
Ở tuổi tám mươi hai, ông khá nặng tai. Vì thế, suốt ngày ông cặm cụi làm việc, chẳng buồn chuyện trò với bất kỳ ai. Vậy mà khi loáng thoáng nhận ra hai chữ “nhạc lễ” trên miệng chúng tôi, khuôn mặt già nua của ông rạng rỡ hẳn lên, ông luýnh quýnh pha trà, lau dọn bàn ghế tiếp khách. Sau đó, ông hào hứng nói đủ thứ chuyện về nhạc lễ Nam bộ. Ông là nghệ sĩ, nhạc sĩ Phan Văn Nhứt (Tám Nhứt) – người rành nhạc lễ nhất, nhì miền Nam.

Ông Tám vỗ chiếc trống bồng có một không hai ở Việt Nam.
Sự rành rẽ nhạc lễ của ông Tám thật đáng nể bởi ông có thể chơi được hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc lễ, có thể cắt nghĩa rành rọt về những bài bản như xàng xê, ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, long đăng, long ngâm, vạn giá, tiểu khúc…; có thể kể vanh vách tên và vai trò của mười chín loại nhạc cụ như trống nhạc, trống cơm, trống bồng, mõ, phệch, thanh đạo, đàn cò, đàn gáo, đàn kìm, kèn, chập, bạt, tum, đẩu…
Cho nên, trong đời mình, ông Tám nhận không biết bao nhiêu giấy khen, bằng khen, huy chương về việc gìn giữ vốn cổ dân tộc một cách xuất sắc. Mỗi lần về nước, giáo sư Trần Văn Khê lại thu xếp thời gian để đến ngôi nhà tuềnh toàng của ông Tám Nhứt ở quận Gò Vấp, đàm đạo về những roi trống đầy ngẫu hứng, những điệu nhạc tuyệt diệu của dòng nhạc thấm hồn dân tộc này và cũng để ngắm nghía, tấu dạo những khúc nhạc từ các nhạc cụ đặc sắc do ông Tám công phu chế tạo nên.
Giữa thời buổi âm nhạc truyền thống có nguy cơ mai một như hiện nay, gặp được người tri âm tri kỷ như giáo sư Trần Văn Khê, ông Tám vui như mở cờ trong bụng nhưng gặp lớp trẻ muốn tìm hiểu nhạc lễ như chúng tôi, ông Tám cũng không giấu được niềm phấn khởi. Ông say sưa giảng giải về nhạc lễ như sợ nếu không kịp, cái vốn quý ấy sẽ ra đi theo tuổi già của mình. Nghe trong giọng điệu đầy hứng khởi của ông, chúng tôi cảm nhận được sự quyến luyến của người nghệ sĩ già đối với môn nhạc mà ông say mê suốt cuộc đời. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông Tám chậm rãi kể: Nhạc lễ xuất thân từ nguồn cội âm nhạc của người Việt cổ xưa và mang tư tưởng triết lý phương Đông sâu sắc.
Trong đó, ngũ cung hò - xự - xang - xê - cống cũng như ngũ nhạc của nhạc lễ tương ứng với ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Còn nhịp ngoại - nội cùng sự thiên biến vạn hóa của các điệu thức cùng âm sắc của nhạc lễ thì tương ứng với lưỡng nghi (âm- dương) sinh ra vạn vật. Ở nước ta, vua chúa thường dùng nhạc lễ trong các dịp đón tiếp sứ thần hoặc trong các dịp đại lễ của quốc gia, nhân dân thì dùng nhạc lễ trong các dịp cúng bái, lễ tế, đám tang.
Trong làn sóng Nam tiến khai hoang lập nghiệp, các nghệ nhân tiền bối đã mang theo dòng nhạc truyền thống này và biến đổi một vài đặc điểm cho phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội ở vùng đất mới, hình thành nên dòng nhạc lễ đặc trưng Nam bộ. Từ đó, trong các lễ quan – hôn – tang – tế, người dân Nam bộ đều sử dụng nhạc lễ như một hình thức bày tỏ tình cảm của những người đang sống đối đãi với nhau và lòng biết ơn của người sống đối với các bậc tổ tiên.
Ông Tám theo học nhạc lễ từ năm mười bốn tuổi với nghệ nhân Chính Láo từng nổi tiếng khắp vùng Cần Đước (Long An), sáu năm sau được thầy cho lên làm thợ phụ đi khắp Nam kỳ lục tỉnh góp những âm thanh độc đáo cho các buổi tế lễ thêm linh thiêng, huyền diệu. Đến năm hai mươi ba tuổi, tay trống tài hoa Tám Nhứt của dàn nhạc lễ theo tiếng gọi cứu quốc lên đường tham gia kháng chiến.
Trừ những lúc chiến tranh ác liệt, còn những khi đất nước tạm yên hoặc hòa bình, ông Tám lại cùng anh em say sưa tấu lên những âm thanh ngân nga đến tận cõi trời. Nối nghiệp ông, đứa con trai Phan Nhất Dũng (hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa TPHCM) giờ đây cũng trở thành một trong những nghệ nhân có tên tuổi trong làng âm nhạc dân tộc. Một đời đam mê nhạc lễ của ông Tám xem như đã mãn nguyện.
NGỌC DIỄM