* (Đọc Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp của Eric Jennings; Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch; Trần Đức Tài hiệu đính; Đại học Hoa Sen & Nxb Hồng Đức, 2015)
Pho sử đầu tiên về Đà Lạt
Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp (từ đây gọi là Đỉnh cao đế quốc) khi lần đầu tiên được tìm đọc trong nguyên tác tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp đã gây sửng sốt cho những người nghiên cứu và quan tâm Đà Lạt. Vì sao gây sửng sốt? Ông Trần Đức Tài, một nhà báo, nhà nghiên cứu, một người say đắm Đà Lạt, và là người hiệu đính bản tiếng Việt cuốn sách này, cho rằng có “khoảng trống thông tin rất lớn” về địa danh này trong 40 năm qua bởi nguồn tài liệu về nó tại Việt Nam quá nghèo nàn, ít ỏi. Và cuốn sách này có thể coi như một tảng đá đồ sộ tìm cách lấp dần khoảng trống đó.
Điểm danh các đầu sách tin cậy từ trước đến nay về Đà Lạt, chỉ có thể kể ra: Đà Lạt xưa (Tạp chí Xưa và Nay xuất bản), tập hợp 16 bài viết là những khảo cứu riêng lẻ về Đà Lạt mà trong đó có đến 9 bài trích lại từ Tập san sử địa số đặc khảo về Đà Lạt xuất bản năm 1971; và Đà Lạt - Bản đồ sáng lập thành phố, cuốn sách tương đối có hệ thống về quy hoạch do Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội hợp tác với Cục Lưu trữ văn thư quốc gia, Bảo tàng Lâm Đồng và Cục Lưu trữ quốc gia IV xuất bản năm 2004, nhưng rất không may đây là “sách không bán”.
Đỉnh cao đế quốc, bao gồm 630 trang với 14 chương nội dung cùng phần chú thích, thư mục tham khảo, là cuốn sách sử đầy đủ và có hệ thống nhất hiện nay về sự hình thành và phát triển Đà Lạt cuối thế kỷ 19 và 50 năm đầu thế kỷ 20. Là cuốn sách thứ tư trong số 5 cuốn sách phục vụ chuyên đề chủ nghĩa thực dân Pháp mà tác giả Eric T. Jennings theo đuổi, Đỉnh cao đế quốc nghiên cứu từ nhiều góc cạnh về một thành phố nghỉ dưỡng tầm cỡ trên cao nguyên của thực dân Pháp tại Đông Nam Á.
H.1 Nguyên tác Imperial Heights. Dalat and the Making and Undoing of French Indochina (University of California Press, 2011). H.2 Bản tiếng Pháp La ville de l'éternel printemps (Thành phố của mùa xuân vĩnh cữu) (Payot, 2013). H.3 Bản tiếng Việt Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp (Đại học Hoa Sen & NXB Hồng Đức, 2015)
Một Đà Lạt khác?
Cuốn sách mở đầu bằng nỗi ám ảnh khí hậu nhiệt đới xứ Nam kỳ cuối thế kỷ 19 khiến người Pháp khó thích ứng. Những cơn sốt rét, bệnh kiết lỵ, thiếu máu khiến tỷ lệ tử vong không ngừng tăng cao. Người Pháp phải chọn một trong hai con đường cho bệnh nhân da trắng: hoặc hồi hương hoặc di chuyển theo cao độ bên trong thuộc địa. Phương án thứ hai tỏ ra thuyết phục hơn về mặt thực tế lẫn tài chính.
Ấp ủ kế hoạch về một viện điều dưỡng ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer có hai cánh tay đắc lực đang chia hai hướng khảo sát địa hình tại Trung kỳ: một theo hướng Bà Nà thuộc Tourane (Đà Nẵng ngày nay) do Victor Debay chỉ huy và một theo hướng Lang-Bian do Alexandre Yersin dẫn đầu.
