Xung quanh ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương

Một lăng mộ đối chứng

Dư luận đang xôn xao về ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10). Niên đại của ngôi mộ này là một dấu hỏi lớn. Trên thực tế hợp chất xây dựng ngôi mộ này rất giống một ngôi mộ xây năm 1825. Đó là khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, hiện đang tọa lạc, chen chúc cùng hàng trăm ngôi nhà thuộc khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Người dân địa phương quen gọi đây là xóm Gò Lăng.
Một lăng mộ đối chứng

Dư luận đang xôn xao về ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10). Niên đại của ngôi mộ này là một dấu hỏi lớn. Trên thực tế hợp chất xây dựng ngôi mộ này rất giống một ngôi mộ xây năm 1825. Đó là khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, hiện đang tọa lạc, chen chúc cùng hàng trăm ngôi nhà thuộc khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Người dân địa phương quen gọi đây là xóm Gò Lăng.

  • Sống cùng lăng mộ

Theo lời bà Dương Thị Năm, chủ ngôi nhà đang sống cùng 3 ngôi mộ trong quần thể lăng, cha bà là ông Dương Văn Phát (mất năm 1997, thọ 85 tuổi) đã kể lại rằng: gia đình ông nội bà về sống ở đây từ những năm đầu thế kỷ 20, khi ấy đã có rải rác vài ngôi nhà trong quần thể lăng. Vào lúc đó, chỉ có các phần mộ mới được xây dựng ở những nơi cao ráo, còn những ai mới đến muốn cất nhà phải đổ thật nhiều đất đá mới dựng được nền, bởi khi ấy vùng đất bao quanh khu lăng mộ là những đầm lầy và rừng sậy.

Một lăng mộ đối chứng ảnh 1
Phần mộ của Đức ông Trịnh Hoài Đức và phu nhân được sửa sang, bảo vệ khi được công nhận là di tích Văn hóa – lịch sử.

Quần thể mộ hiện có được tính ra 12 mộ tất cả, trừ phần mộ Đức ông Trịnh Hoài Đức (THĐ) và phu nhân được khoanh vùng riêng (và chỉ có 2 phần mộ này được tỉnh đề nghị và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích Văn hóa - lịch sử quốc gia vào năm 1998, tức vào dịp Biên Hòa - Đồng Nai kỷ niệm tròn 300 năm tuổi), các phần mộ còn lại đều nằm chen trong các khu dân cư với những tình trạng khác nhau.

Bên cạnh 3 ngôi mộ cổ đã bị biến thành nơi phơi quần áo, dựng chuồng gà, treo lồng chim... của nhà bà Dương Thị Năm là hai ngôi mộ cổ khác cũng bị biến thành nơi trưng bày hoa kiểng của nhà ông Huỳnh Văn Minh.

Cách vài nhà nữa là nhà bà Lâm Thị Năm có hai ngôi mộ được dùng để... chất củi lên phơi. Bà Năm quả quyết rằng, đây là mộ của con trai và con dâu Đức ông (có một “ông thầy Tàu” nào đó đã đọc hộ bà những dòng chữ khắc trên bia).

Đối diện nhà bà Lâm Thị Năm là ngôi mộ nằm ven đường, phía trên có tre tỏa bóng mát nên được thanh thiếu niên trong làng “trưng dụng” làm nơi đánh cờ, “chặt hẻo”. Và còn rải rác các mộ nằm ở ngã ba, ngã tư trong làng, đều chung số phận được dùng làm sân phơi. Đấy là chưa kể một số mả ngựa hộ vệ tả hữu phần mộ Đức ông và phu nhân bị các hộ dân san bằng để cất nhà.

Dạo trước Tết Giáp Thân (2004), khi thành phố Biên Hòa thực hiện giải tỏa để xây dựng công viên Biên Hùng mở rộng, một mộ yểm nằm trong khuôn viên lăng mộ THĐ đã được phát hiện. Trong mộ yểm chỉ có những di vật dùng để trù yểm như vài sợi tóc, hai vòng tròn bạc, vài sợi chỉ được kết xuyên qua 5 lỗ nhỏ của 2 vòng tròn bạc... Theo quan niệm xưa, đây là những vật dùng để thu khí, thu hồn của những người dám động đến mồ mả mà mộ yểm được chỉ định chôn theo.

Nhân phát hiện này, ông Đỗ Đình Truật, chuyên viên ngành khảo cổ của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học TPHCM, đã lưu ý thêm, năm 1986 cũng đã phát hiện một ngôi mộ yểm tương tự nằm ở vị trí Đông-Bắc mộ chính (bị người dân phá đi để xây dựng nhà). Như vậy, trong quần thể lăng mộ THĐ có thể còn 2 ngôi mộ yểm tương tự theo phép tự yểm của người xưa (thường là 4 mộ).

  • Trả lại một di tích nguyên lành, trọn vẹn
Một lăng mộ đối chứng ảnh 2
Một ngôi mộ nằm ven đường, trong quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức, bị lấp đầy đất đá và kẽm gai.

Theo tài liệu Di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân THĐ của Bảo tàng Đồng Nai, quần thể lăng mộ THĐ được bắt đầu xây dựng từ năm 1825 (năm Đức ông THĐ mất). Toàn bộ khu lăng mộ họ Trịnh nằm trên phần đất rộng 3 ha.

