sự tích của thần Điểm Tước.

Tương truyền rằng, vào một đêm trăng tháng tám, những cư dân đầu tiên của Đồ Sơn thấy trên mặt biển có một cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc ngắm nhìn đôi trâu trắng chọi nhau trên đầu ngọn sóng. Người dân Đồ Sơn gọi duệ hiệu của thần để thờ là “Điểm tước Đại vương” và mua trâu về mổ tế. Khi mua được cặp trâu về, qua sân đình, cặp trâu quay lại chọi nhau quyết liệt, thấy vậy, người dân cho rằng thần thích xem trâu chọi nên hàng năm vào trước rằm tháng tám, dân Đồ Sơn thường tổ chức chọi trâu để tế thần và Hội chọi trâu Đồ Sơn có tích từ đó…

Là lễ hội truyền thống nên Hội chọi trâu gắn liền với người dân Đồ Sơn từ bao đời nay. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, trâu chọi đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tình cảm tâm linh của người dân. Hội chọi trâu có sức sống bền vững bởi thể hiện được bản sắc văn hóa độc đáo, tính cách của người dân Đồ Sơn cùng thể chất của những con người hàng ngày đối đầu với bão tố, mưa sa, dũng cảm trước biển khơi. Những con trâu qua rèn dũa, luyện tập và thờ cúng đã trở thành linh vật của vùng đất Đồ Sơn và mỗi lần nhắc đến trâu chọi, người dân Đồ Sơn thường tôn kính gọi là “ông trâu”.

Để có được ngày hội độc đáo này, người Đồ Sơn phải chuẩn bị từ tám tháng đến hơn một năm theo ba bước công phu, đó là: mua trâu, chăm trâu và luyện trâu. Thông thường, cứ trước hoặc sau Tết Âm lịch là người dân Đồ Sơn bắt đầu đi mua trâu về luyện. Không phải trâu nào cũng để chọi, mà người Đồ Sơn phải đi về các vùng núi cao hoặc vào miền Trung, miền Nam, thậm chí phải sang cả Lào để chọn mua, bởi chỉ có những vùng đất ấy mới có những con trâu tốt, khỏe, lỳ, kín hơi và bước sải nhanh.

Trâu mua về là những con từ 8 đến 10 tuổi, ngực nở rộng, háng to bè, cổ tròn, mập, mình dài thu nhỏ về phía sau… Mua được trâu tốt, việc chăm sóc, luyện trâu cũng là một phần quan trọng. Trâu được nhốt ở chuồng riêng, chỉ có những người chăm sóc trâu mới được vào, những ai gia đình có tang hoặc phụ nữ đều không được đến gần. Cỏ dành cho trâu ăn phải là cỏ già hong héo hoặc lá ngô, ngọn mía có nhiều chất xơ. Thỉnh thoảng, người chăm phải trộn thêm thuốc B1 vào thức ăn để trâu ăn tốt và tránh được bệnh như đi ngoài hoặc tụ huyết trùng.

Luyện trâu là công đoạn quan trọng nhất để trâu có miếng đánh hay trong ngày hội. Hàng ngày, trâu được đưa ra đường để quen với tiếng người, tiếng xe cộ, dạn dày trước chốn đông người; sau đó vào các buổi chiều, người luyện trâu mang chiêng trống ra gõ ầm ĩ để trâu quen với không khí ngày hội, khi đánh chiêng trống, người luyện thường che miếng vải đỏ lên mắt trâu để trâu trở nên hung dữ hơn.

Khi con trâu đã hung dữ, lúc này người luyện mới luyện cho trâu của mình các thế đánh như: đánh dập thẳng vào nhau, móc sừng vào tai, vào mắt đối thủ hoặc lên cáng từ cổ… để rồi vào trận (kháp đấu), những ông trâu chọi để lại cho người xem những ấn tượng lạ mắt, cùng với những lời khen ngợi về người luyện trâu.

