Đêm 24-12-2014, hàng tỷ người dân trên khắp thế giới đã trải qua một đêm Giáng sinh vui vẻ với những ước nguyện về một thế giới an lành, không có bạo lực, khủng bố và chiến tranh. Trong thông điệp Giáng sinh gửi đến cộng đồng thiểu số người Công giáo ở Trung Đông, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi họ hãy vững tin và không sợ hãi trước sự bùng phát của các tổ chức khủng bố “mới hơn, ngày càng rắc rối hơn và đã phát triển lên một quy mô trước nay chưa ai từng hình dung được”.
Còn mùa Giáng sinh năm nay?
Vừa chờ đợi, vừa âu lo là tâm lý chung của hầu hết người dân nhiều châu lục những ngày này. Không lo sao được khi khắp nơi nơi, từ Đông Nam Á, châu Á, châu Âu tới Mỹ, Mỹ Latinh, tại các trung tâm thương mại, sân bay, nhà ga bến tàu, những điểm vui chơi công cộng đều dày đặc bóng dáng nhân viên an ninh. Điều ấy nhắc mọi người rằng nguy cơ bất ổn, khủng bố vẫn hiện hữu: Việc máy bay chở khách Nga bị nổ tung trên không phận Ai Cập khiến 224 người tử vong; vụ tấn công khủng bố Paris làm 129 người thiệt mạng; 1 con tin người Trung Quốc và 1 con tin người Na Uy gần đây bị hành quyết; tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố tiếp tục các cuộc tấn công khủng bố mới tại các nước phương Tây như Mỹ, Pháp; al-Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở Mali… Tất cả cho thấy làn sóng tấn công khủng bố mới đang bùng phát, đe dọa hòa bình toàn nhân loại.
Càng về cuối năm, an ninh càng được thắt chặt. Nhưng, mặc an ninh được tăng cường tối đa, mặc không khí mùa Giáng sinh cuốn hút, nhịp độ mua sắm của người dân các nước dường như đang “chững” lại, do tâm lý bất an. Để tránh tình trạng chen lấn tại các cửa hàng và lo ngại nguy cơ khủng bố, người tiêu dùng Pháp đang có xu hướng mua sắm trên mạng kèm theo dịch vụ giao quà tận nhà. Cũng vì thấp thỏm sợ khủng bố nên người dân Pháp thích quây quần tổ chức các bữa tiệc ở nhà thay vì ra phố tận hưởng không khí rộn ràng của đêm Giáng sinh. Năm nay, có lẽ do đồng đô la Australia giảm nên người dân Australia không đi du lịch nước ngoài nhiều như trước. Thay vào đó, họ đi nghỉ về các miền quê trong nước hoặc quây quần cùng gia đình. Các nhà bán lẻ Anh cũng phải cuống cuồng hạ giá thấp nhất kể từ năm 2008 hòng hút khách đến mua hàng dịp Giáng sinh, năm mới…
Nhìn toàn cảnh, tình hình kinh tế cũng chẳng thể lạc quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo tài chính, trong đó hạ dự báo tăng trưởng chung của toàn thế giới năm 2016 từ mức 3,6% xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát. Các nước mới nổi sẽ phải hứng chịu nhiều sức ép trong năm 2016. Tấn công khủng bố đã phần nào khiến kinh tế châu Âu đã sút kém càng thêm khó. Bốn triệu người phải bỏ nhà lánh nạn do khủng bố trong những năm qua không còn tham gia sản xuất và làn sóng tị nạn ấy cũng gây hao tốn cho các quốc gia phải tiếp nhận, thanh lọc và cứu trợ người tị nạn. Những hàng rào giữa các quốc gia làm cho sự lưu thông của hàng hóa chậm lại, môi trường đầu tư giảm sút, đồng thời chi tiêu của chính phủ gia tăng.
Về mặt giáo lý, mọi tôn giáo đều khởi xướng hòa bình, chỉ những người bị đầu độc bởi chủ nghĩa cực đoan mới xa rời giáo lý. Tuy nhiên, xung đột tôn giáo luôn hiện hữu và tiếp tục tạo ra sự ngăn cách. Nhưng dòng thời gian vẫn chảy, cuộc sống vẫn không ngừng vận động. Tạm gác lại những mối bận tâm chính trị, những lo ngại về nạn khủng bố và những khó khăn kinh tế còn bộn bề, hàng tỷ người năm châu vẫn mong mỏi chào đón một đêm Giáng sinh đầm ấm, mong mỏi năm mới tươi sáng hơn. Dẫu biết rằng, cuộc chiến chống cái ác, cái nghèo còn rất dài và cũng lắm chông gai; rằng để dung hòa tôn giáo, văn hóa cần nhiều nỗ lực từ nhiều phía. Bi kịch thảm khốc của vụ tấn công ở Paris cho thấy nhân loại cần lắm một thế giới hòa bình!
LÊ VÂN