Theo phép phong thủy, khu lăng mộ này được chọn đặt tại nơi “tàng phong ẩn khí” (nơi gió quần mây tụ), đầu gối thiên sơn (quay về núi, gò cao), chân đạp vạn thủy (hồ nước, đầm hoặc sông, biển). Đây là nơi kết nối khí âm, khí dương, tương ngộ, tương phát, tương hòa.

Sông Đồng Nai đã tạo ra một địa cuộc phong thủy tuyệt vời tại nơi đây, nó không những thu được thiên khí của núi non trong vùng mà còn chuyển giao thủy khí cho Linh thủy hồ (hồ ở công viên Biên Hùng ngày nay).

Trước khi từ giã vùng này, sông còn vòng một vòng quanh Cù lao phố rồi mới đổ về Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Ngoài phần mộ của Đức ông THĐ và phu nhân, còn lại là phần mộ của con cháu, cận thần, mộ ngựa, mộ yểm... Các bia đá được dựng quay về hướng Tây-Nam, trên có khắc chữ Hán (tuy đã mờ nhưng hầu hết vẫn còn đọc được).

Hầu như các mộ đều được xây theo kiểu kiến trúc giống hình voi phục, mặt bằng là một khối hình chữ nhật. Trong toàn bộ khu mộ họ Trịnh, mộ Đức ông THĐ nổi bật hơn hẳn bởi tầm vóc và kiến trúc.

Khu lăng mộ THĐ xứng đáng là Khu di tích Văn hóa - lịch sử quốc gia không chỉ do qui mô các mối quan hệ, bề dày thời gian mà còn có một yếu tố quyết định quan trọng: đó là tài đức vẹn toàn của Đức ông THĐ lúc sinh thời. Vào những dịp cúng rằm - Tết, người dân xóm Gò Lăng thường mang nhang đèn, hoa quả đến viếng mộ Đức ông bởi “Đức ông là một ông quan liêm khiết, thương dân, làm quan lớn đến 40 năm mà vẫn không có nhà ở”.

Trịnh Hoài Đức không những là nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ mà còn là một sử gia nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ 18. Sự nghiệp văn chương của ông đã đóng góp nhiều tài liệu quý giá vào kho tàng văn hóa và sử học nước nhà. Cấn trai thi tập và Gia Định thành thông chí của ông được xem là sử liệu hàng đầu cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý của Nam kỳ.

Ông đã cùng với bạn đồng môn Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh làm nên một “Gia Định tam gia thi” sáng giá, một “Bình Dương thi xã” khẳng định thêm bước phát triển của nền văn hóa Hán - Nôm ở vùng đất Nam bộ vào thế kỷ 18...

Từng đi Đông, đi Tây với các chức vụ quan trọng như Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Binh, Chánh sứ dẫn đầu phái đoàn đi sứ nhà Thanh, Phó tổng Quốc tử giám, Hiệp biện đại học sĩ... nhưng Đức ông THĐ vẫn một lòng hướng về quê mẹ, thôn Bình Trúc, dinh Trấn Biên (nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Thể theo nguyện vọng của ông trước khi mất, linh cữu của ông đã được đưa an táng tại dinh Trấn Biên. Hôm đưa đám ông, vua sai các vị đại thần thay mạng mình tế một tuần rượu, có 400 quần thần đi hộ tống, phái hoàng thân Miên Hoằng đại diện vua đưa đi để ban lễ vật cho gia quyến và đọc điếu văn...

Khu lăng mộ của một bậc đại công thần cùng gia đình và những cận thần của 2 triều vua liên tiếp nhau với nhiều đóng góp đã được công nhận không thể bị biến mất dần đi trong cảnh đất chật - người đông giữa thành phố Biên Hòa. Nhận định này có lẽ không mới, trước đây, nhiều người cũng đã bức bối lên tiếng nhằm mong được các cơ quan chức năng và các cấp thẩm quyền quan tâm đến việc khôi phục lại khu lăng mộ.

Nhưng mọi thứ vẫn cứ rơi vào im lặng. Cho đến khi chỉ có ngôi mộ của Đức ông THĐ và phu nhân được công nhận là di tích Văn hóa - lịch sử quốc gia thì người viết bài này thấy rằng, vấn đề cần được đặt ra một cách rốt ráo hơn, khoa học hơn, thuyết phục hơn... cho cả khu lăng mộ.

Vào dịp cuối năm 2003, nhân kỷ niệm thành phố Biên Hòa được công nhận đô thị loại 2 được 10 năm, vấn đề khôi phục khu lăng mộ Đức ông THĐ cũng đã được đặt ra.

Hơn 700 hộ và 18 ha đất trên địa bàn phường Trung Dũng sẽ được giải tỏa trắng để phục vụ cho việc xây dựng công viên Biên Hùng và khu lăng mộ Đức ông THĐ. Việc giải tỏa bước đầu để xây dựng công viên Biên Hùng đã được tiến hành. Hy vọng chuyện khôi phục lại khu lăng mộ cũng sẽ được nhanh chóng thực hiện.
 

THU TRÂN

Tin cùng chuyên mục