
Đó là đầu năm 2004, tôi chở ba tôi từ thành phố Qui Nhơn về quê nhà huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) để thăm ông bà nội. Đoạn đường 50km làm tôi tự tin vào tay lái của mình cũng như sức trẻ đang lên khi không cần đội mũ bảo hiểm, mà chỉ ba tôi ngồi sau đội thôi, mặc dù trước đó má tôi bảo: “Đội mũ bảo hiểm đi cho an toàn, con!”, nhưng tôi vốn cứng đầu nên đâu có nghe.

Đội mũ bảo hiểm để tránh cho mình bị chấn thương sọ não khi chẳng may tai nạn giao thông xảy ra.
Trời đã tối, ra khỏi trung tâm thành phố tôi siết ga cho chiếc Spacy Nhật giữ nguyên với vận tốc 70 - 80 km/ giờ. Ba tôi ngồi sau ôm tôi thật chặt và quát lên: “Đi chậm lại, con muốn chết à!”.
Phần vì nôn nóng gặp ông bà nội sau nhiều ngày xa cách (do công việc của tôi là làm báo ở tận TPHCM) phần vì muốn về nhà nội nhanh để kịp xem trận bóng đá ngoại hạng Anh nên tôi vẫn tiếp tục cho xe chạy thật nhanh như vậy.
Về khuya trời lạnh, một vật nhỏ chui tọt vào mắt làm tôi phải dừng xe lại. Lúc này, ba tôi bắt buộc tôi đội mũ bảo hiểm vào vì trời lạnh cần phải giữ cho đầu ấm. Lòng không muốn nhưng thương ba nên tôi làm theo lời ba nói.
Ra tới thị trấn Phù Cát, trời tối om, hai bên đường chỉ thấy những ngọn đèn dầu tối thui, hiu hắt. Trời vừa mưa xong thì phải, chỉ thấy toàn nước lênh láng trôi qua đường. Bỗng “uỵch, uỵch, uỵch…”, chiếc xe của hai cha con tôi rớt vào một ổ voi ngay trên quốc lộ. Tay lái của xe rung lên, chiếc xe lọt vào “trận địa” rồi chồm lên như một con ngựa chứng bất kham. Tôi không còn giữ được tay lái nữa rồi… người và xe đổ kềnh giữa đường. Ba tôi thì bị lọt ngay giữa ổ voi trên đường.
Chưa kịp hoảng hồn vì chuyện gì xảy ra sau khi chỉ thấy mặt đất như quay cuồng, tôi nghe thấy tiếng í ới gọi nhau của bà con hai bên đường bảo nhau ra giúp người lâm nạn là cha con tôi. Người thì dựng lại xe đã trầy xước, đèn xe vỡ toang, người thì lo dìu hai cha con tôi đứng dậy. Ba tôi ngồi dậy được với cánh tay trái bị trật gân, máu chảy bê bết, gương mặt tái mét còn tôi thì quần áo rách tả tơi, tay chân trầy sước nhưng có thể đi lại được ngay. Bà con thoa dầu cho ba tôi trong tiếng cảm ơn rối rít của tôi. Một người bảo: “Ở đây đã có mấy người chết vì tai nạn kiểu này đó. May cho hai người là có mũ bảo hiểm nên không hề hấn gì”.
Dưới trời mưa tầm tã, tôi đưa ba tôi vào bệnh viện huyện Phù Cát để băng bó vết thương ở tay. Ông không nhăn nhó vì đau rát, chỉ ân cần nói với tôi đúng một câu: “Lần sau, đi đường nếu không quan sát tốt hay đi đoạn đường chưa quen thì nên đi chậm lại. Con thấy không, nếu lúc nãy không có mũ bảo hiểm thì chắc… Tính con là nông nổi thế đấy!”. Tôi xấu hổ và ân hận về lỗi lầm của mình, lầm lũi chở ba đi băng vết thương trông trắng toát đến lạnh cả người trong đêm vắng.
Tối ấy, tôi không sao ngủ được vì vết trầy xước của mình rát quá và vì thương ba bội phần. Tối nay ba sẽ nằm sao đây khi một tay bó bột mất rồi. Về Qui Nhơn, ba tôi phải mất 15 ngày mới tháo băng được.
Sau đêm ấy cộng với việc phải chứng kiến chú Tuấn ở gần nhà đi đường do không mang theo mũ bảo hiểm nên bị té chấn thương sọ não phải nằm vật vã một chỗ, tôi cẩn thận hơn khi ra đường. Với tôi, chiếc mũ bảo hiểm vốn nặng nề ngày nào thì giờ đây đã có mặt với tôi trên từng cây số. Nó không những bảo đảm an toàn cho tôi mà còn che nắng, che mưa cực tốt.
Tôi nghĩ không chỉ đối với riêng tôi, là một nhà báo phải đi nhiều nơi thì bên cạnh chiếc mũ tai bèo vành rộng khi tác nghiệp tại chỗ, chiếc mũ bảo hiểm phải luôn đi cùng. Không đi đường thì tôi có thể treo nó ở ba ga xe máy phía trước, vừa thuận lợi vừa an toàn.
Đội mũ bảo hiểm không phải nặng nề như mọi người nghĩ mà sẽ quen thôi qua vài lần, nhất là mỗi người nên ý thức đội mũ là để tự bảo vệ tính mạng cho chính mình, chứ không phải là đối phó.
Nếu ai cũng ý thức như vậy thì làm gì có chuyện một ngày chúng ta có 30 người chết và bị thương, tàn tật trên cả nước. Tôi xin cảm ơn những ai đã phát minh mũ bảo hiểm để cứu tôi thoát chết trong một đêm mưa gió bão bùng và cảnh tỉnh cho tôi biết.
Phạm An Hòa
(Phóng viên Báo Mực Tím TPHCM)