Mong manh đúng, sai

Cách đây không lâu, trên một kênh YouTube có đăng clip bẫy chim cút và nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí bị ném đá. Trước phản ứng dữ dội đó, chủ kênh phải gỡ bỏ video và xin lỗi trên trang cá nhân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Câu chuyện về tấn công mạng, đặc biệt với các nhà sáng tạo nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội vốn không còn là chuyện lạ. Khán giả xem thấy vui, thích thú, đồng cảm sẽ thả tim, like, chia sẻ, tặng sao… Như trường hợp video nói trên, nhiều người bênh vực lý giải bắt cua, bắt cá, bắt ốc thì thấy bình thường, tại sao bắt chim thì nói ác, sát sinh. Có người sẽ chọn đưa ra những góp ý nhẹ nhàng như: Bẫy con nọ, con kia nghe và nhìn tội lỗi lắm, đăng lên video rất mất thiện cảm; mình nghĩ rút kinh nghiệm lần sau thì tránh những video như vậy… Nhưng ngược lại, có một bộ phận không nhỏ sẵn sàng bày tỏ sự giận dữ, dùng những lời lẽ bình luận chì chiết, thậm chí cả xúc phạm, miệt thị.

Trên thực tế, trừ một số nội dung phản cảm, cái sai đã quá rõ ràng, phần nhiều các video được đăng tải trên môi trường mạng và gây ra tranh cãi trái chiều rất khó để kết luận ai đúng hoàn toàn, hay sai tuyệt đối.

Chủ video bắt chim cút cũng thừa nhận, có thể do mình đặt vấn đề quá nhẹ và nhận thức nó đơn giản là chim cút bán nhiều ở ngoài chợ thì bản thân cũng có thể bắt chúng về làm thức ăn và không nghĩ vấn đề đi xa quá. Đây có lẽ cũng là bài học xương máu cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ trong việc lựa chọn đề tài, cách thể hiện làm sao “vừa lòng” người xem.

Theo Nguyễn Thành Dân (chủ kênh Trung thảo mai, anh Ba Dân) thông thường với bất cứ sự việc nào diễn ra luôn có hai luồng ý kiến trái chiều từ fan và antifan. “Điều quan trọng nhất với nhà sáng tạo nội dung là mình chọn cách thể hiện như thế nào để dung hòa, sản xuất các nội dung có tính giải trí, giáo dục. Khi bị chê, bị chửi, chúng tôi cũng chạnh lòng, nhưng rồi cũng có những ý kiến ủng hộ khiến mình càng vững tâm đi theo con đường sản xuất nội dung tích cực, lành mạnh”, Thành Dân bày tỏ.

Ở một khía cạnh khác, không ít trường hợp, khi khán giả sử dụng “quyền lực” của mình đúng lúc, đúng chỗ cũng phát huy tác dụng, phần nào góp phần làm trong sạch môi trường mạng. Một lời nói, bình luận có thể chỉ là vô thưởng vô phạt, nhưng vô hình trung nó có thể tạo trào lưu, khiến người khác rất dễ bị cuốn theo, nhất là trong bối cảnh việc a dua, ném đá hội đồng không cần biết đúng sai diễn ra ngày càng phổ biến. Việc chậm lại một nhịp, đặt mình vào vị trí người khác chưa bao giờ thừa. Mọi thứ cần phải được xuất phát từ hai phía, khi đó sẽ có nhiều hơn tiếng nói đa chiều, sự kết nối và đồng cảm.

Tin cùng chuyên mục