Cuối cùng, sau những cuộc thám hiểm thấm đẫm bạo lực, Đà lạt trở thành trạm nghỉ dưỡng số 1 trong mạng lưới trạm nghỉ dưỡng Pháp xây dựng khắp các miền núi ở Đông Dương như Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn ở Bắc kỳ; Bà Nà ở Trung kỳ; Bokor ở Campuchia; Trấn Ninh ở Lào...
“Chỉ trong một câu, Doumer đã tiên liệu từng chức năng thuộc địa tương lai của Đà Lạt: một vườn ươm “nòi giống” Pháp ở Đông Dương, một địa điểm hồi sức, và một chỗ sinh hoạt gia đình kiểu Âu châu nơi các phụ nữ và trẻ em Pháp rốt cuộc có thể góp mặt trong bối cảnh chung”.
Từ đây, qua những chương sau của cuốn sách, những quyết định, chiến dịch chồng chéo tầng lớp lên nhau, sự ủng hộ và phản bác, nghi ngờ và hy vọng, Đà Lạt dần được “bồi da đắp thịt” với đầy đủ các mặt liên quan: chính trị, quân sự, quy hoạch, kinh tế, giáo dục, y tế, tôn giáo…
Chẳng hạn, về quy hoạch, tuy không được triển khai đúng theo viễn kiến ban đầu đặt ra năm 1900, là Đà Lạt phải rập khuôn một nước Pháp thu nhỏ với kiến trúc mang nét duyên dáng, thanh lịch của châu Âu, nhưng cuối cùng thành phố này vẫn nổi tiếng là nơi chốn của những tòa biệt thự. Từ lúc hình thành cho đến 1940, từ một vùng đất trinh nguyên, Đà Lạt đã có 750 biệt thư, là dinh cơ của vua An Nam, của Toàn quyền Đông Dương, các chức sắc Trung và Nam kỳ, các cơ quan chính phủ…
Năm 1933, nhà quy hoạch Louis Georges Pineau có mặt tại đại hội CIAM lần 4 ở Athens để triển lãm công trình quy hoạch Đà Lạt của ông. Đồ án này được trưng bày ngang hàng với Detroit, Budapest, Paris, Amsterdam ở hạng mục “thành phố thư nhàn”.
Về nông nghiệp, những trang trại được vận hành, chủ yếu bằng cưỡng bức lao động bản địa, khoai tây, cà chua, cà rốt, dâu tây, atisô, cả bò sữa Breton và cừu từ vùng Berry nước Pháp đã được nuôi, trồng tại Đà Lạt và từ đây toả đi khắp Đông Dương và ngoài Đông Dương. Dấu ấn đó vẫn in đậm cho tới ngày nay khi Đà Lạt hiện vẫn là cái nôi cung cấp rau màu vùng ôn đới cho cả nước. Những bữa ăn đậm chất Pháp cho cư dân thuộc địa, những thực phẩm của Pháp đã được nhập vào Đà Lạt.
Về giáo dục, trong nỗ lực tạo ra một thiên đường cho trẻ em da trắng - thế hệ thực dân mới, từ 1920 Đà Lạt đã trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu của vùng thuộc địa với nhiều trường học danh tiếng. Năm 1939, Trường Thiếu sinh quân Á-Âu Đà Lạt ra đời nhằm đào tạo lực lượng cho quân đội… Để phục vụ nhu cầu giao tiếp giữa thực dân và người thiểu số, tuyển dụng nhân công và mục đích truyền giáo, các loại sách đàm thoại và từ điển song ngữ Pháp-Dân tộc thiểu số (Châu Mạ, Tareng, Sué, Churu, Tày…) xuất hiện.
Và, hằn rõ trong sự vận hành mọi lĩnh vực ở xứ cao nguyên này là sự kỳ thị sâu đậm của người Pháp đối với người bản địa. Tư duy chủng tộc chỉ phai dần riêng trong môi trường giáo dục từ năm 1930.
Từ 1954, khi “kỷ nguyên thuộc địa Pháp đi tới mốc kết thúc vĩnh viễn”, những dấu ấn thuộc địa từng là hồn cốt Đà Lạt mờ nhoà dần, một phần do sự nhạo báng một phần lại bị khai thác một cách diêm dúa vì mục đích thương mại. Đà Lạt chỉ còn là tên gọi của những hoài niệm ngày một phôi phai.
