Việc sử dụng hầm biogas để khống chế ô nhiễm môi trường từ vật nuôi gia súc, gia cầm và lấy khí gas tạo năng lượng sử dụng đang phát triển mạnh ở vùng nông thôn ngoại thành TPHCM và các tỉnh. Người dân xem biogas là một loại năng lượng mới, ít tốn kém, là giải pháp vừa tiết kiệm, vừa văn minh, sạch đẹp cho môi trường xung quanh và mỗi gia đình.
Khi hỏi những hộ dân sử dụng hầm biogas về tình trạng cắt điện thời gian qua ảnh hưởng thế nào đến sản xuất, họ cười và cho biết, chỉ gia đình nào không chăn nuôi mới lo cúp điện, còn với hộ chăn nuôi gia súc có hầm biogas để phát điện thì vẫn bình thường. Bởi nhà dân ở nông thôn có máy phát điện chạy bằng khí biogas như là một nguồn điện dự phòng khi bị cúp điện. Chỉ tính riêng tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi có gần 200 hộ dân sử dụng khí biogas để làm khí đốt và phát điện.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn, lúc đầu người dân chỉ đơn thuần sử dụng biogas để làm khí đốt, một số ít mua máy chuyển khí biogas thành điện sử dụng cho gia đình, nhưng gần đây, việc xây hầm biogas để thu khí làm chất đốt và phát điện trở nên phổ biến, dù đó là gia đình chăn nuôi quy mô lớn (khoảng 50 con heo, bò trở lên) hay chỉ nuôi 5 đến 10 con heo.
Điều đáng nói, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải, nhất là từ chăn nuôi ngày càng báo động. Đây là vấn đề hết sức bức xúc của người dân cũng như chính quyền địa phương. Cách đây không lâu, chất thải vật nuôi thải ra kênh rạch lênh láng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc sử dụng khí biogas đã giải quyết vấn đề này một cách triệt để, đặc biệt là từ những xã xây dựng nông thôn mới. Môi trường trong sạch là một trong những tiêu chí phải đạt được trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy người dân càng phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này để kết hợp “một công đôi việc”- vừa có năng lượng sử dụng, không tốn tiền, vừa bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Trước đây, việc vận động người dân chăn nuôi, xây hầm biogas là một khó khăn cho những người làm công tác vận động. Củ Chi là huyện có truyền thống chăn nuôi heo, bò với quy mô lớn, việc xử lý chất thải vật nuôi luôn là vấn đề bức thiết. Hầu hết kênh rạch, đồng ruộng của huyện đều trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng nhờ phổ biến và khuyến khích áp dụng rộng rãi mô hình làm biogas, thời gian qua tình trạng mùi phân thải hôi thối ở đây đã chấm dứt.
Hiệu quả thiết thực nhất, làm động lực để cho nhiều người dân tích cực xây dựng hầm biogas chính là lợi ích về kinh tế. Một hộ gia đình chăn nuôi heo tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết, nhờ tận dụng chất thải của 20 con heo, gia đình tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng tiền điện sử dụng cho sinh hoạt và nhất là giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập người dân.
NGUYỄN TRỌNG LIÊM