Kỷ niệm 115 ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 _ 19-5-2005)

Một người bán cháo 27 năm tìm tư liệu Bác Hồ

Một người bán cháo 27 năm tìm tư liệu Bác Hồ

Ở ấp vùng sâu heo hút Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng có một người đàn ông tên Nguyễn Văn Nhung đã dành hàng chục năm âm thầm lập “thư viện mi ni” với hàng trăm tranh ảnh và hàng ngàn bài báo về Bác Hồ. Ai cũng bảo rằng ông Nhung làm nên “kỳ tích” có một không hai ở ĐBSCL.

27 năm sưu tầm tư liệu

Một người bán cháo 27 năm tìm tư liệu Bác Hồ ảnh 1

Ông Nhung bên “thư viện” Bác Hồ của mình.    Ảnh: H.P.L.

Thoạt đầu, chúng tôi cứ ngỡ ông Nhung là cán bộ của ngành văn hóa thông tin, hay là giáo viên hoặc một người về hưu đã thảnh thơi công việc. Nhưng khi đến nơi thì không phải. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông nghèo, 47 tuổi, hàng ngày chạy gạo toát mồ hôi.

Căn nhà ông Nhung nằm cạnh sông Cầu Lộ, chỉ rộng vài chục mét vuông. Tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài 2 cái giường cũ kỹ làm bằng gỗ tạp. Chật hẹp là vậy, đơn sơ là vậy, thế nhưng ông Nhung dành hẳn 1/2 căn nhà để làm “thư viện” Bác Hồ.

Tranh ảnh treo khắp nhà trước; cạnh đó là hàng chục chồng báo cũ dựng cao khỏi đầu người. Tất cả đều là những bài báo viết về cuộc đời hoạt động cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống của Bác Hồ. Lấy ra một chồng báo với các tờ như Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Lao Động, Quân Đội Nhân Dân, An Ninh Thế Giới, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Sóc Trăng, Cần Thơ… ông bảo, đây là những tư liệu quý viết về Bác Hồ.

Có những bài báo được xuất bản cách nay hàng chục năm như: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi”; “Những năm tháng chiến tranh, thi hài Bác được giữ thế nào”… đến các bức ảnh Bác Hồ theo dõi mặt trận biên giới năm 1950; Bác làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951; Bác sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp năm 1954; vui chơi với thiếu nhi năm 1955; tưới cây vú sữa miền Nam; tát nước ở Hà Tây năm 1958; thăm đồng bào dân tộc Tây Bắc năm 1959; dự Đại hội đại biểu Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần 3-1960; thăm đồng bào Hà Giang năm 1961…

Thật khó mà tin được một nông dân sống nhờ gánh cháo ở vùng nông thôn hẻo lánh lại có được những tư liệu và hình ảnh về Bác Hồ nhiều đến thế.

Chúng tôi thắc mắc: Hiện nay cả xã Thới An Hội vẫn chẳng có nơi nào bán sách báo thì những tư liệu ra đời cách nay mấy chục năm, biết tìm đâu ra? Ông Nhung giải thích: “Thật sự, ở đây muốn tìm sách báo khó khăn vô cùng, do đó phải kiên nhẫn, chịu khó, đam mê và vận dụng nhiều phương pháp khác nhau”.

Lúc đầu, ông đạp xe ra huyện rồi lên tỉnh tìm đến ngành văn hóa thông tin, báo, đài tỉnh… hỏi “ xin” báo cũ; kế đến lân la vào UBND xã, trường học, bưu điện… cơ quan nào có đặt báo là ông có mặt. Ban đầu chẳng ai biết ông xin báo để làm gì nên chẳng ai cho, thậm chí có người nghĩ ông đi gom báo để bán kiếm tiền.

Không tự ái, vài ngày sau ông quay trở lại lựa lúc thuận lợi giải thích cho họ hiểu việc xin báo để tìm tư liệu Bác Hồ; lúc này họ mới chịu cho. Mỗi chuyến đi như vậy, ông mang cả đống báo cũ về nhà, suốt ngày lựa ra tờ nào có bài viết về Bác thì cẩn thận cất vào thư viện riêng của mình.

Lâu lâu dành dụm ít tiền, ông nhảy xuống tàu đò ra thị xã Sóc Trăng hỏi mua “báo ký”; nhiều chuyến chở mấy bao về tìm mãi chẳng thấy nội dung cần tìm. Ông thở dài buồn bã, rồi lại tiếp tục đi tìm…

Có hôm đạp xe giữa nắng trưa mệt lả người, ghé vào quán cà phê ven đường, ông liếc thấy một người khách đọc báo có bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông liền bước qua làm quen và xin luôn tờ báo. Lần khác, tình cờ ghé đến chơi nhà bạn ở Kế Sách, nhìn thấy ảnh Bác Hồ, ông nài nỉ đến khi xin được mới thôi.

