Mùa nước nổi (sau này hay gọi là lũ) bao đời nay là niềm mong mỏi của người dân Tây Nam bộ. Đầu tháng 7 âm lịch, khi con nước ngầu đỏ từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa và cùng với nó là những sản vật giúp cuộc mưu sinh người dân đồng bằng: tôm, cá, thau chua xổ phèn, bồi bổ phù sa cho đồng ruộng sau mùa canh tác. Trong lịch sử, hiếm khi “nước dữ” như những năm 1978, 2000 và 2001. Dân gian cho rằng có lẽ từ “lũ” khởi nguồn từ đó, bởi bao cảnh nhà tan cửa nát, hàng trăm người chết, lúa ngập lút đầu, tan thương bao trùm. “Sự thể” đã có lúc khiến người dân các tỉnh đầu nguồn sông Tiền sông Hậu sống bằng chờ mong hàng hóa cứu trợ, “ngửa tay xin tiền” - nói theo cách của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Thế nhưng, vượt lên hoàn cảnh, người dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đã khẳng định sức sống mãnh liệt của mình, biến mùa lũ thành mùa làm ăn, mùa kiếm tiền. Sau trận lũ lịch sử năm 2001, UBND tỉnh An Giang bắt đầu triển khai mô hình kinh tế trong mùa nước nổi. Sau đó, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang cũng tận dụng mùa nước nổi làm mùa sản xuất, mưu sinh.
Hàng loạt nghề mới bắt đầu ra đời: nuôi cá ao hầm, nuôi cá đăng quầng, nuôi cá chân ruộng, nuôi cá lóc mùng, vèo, nuôi cá lòng bè nhỏ, nuôi lươn trong bể đất, nuôi ếch, ương giống thủy sản, trồng rau nhút trên ruộng… Tổng cộng có đến 32 mô hình sản xuất mùa nước nổi có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với hộ nghèo ít vốn và ít đất sản xuất. Thống kê sơ bộ của các tỉnh cho thấy mỗi mùa nước nổi, tổng thu nhập lên đến vài ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể các hoạt động du lịch, thu hút khách thập phương về miền Tây đón lũ. Những ngày này, ngành du lịch các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang rục rịch chào tour. Huyện An Phú (An Giang) hàng năm còn có ngày hội văn hóa - thể thao Búng Bình Thiêng, đón hàng ngàn lượt khách tham quan.
Khi mùa nước nổi đã trở thành mùa làm ăn, người dân miền Tây Nam bộ không còn ngần ngại, mà trái lại, là mong chờ nước về. Trước đây, nếu như nỗi lo canh cánh bên lòng của người dân vùng lũ là nhà cửa, là nước ngập tới nóc thì giờ đây, chỗ ở đã dần ổn định. Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng lũ do Chính phủ triển khai đã cơ bản giúp bà con ổn định chỗ ở. Từ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư của Nhà nước, hàng ngàn hộ dân đã được xây dựng nhà cửa vững chắc, khang trang trên các cụm tuyến, đảm bảo không bị ngập lũ, bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng bà con. Đến cuối năm 2008, chương trình này đã hoàn thành.
Sau đó, từ năm 2009, Chính phủ tiếp tục triển khai xây dựng cụm tuyến dân cư giai đoạn 2. Mục tiêu là đầu tư xây dựng bổ sung các dự án cụm, tuyến dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn cho số hộ dân thuộc đối tượng chưa được bố trí hết trong giai đoạn 1 của chương trình và số hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Đến nay, sau 2 năm triển khai, các địa phương đã bồi thường giải phóng mặt bằng và tôn nền, đắp bờ được 138/178 dự án (đạt 78%), 95 dự án đã hoàn thành và đã đưa được hơn 1.000 hộ dân vào ở (đạt 2,9%). Đồng thời, hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long cũng đã hoàn thành các bờ bao đảm bảo an toàn cho 6.679 hộ dân sinh sống. Như vậy, đến nay 7.649 hộ dân vùng lũ tại ĐBSCL đã có nơi ở an toàn.
Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, năm nay nước sông Mêkông lớn hơn năm trước. Dự báo đến khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10-2011 nước lũ sẽ đạt đỉnh, ước từ 4,2-4,5m, dưới mức báo động 3. Đây là mực nước rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu luôn diễn ra khó lường. Do vậy, người dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng cần nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó nếu như lũ lớn bất ngờ đổ về, có thể gây hại đến sản xuất, tài sản, tính mạng… Mùa “lũ đẹp” luôn là hy vọng và nỗi mong chờ của nông dân đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu nhưng ta phải biết khai thác, biết “sống chung” an toàn với lũ...
TRẦN MINH TRƯỜNG