Đó là nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM. Theo ông, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi biến đổi khí hậu toàn cầu xảy ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, phải có kế hoạch ứng phó với hiểm họa ấy ngay từ bây giờ.
Tất nhiên, đây phải là những kế hoạch cụ thể chứ không chỉ là “kế hoạch chống đỡ”, phải có cả kế hoạch góp phần làm giảm bớt nguy cơ biến đổi khí hậu. Ở góc độ môi trường và kinh tế, kế hoạch góp phần làm giảm bớt nguy cơ biến đổi khí hậu còn quan trọng hơn và có lợi hơn những kế hoạch khác liên quan.
Vậy Việt Nam và TPHCM phải làm gì để thực hiện kế hoạch góp phần làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu? Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, ngay từ bây giờ TPHCM phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và hành động bảo vệ môi trường.
Những việc có thể làm ngay là tổ chức lại quản lý trong mọi mặt của đời sống, nhằm làm giảm khí CO2 phát thải ra môi trường. Đó là tổ chức lại giao thông theo hướng tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường phát triển: xe đạp, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sạch… Đó là việc phát triển đô thị, xây nhà, làm văn phòng, theo hướng tiết kiệm nhiên liệu với những tòa nhà tiết kiệm năng lượng…
Tất cả những điều này phải được cụ thể hóa bằng luật. Tập thể, cá nhân làm giảm phát thải khí CO2 sẽ được khuyến khích, khen thưởng. Tập thể, cá nhân ứng dụng những công nghệ mới, xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn sẽ được miễn, giảm thuế… Ngược lại sẽ bị khống chế bởi những chế tài.
Bằng luật pháp kèm với sự tuyên truyền, vận động, Nhà nước phải hình thành cho được thói quen ứng xử thân thiện với môi trường cho người dân. Điều này không những tốt cho chính môi trường của TPHCM nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, mà còn tạo ra một hình ảnh đẹp về đất nước ta trong lòng bạn bè quốc tế.
Không chỉ là một thành phố, một quốc gia thân thiện với môi trường, TPHCM cũng như Việt Nam chắc chắn sẽ tìm được nguồn hỗ trợ của nước ngoài trong việc bảo vệ môi trường. Như vậy, chẳng phải là TPHCM đã “một công đôi việc” và càng chuyển động sớm càng có lợi?
Nguyễn Khoa