
Từ tháng 10-2005 đến tháng 1-2006, Công ty Yamaha Motor VN phối hợp với hội Liên hiệp Thanh niên VN tổ chức chương trình huấn luyện YSRS (“khoa học lái xe an toàn”) cho sinh viên (SV) 35 trường đại học, cao đẳng ở TPHCM và Hà Nội. Phóng viên Báo SGGP đã trò chuyện với ông Nguyễn Phước Bảo Trí- Trưởng ban An toàn giao thông Yamaha Motor VN về chương trình này.

Chuyên viên Yamaha Motor VN huấn luyện thực hành lái xe an toàn. Ảnh: H.Đ.
- Xin ông cho biết vì sao Yamaha Motor VN tổ chức chương trình YSRS? Ngoài 35 trường nói trên, SV các trường khác muốn tham gia được không?
- Ông Nguyễn Phước Bảo Trí: Đơn giản đó là vì sự an toàn của người tham gia giao thông. Trên toàn cầu, Yamaha cam kết cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt và cạnh đó là sự an toàn. Trước tình hình tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại trực tiếp đến sinh mạng và sức khoẻ con người, Yamaha Motor VN mong muốn được tham gia giáo dục về lái xe an toàn rộng rãi hơn và nhiều hơn so với chương trình dành cho SV lần này.
Hiện nay, SV đến trường bằng xe gắn máy khá nhiều nhưng khi được kiểm tra về kỹ năng an toàn thì họ mắc nhiều lỗi rất cơ bản. Chương trình huấn luyện của chúng tôi nhằm góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho những người trí thức trẻ VN và cho người khác. Tuy vậy, điều đáng nói là ngay với chương trình YSRS của Yamaha, bản thân SV tự nguyện đến học không nhiều mà gần như có sự “bắt buộc” từ Ban giám hiệu (!)...
- Được biết YSRS do các chuyên gia Nhật Bản biên soạn từ tình hình giao thông thực tế ở khu vực Đông Nam Á. Việc ứng dụng từ tình hình chung của khu vực vào riêng VN có phù hợp? Ai đứng ra làm công tác huấn luyện?
- Chương trình YSRS nằm trong kế hoạch xây dựng bảo vệ cộng đồng của Công ty Yamaha Nhật Bản dành cho các nước Đông Nam Á có cùng đặc điểm về việc sử dụng xe gắn máy, được xây dựng dựa theo những tiêu chuẩn cơ bản về lái xe an toàn, khoa học do các chuyên gia Nhật Bản biên soạn đối với người hoàn toàn chưa biết điều khiển xe máy.
Đối với VN, đa số người học đã chạy qua xe gắn máy (và điều đáng nói là… đa số có thói quen sai; chưa có được những nhận định cơ bản về những khả năng xảy ra tai nạn). Do đó nội dung huấn luyện được điều chỉnh lại cho sát với điều kiện thực tế của người điều khiển xe VN nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật. Ghi nhận qua thực tế huấn luyện, các SV cho biết họ cảm thấy dễ hiểu và tiếp thu nhanh.
- Kinh phí 180.000USD dành cho chương trình được dùng vào việc gì?
- Số tiền này bao gồm chi phí tổ chức, làm phim , huấn luyện hướng dẫn viên, trang bị đồ dùng giảng dạy, tài liệu cho SV; chi phí quảng bá cổ động chương trình đối với SV và cộng đồng. Ngoài ra chúng tôi dành 10 học bổng cho mỗi trường nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho những SV tham gia tốt chương trình.
- Chương trình có phải là một trong những phương thức giúp Yamaha Motor VN… tăng doanh số tiêu thụ xe gắn máy?
- Cũng như chương trình “1.500 suất học bổng Mio đưa bạn đến giảng đường” vừa thực hiện, chúng tôi không đặt mục tiêu tăng doanh số thông qua những chương trình hướng đến cộng đồng. Không chỉ nhằm đóng góp một phần vào công tác xã hội, mà qua những chương trình này, chúng tôi còn muốn thể hiện hình ảnh: Yamaha không chỉ là xe máy, mà còn có những hoạt động vì cộng đồng.
TOÀN THI