Hứa hẹn những màn đấu sôi động

Trước đây, khi có ít trâu tham gia, chọi trâu chỉ mang tính chất hội làng, song từ năm 1990, Báo Hải Phòng và thị xã Đồ Sơn phối hợp để nâng tầm lễ hội và cứ qua mỗi năm, Hội chọi trâu Đồ Sơn có nhiều đổi mới. Khi thì nâng số lượng trâu, khi thì thêm những bài tấu trống, khi thì khôi phục lại những lễ nghi chung quanh hội và đến năm 2000, sau 11 năm tổ chức, Hội chọi trâu Đồ Sơn được Tổng cục Du lịch công nhận là một trong 15 lễ hội quốc gia.

Hội chọi trâu truyền thống hàng năm tại Đồ Sơn thường được tổ chức hai lần, vòng loại và vòng chung kết. Vòng đấu loại diễn ra vào ngày mồng tám tháng sáu Âm lịch để chọn mỗi cặp một trâu thắng trận vào vòng chung kết, chính vì vậy, trâu lọt vào vòng chung kết thường là những trâu khỏe, được huấn luyện tốt bởi những chủ trâu có kinh nghiệm. Những trận đấu trong Hội chọi trâu bao giờ cũng là những trận đấu thể hiện tài huấn luyện của các chủ trâu.

Từ hai cửa Bắc - Nam, trâu được tháo dây mũi, bỏ cờ che mắt lao thẳng vào nhau bằng miếng dập (hay còn gọi là miếng hổ lao), trâu nào không muốn đánh bằng miếng này thì chỉ cần lắc đầu là tránh được đòn độc của đối thủ và quay lại quỳ gối lên cáng, những chủ trâu ít miếng đánh luyện cho trâu của mình sẽ gặp phải thất bại, bởi những trâu được huấn luyện kỹ sẽ ra những miếng đòn sử dụng cặp sừng của mình để móc vào mắt, vào tai đối thủ.

Vòng chung kết 2006, có trâu cáng đối thủ bổng chân rê đến 5m, có trận trâu cáng đối thủ nghiêng mình rồi ngã bổ nhào ra sân mới quay đầu bỏ chạy, khiến người xem vô cùng thích thú.

Tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 19-9 (tức mồng Chín tháng Tám Âm lịch) tới đây, sẽ có 16 trâu thắng trận trong vòng đấu loại tham dự 15 trận đấu để tìm ra trâu thắng trận cuối cùng. Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Tổ chức Hội chọi trâu Đồ Sơn Hoàng Đình Bình khẳng định, những trâu tham dự vòng chung kết là những trâu khỏe mạnh, không dị tật và không mắc các loại bệnh về gia súc.

Hiện nay, những trâu tham dự đều được các chủ trâu chăm sóc kỹ lưỡng để chờ ngày “xuất trận”. Tại vòng chung kết năm nay sẽ có nhiều trận đấu hay vì “tương quan lực lượng” giữa các trâu không có cách biệt lớn, hơn nữa, trình độ chăm sóc, huấn luyện của các chủ trâu qua nhiều năm dự giải cũng được nâng lên. Còn theo những người có kinh nghiệm về chọi trâu Đồ Sơn thì năm nay hứa hẹn nhiều trận đấu hấp dẫn vì số trâu dự vòng chung kết là những trâu khỏe, được chăm sóc và huấn luyện chu đáo.

Trước khi vòng chung kết diễn ra, sẽ có lễ rước nước vào đêm mồng 7, tại sân đình của các phường, xã ở Đồ Sơn, các trưởng giáp sẽ đại diện cho mỗi khu dân cư tế thần Điểm Tước. Vào trận đấu, sau phần tấu trống, múa cờ trận, là tiếng dịch loa gọi các ông trâu vào trận. Một nét độc đáo của Hội chọi trâu Đồ Sơn là dù trâu thắng trận hay trâu thua đều được xẻ thịt và thịt trâu chọi Đồ Sơn là một phần của lễ hội, mang ý nghĩa tâm linh. Nếu có du khách nào may mắn được thưởng thức thịt trâu xào với rau muống mọc bên chân đền Độc Cước thì thú vị biết mấy.

Chỉ còn ít ngày nữa, Hội chọi trâu Đồ Sơn bắt đầu, đến với Đồ Sơn trong những ngày này, du khách không chỉ đến với khu du lịch nổi tiếng từ hàng trăm năm mà còn được chứng kiến một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng.


  MAI LÂM
 
 

Tin cùng chuyên mục