Bước đi mới mẻ và “khoảng trống khác”
Lối dẫn dắt của Eric T. Jennings sắc sảo, hấp dẫn và đầy thuyết phục. Trong email trao đổi với nhà báo Trần Đức Tài, Eric chia sẻ, cơ duyên dẫn ông đến với việc nghiên cứu lịch sử, ngoài truyền thống gia đình, còn bắt nguồn từ niềm đam mệ đọc… tiểu thuyết. Vậy nên không có gì lạ khi trong tác phẩm sử học này, Đà Lạt hiện lên như một nhân vật sống động và một vài đoạn trong sách mang không khí của tiểu thuyết. Chẳng hạn, "Sau khi đặt chân xuống sân nhà ga kiểu Art Deco, một du khách đến Đà Lạt vào cuối những năm 1930 sẽ đi ngang qua ngôi trường gạch đỏ Lycée Yersin lấy cảm hứng từ Thụy Điển đang trong giai đoạn hình thành, sau đó đi men theo bờ hồ trung tâm dọc Đại lộ Albert Sarraut. Họ sẽ liếc thấy nhà thủy tạ Grenouillère bên tay trái với các cầu ván nhảy bơi lặn, và thưởng lãm dinh thự của toàn quyền nằm trên đỉnh đồi toàn cây thông bao phủ về bên tay trái. Giống như đến bây giờ vẫn thế, hương thơm của loài cây thường xanh thoảng trong không khí, khơi gợi những ký ức mãnh liệt cho những kiều dân thuộc địa".
Tác giả Eric T. Jennings. Nguồn: www.vic.utoronto.ca
Eric T Jennings mất 10 năm để viết xong cuốn Đỉnh cao đế quốc. Ông tìm đến trung tâm lưu trữ của Việt Nam ở Hà Nội, TPHCM và Đà Lạt. Chưa hết ông lần theo những manh mối từ các tàng thư quân đội, hồ sơ thuộc địa đang nằm ở Pháp; cả đồ án quy hoạch Đà Lạt từng được trình bày tại Hội nghị quốc tế kiến trúc hiện đại ở Thụy Sĩ; các tài liệu của những nhà truyền giáo đã đến Đà Lạt thời kỳ đầu nằm ở Canada; nguồn tạp chí và nhật báo đã xuất bản ở Đà Lạt những năm 1930 đang nằm tại Mỹ.
Nói về những bước đi của Eric T. Jennings trong nghiên cứu, dịch giả Phạm Viêm Phương, một người tốt nghiệp ngành sử, không giấu được sự khâm phục dành cho tác giả này: “Sự dày công nghiên cứu của Eric T. Jennings thể hiện qua 100 trang chú thích và thư mục. Chú thích và thư mục là nhật ký làm việc, là hành trình đi đến kết quả trong công trình nghiên cứu của sử gia. Một cuốn sách sử không phải là những gạch đầu dòng về địa lý, dân số, diện tích, các cột mốc, những dòng sơ lược khô khan. Nhờ sự đào sâu nguồn tài liệu sơ cấp quý giá (chẳng hạn, Hội Truyền Giáo Canada), Eric cung cấp cho ta một mô tả đầy sống động, thú vị và mới lạ về quá khứ và lịch sử hình thành Đà Lạt”.
Tuy vậy, khi chia tay độc giả ở chương cuối, Eric T. Jennings không giấu được tiếng than thầm: “… những hạn chế hiện nay về nguồn văn thư lưu trữ khiến chúng ta không thể tìm hiểu Đà Lạt trong những năm 1964 đến 1975 - những năm từ 1975 đến hiện nay lại càng kém hơn - theo cùng cách thức, hoặc cùng mức độ tỉ mỉ, như thời thuộc địa”. Từ đây, một “khoảng trống thông tin khác” mở ra, chờ những cuộc phiêu lưu, những bước kiếm tìm mới mẻ của những nhà nghiên cứu lịch sử, sau Eric T. Jennings.
LÂM AN