Pháp

Một ngày dành cho “Pháp kiều”

Một ngày dành cho “Pháp kiều”

Không chỉ các nước đang phát triển mới phải đối diện với hiện tượng được gọi là “chảy máu chất xám”. Không chỉ những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... mới đang tìm cách kêu gọi tinh hoa trí thức của mình ở nước ngoài trở về nước làm việc. Ngay cả nước Pháp cũng đang đứng trước tình thế nan giải này: trong số 2,2 triệu người Pháp ở nước ngoài hiện nay, hơn 1 triệu là những người trẻ tuổi (dưới 35 tuổi). Lần đầu tiên, Thượng nghị viện Pháp tổ chức một ngày dành riêng cho những người Pháp đang sinh sống ở nước ngoài (La journée des francais de l’étranger), ngày 4-3-2006, với chủ đề “Một cơ may của nước Pháp” (Une chance pour la France)...

  • Những lý do
Một ngày dành cho “Pháp kiều” ảnh 1

London - Anh quốc (trong ảnh là quảng trường Trafalgar) nơi người Pháp thích sang lập nghiệp. Ảnh: Q.K.

Mặt sau tấm danh thiếp (carte de visite) in bằng tiếng Nhật của Philippe người ta có thể đọc được dòng chữ “Tổng Giám đốc Bộ phận Nghệ thuật trang trí bàn”. Philippe nói: “Ở Pháp, chức Tổng Giám đốc một ngành quan trọng như thế này thường chỉ có thể đạt được ở độ tuổi 60; một cơ hội nghề nghiệp không dễ gì có được”. Ra trường năm 1996, Philippe bị châu Á hấp dẫn, anh theo học các lớp tiếng Nhật, đến nước này thực tập, rồi làm việc cho chi nhánh Tokyo của Hãng mỹ phẩm L’Oréal. Anh đã ở lại đây 4 năm, kết hôn với một cô gái Nhật. Trở lại Pháp, làm việc cho những hãng nổi tiếng, cho đến khi công ty anh đang làm việc đề nghị anh trở lại Tokyo phụ trách chi nhánh của họ...

Với tấm bằng Sinh học tế bào trong tay, Edouard trở về Pháp đầu năm 2005 sau một thời gian làm việc ở Phần Lan. Đương nhiên, anh tìm một công việc phù hợp trong một phòng thí nghiệm dược học. Suốt 8 tháng, cơ quan giới thiệu việc làm chỉ giới thiệu được cho anh một chỗ của trợ lý marketing ngành nước uống. Nhận thấy thời hạn đã quá dài, các khoản nợ vay mượn khi đi học đã đến lúc phải trả, Edouard quyết định sang Anh tìm việc. Một tuần lễ, sau vài cú điện thoại, Edouard đã được nhận vào làm việc tại một công ty ở Liverpool.

Matthieu là luật sư, anh làm việc tại Thượng Hải được gần một năm. Đã đến lúc nhìn lại, làm một bản tổng kết nho nhỏ. Matthieu cho biết kết quả rất khả quan: “Tôi có nhiều trách nhiệm hơn, khả năng thăng tiến cũng nhanh hơn, còn lương thì cao gần gấp 3 lần so với khi ở Pháp”. Anh nói chân tình: “Phải dám có cú nhảy táo bạo; sau hai năm ở nước ngoài, thật khó mà quay trở về lại nước Pháp; sau ba năm thì điều này gần như không thể”...

  • Những con số

Một triệu người trẻ tuổi rời Pháp ra nước ngoài làm việc, có người nhìn nhận sự việc này như một mất mát của đất nước, số khác thì lại cho đây là điều may mắn. Theo một thống kê của tổ chức Taylor Nelson Sofres (TNS) vào tháng 4-2005, cứ trong hai người Pháp lập nghiệp ở nước ngoài thì có một người chỉ có ý định trở về cố hương khi đến tuổi hưu trí hoặc không bao giờ. Từ năm 2000, một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Thượng nghị viện đã cho thấy nước Pháp đang bị mất đi những lãnh đạo xí nghiệp trẻ tài năng.

Năm ngoái, Ủy ban Kinh tế và Xã hội thừa nhận: Việc chất xám của các nước Tây Âu chảy sang Mỹ là một sự thực, và ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt ở Đức, trong số 11.000 tiến sĩ được đào tạo ở các trường đại học Đức năm học 1998-1999, hơn 10% đi làm thực tập hậu tiến sĩ ở Mỹ. Có nhiều lý do giải thích sự ra đi: hiểu biết thêm một nền văn hóa mới, điều kiện làm việc và sinh sống tốt hơn, lương cao hơn, cơ hội nghề nghiệp lớn hơn...

Tất nhiên, không phải ai cũng chọn nước Mỹ làm điểm đến. Cũng theo thống kê của TNS, 51% người Pháp xuất ngoại đã chọn các nước châu Âu thuộc EU, chỉ có 5% đi Bắc Mỹ, 15% đi Nam Mỹ, 7% đi Trung Đông, 2% đi Bắc Á và 2% đi Đông Nam Á. Khoảng 15% số sinh viên vừa tốt nghiệp trường ESSEC (Đại học Thương mại Pháp) danh giá đi nước ngoài ngay, trong số đó 67% đi Anh, chỉ 17% đi Mỹ. Trong thời gian từ 1995-2005, số sinh viên và cán bộ đại học nước ngoài tới làm việc ở Anh đã tăng 36%, từ 165.000 lên 225.000 người.

Một điều dễ hiểu là sự “chảy máu năng lực” của quốc gia bắt đầu từ việc “chảy máu” các nhà nghiên cứu. Ở Pháp, theo Viện nghiên cứu Dân số quốc gia, từ 2005 tới 2014, khoảng 46% những người khởi đầu có khuynh hướng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, sẽ đi ra nước ngoài, dù hiện tượng này trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có đỡ hơn.
 
Ngày càng có nhiều nước muốn thu hút các nhà chuyên môn tầm cỡ đến nước mình. Mỹ không phải là quốc gia duy nhất. Ở Úc, các trường đại học cũng bắt đầu áp dụng nhiều chính sách hấp dẫn, “quốc tế hóa” còn hơn cả châu Âu. Ở Đức, những quy định chặt chẽ đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài dần được nới lỏng, thậm chí những người mới tốt nghiệp cao học còn được phép làm việc tại chỗ thêm một năm nữa.

Cùng với việc tổ chức Ngày dành cho người Pháp ở nước ngoài lần thứ nhất, để cùng tìm hiểu về ảnh hưởng của người Pháp và người Pháp ở nước ngoài về đời sống và sự thành công của họ, chia sẻ kinh nghiệm với những người có ý định ra nước ngoài làm việc, học tập..., thông cáo của Thượng nghị viện Pháp còn nhấn mạnh: Nước Pháp hiện đang đón tiếp 9% tổng số sinh viên các nước đang học tập ở nước ngoài, ít hơn so với Mỹ (30%), và sau Anh (14%)...

NGUYỄN QUỐC
(Theo Le Figaro 2-2006)

Tin cùng chuyên mục