Tầm 7 giờ sáng 26-6, anh Phạm Trần Hải, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật của Hội đồng phân loại biệt thự, gọi điện thoại cho hay: “Một biệt thự tuyệt đẹp trên 100 tuổi thời Pháp ở số 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh đang bị tháo dỡ. Tuần nào tôi cũng đi ngang qua và ngắm nghía căn biệt thự vài ba lần. Ngôi biệt thự ấy tuyệt đẹp, hoàn toàn xứng đáng được xếp vào nhóm 1 (nhóm biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc) và cần được giữ lại để bảo tồn”.
Theo chỉ dẫn của anh Phạm Trần Hải, tôi đã tới ngôi biệt thự nêu trên. Tiếc và buồn là cảm giác của tôi khi thấy hiện trạng ngôi biệt thự... Phần mái đã bị tháo dỡ hoàn toàn, trơ lại vài khung gỗ. Nhiều bức tường cũng đã bị đập… may mắn hàng cột chạm trổ tinh xảo còn gần như nguyên vẹn. Căn biệt thự được rào kín bằng hàng dây thép gai và không có lối vào (nhìn từ đường Nơ Trang Long). Đứng sát hàng rào, tôi gọi chủ nhà nhưng không thấy ai lên tiếng. Hỏi chuyện một số người dân lân cận, được biết, ngôi biệt thự vừa được bán cho người chủ mới. Người chủ mới ít khi tới đây.
Ngôi biệt thự đã bị dỡ bỏ phần mái Ảnh: Phạm Trần Hải
Cũng theo anh Phạm Trần Hải, sau khi nhận được thông tin về ngôi biệt thự bị tháo dỡ, anh đã gọi điện thoại cho lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh đề nghị kiểm tra và xử lý việc tháo dỡ trên nếu không đúng với các quy định hiện hành. Lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh đã nhanh chóng kiểm tra xử lý, và chỉ đạo tạm ngưng việc tháo dỡ. Lúc tôi tới nơi, ngôi biệt thự vắng lặng, mọi hoạt động tháo dỡ không còn. Anh Phạm Trần Hải cho biết: “Tôi cảm ơn lãnh đạo quận Bình Thạnh vì đã phản ứng kịp thời trước sự việc trên. Tuy nhiên, có một điều tôi chưa hiểu. Đó là, gần 20 năm nay, theo quy định tại Công văn số 3606/UB-QLĐT ngày 19-10-1996 của UBND TPHCM, việc tháo dỡ các biệt thự cũ (được xây dựng trước năm 1975) phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND TPHCM. Tại sao việc trên lại xảy ra?”.
Bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị trong đó có các biệt thự cũ (phần lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc) đã được TPHCM đặt ra cách nay gần 20 năm. Lúc ấy, để có cơ sở gìn giữ lại các công trình kiến trúc có giá trị gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM 300 năm, nhân kỷ niệm 300 năm ngày hình thành và phát triển thành phố, lãnh đạo TPHCM đã giao cho một nhóm kiến trúc sư mà đứng đầu là Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Quang Ninh nghiên cứu, chọn ra các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn. “Kết quả của nhóm nghiên cứu này là 108 công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có nhiều biệt thự đã được đề xuất bảo tồn. Đây là nghiên cứu rất có giá trị mà bằng chứng là lãnh đạo thành phố lúc ấy đã tặng bằng khen công trình xuất sắc cho nghiên cứu này”, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Quang Ninh chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tuy nhiên, nghiên cứu xuất sắc nêu trên… chỉ dừng ở hình thức một bộ tài liệu khoa học về kiến trúc của thành phố. Năm 2005, công tác bảo tồn biệt thự có giá trị về kiến trúc lại được… xới lên. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thời ấy cho biết, đã có nhiều ý tưởng mới được đề ra trong lần nghiên cứu này. Thế nhưng, mọi việc cũng dừng ở mức độ nghiên cứu. Cho tới tháng 4-2015, việc nghiên cứu bảo tồn các biệt thự có giá trị kiến trúc một lần nữa đã được đặt ra. Sau nhiều lần hội thảo và họp bàn, tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TPHCM đã được xây dựng và lấy ý kiến góp ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở ngành, UBND các quận huyện, các cơ quan nghiên cứu, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia có liên quan. Dự kiến trong vòng 1-2 tuần tới, tiêu chí sẽ được trình cho UBND TPHCM xem xét, phê duyệt.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, TP hiện có khoảng hơn 1.000 biệt thự cũ. Thời gian qua, do chưa có tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ, việc tháo dỡ từng biệt thự đã phải trình lên tới Chủ tịch UBND TPHCM. Cách làm này như chính Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, dù quy trình khá chặt chẽ song thường cho kết quả xử lý không đồng bộ, đôi khi còn bị các cá nhân và tổ chức liên quan thắc mắc, khiếu nại.
NGUYỄN KHOA