
Đầu năm nay, khoảng thời gian sau Tết, cả nước phê phán vụ lấy xe công đi lễ chùa. Sự việc đáng bị phê phán chủ yếu ở chỗ lấy tài sản công dùng vào việc riêng, vốn là cái thông bệnh không thể tránh khỏi của tình trạng công - tư không rõ ràng từ “di sản” bao cấp, khiến cho Thủ tướng Chính phủ đang bận trăm công nghìn việc phải mất công ra một chỉ thị để yêu cầu các cơ quan, đơn vị tìm cách chấn chỉnh.

Tuy nhiên, trong một chiều hoàn toàn khác của việc “lấy xe công đi lễ chùa”, có người lại chú ý đến cái vế sau nhiều hơn (vế “đi lễ chùa”). Đại đa số dân chúng vốn vẫn thường đi lễ chùa hoặc lễ nhà thờ như một hành vi tín ngưỡng nói chung hay chỉ để cầu phước nói riêng đều chia sẻ một cách hồn nhiên khi biết việc mấy ông cán bộ (mà lâu nay họ quen nghĩ là những người “vô thần”) nay đã biết (?) hồi hướng tâm đức nghĩ đến trời, Phật.
Hình như riêng khía cạnh này thì dân chúng thấy cán bộ có chức quyền đi xe con cũng có một phần giống mình, khác hẳn với quan niệm cũ trước đây, do sự cách biệt về thu nhập và lối sống, họ coi mấy “ông lớn” là một tầng lớp hoàn toàn khác biệt với đại đa số nhân dân còn đang lao đao, lận đận vì cuộc sống nghèo khổ.
“Cha ăn mặn con khát nước”, nhân dân ta đều tin như vậy ở luật nhân quả, nên phải tu tỉnh bớt, bằng pháp môn gì cũng được, nhưng đi chùa là giản tiện nhất, như một cách vừa đi vãn cảnh, vừa hy vọng tạo dựng được phước đức dành cho mai hậu. Tục ngữ Trung Quốc xưa có câu: “Lúc bình thường chẳng chịu thắp hương, đến lúc gấp mới ôm chân Phật” (bình thời bất thiêu hương, cấp lai bão Phật túc) hoặc như nói: “Hết tiền mới chịu cai rượu, tuổi già đến mới chịu xem kinh” (vô tiền phương đoạn tửu, lâm lão thủy khán kinh), là như thế.
Nói chung, kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu cán bộ làm việc cho nhà nước mà có thêm tâm niệm để đức cho con đều tốt và rất đỡ cho dân.
Nhắc gương xưa, các vua thời Lý, Trần (khoảng 1010 đến 1400), nhờ tín ngưỡng Phật giáo và nếp tu hành mà có được cuộc sống thanh bạch gương mẫu, gây dựng nên một nước Đại Việt hùng cường trong vài thế kỷ. Vua Trần Thái Tông (1225-1258) dám xả bỏ ngai vàng vô núi Yên Tử cầu đạo, khiến quần thần phải táo tác đi kiếm vời ngài hồi cung để trở lại lo việc nước.
Một ông vua như vậy thì cấp dưới sao dám tham quyền cố vị và xa hoa phung phí? Sử sách đến nay vẫn còn lưu lại mấy mẩu chuyện về vua Lý Nhật Tông (1023-1072, một trong những ông vua anh minh và nhân từ đời Lý, mộ đạo Phật), như ngày nọ, khi vua đang xét kiện ở điện Thiên Thành, đứng hầu bên cạnh có công chúa Động Thiên, vua day qua nói với các quan coi ngục: “Ta yêu con ta như những bậc cha mẹ yêu con cái họ. Trăm họ không biết gì nên tự phạm vào hình pháp, lòng ta rất xót thương! Cho nên từ nay về sau, không cứ tội nặng hay nhẹ, đều phải nhất luật khoan giảm” (xem Thơ văn Lý Trần tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 263).
Đây chỉ là một vài trong muôn vàn thí dụ nói lên tác dụng tích cực của việc tu tâm dưỡng tính và của lòng từ bi bác ái đối với sự hình thành tính cách, nhân cách, không loại trừ áp dụng vào phạm vi quản lý, trị nước, phát triển nền kinh tế quốc gia trên cái nền vững chắc của những tư tưởng thâm sâu, lành mạnh mà một số tôn giáo có thể đóng góp vào, bên cạnh cái dĩ nhiên cũng cần được trang bị là kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhất là phép tư duy biện chứng của Các Mác.
Những mẩu chuyện như vừa kể trên về gương tốt của các bậc tiền hiền, rất đáng đưa vào sách giáo khoa cho trẻ học, như trước đây loại sách “Quốc văn giáo khoa thư” cũ đã từng làm. Nhân dịp năm hết, Tết đến nhắc lại há chẳng thừa!
TRẦN VĂN CHÁNH