Trường hợp không xin được ảnh thì ông hỏi mượn mang đi mướn họa sĩ vẽ lại, rồi kiếm gỗ đóng thành khung. Đặc biệt mỗi khi đến ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, đại hội Đảng, bầu cử, lễ lớn… là ông “mở đợt” sưu tầm tư liệu về Bác từ xã cho đến tỉnh.

Cách đây vài năm, Sở VH-TT tỉnh đưa xuống xã một số hình ảnh triển lãm. Một cán bộ trong đoàn nghe nói ông đam mê tư liệu Bác Hồ bèn thử ông bằng cách “nhìn ảnh nói nội dung”. Ông Nhung đáp một loạt những tấm ảnh chụp về Bác tại đâu, năm nào, làm gì… không hề sai lệch.

Chưa hết, ông còn đọc bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu cho nhiều người nghe: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa…”.

Bất ngờ trước sự hiểu biết của ông về Bác, sau đợt triển lãm ấy, đoàn đã tặng cho ông nguyên bộ ảnh. Ông mừng như nhặt được vàng vội vã mang về cất trang trọng nơi nhà trước. Ròng rã 27 năm tìm kiếm, ông Nhung có được gần 800 tranh ảnh và hàng ngàn bài báo viết về Bác Hồ với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nghèo cạp đất ăn - chớ vàng không đổi!

Có thể nói, tư liệu về Bác ở các thư viện hay bảo tàng cấp tỉnh, thành phố lớn rất nhiều. Tuy nhiên, ở ấp vùng sâu thiếu thốn sách báo như Ninh Thới thì việc sưu tầm cả “thư viện mi ni” hình ảnh, bài viết phong phú, đa dạng về Bác quả là không phải ai cũng làm được.

Ông Nhung cho biết: “Năm 11 tuổi, có lần tôi sang chơi nhà ngoại, thấy bà ngồi nhìn vào ảnh ôm mặt khóc và nói: “Bác đã đi xa rồi…”. Đến sau ngày 30-4-1975, khi bộ đội về làng, tôi đến thăm và tình cờ thấy được tấm ảnh năm xưa, lúc này tôi mới biết đó là ảnh Bác Hồ; rồi được nghe các anh bộ đội kể chuyện về Bác đi tìm đường cứu nước… Từ đó, hình ảnh Bác Hồ kính yêu ăn sâu vào tâm trí của tôi với sự ngưỡng mộ và tôn kính. Năm 1978, tôi bắt đầu đi tìm tư liệu Bác Hồ cho đến nay”.

Điều đặc biệt ở ông Nhung là gia đình thuộc diện nghèo ở địa phương, con đông nhưng không đất đai, không nghề nghiệp. Mấy chục năm nay, 7 miệng ăn sống nhờ quán cháo nhỏ ven đường. Hồi trước khi còn chợ cũ buôn bán cũng được, nhưng khi dời qua chợ mới, ông không tiền thuê mặt tiền nên buôn bán ế ẩm.

Có lúc ông phải xin UBND xã cho che liều ra bờ kè bán cháo kiếm sống. Cuối năm 2004, khu bờ kè bị giải tỏa, ông phải đi thuê căn nhà nhỏ để bán đắp đổi qua ngày. Anh Nguyễn Văn Xem, Phó Chủ tịch UBND xã Thới An Hội ghi nhận: “Dù nghèo, nhưng ông Nhung rất chịu khó nghiên cứu, đi tìm tư liệu Bác Hồ. Kiến thức của ông về Bác nhiều hơn một số cán bộ tại đây. Những tài sản quý của ông góp phần không nhỏ làm phong phú đời sống tinh thần ở vùng nông thôn Thới An Hội”.

Căn nhà dột nát, trống trước trống sau, nên ông Nhung đang phải lo lắng khi mùa mưa đến, không khéo sẽ ướt hết những tư liệu quý. Hiện tại, ông bảo quản bằng cách chất cao lên và đậy ni-lông lại, hàng ngày lau bụi; khi đến đêm ông phải dậy vài lần dùng cây đập xung quanh tạo tiếng động đề phòng chuột vào cắn phá. Khoảng 1 tháng ông lại lấy ra kiểm tra mối mọt, gián… công việc hết sức vất vả, bởi tư liệu về Bác càng ngày nhiều thêm.

Được hỏi: “Sao không mua một cái tủ, giữ gìn theo thứ tự sẽ dễ hơn?”, ông buồn buồn lặng thinh không nói. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Xem kể: “Ông Nhung mơ ước có tủ lâu rồi nhưng nghèo không mua nổi. Gần 2 năm nay, xã chạy lo nhà tình nghĩa cho ông Nhung nhưng vẫn chưa có nguồn…”.

Cách nay không lâu, thấy ông nghèo, có người hỏi mua lại một số tài liệu quý nhưng ông phản ứng kịch liệt “nghèo ăn đất” chớ không bán bất cứ thứ gì trong “thư viện”. Tất cả là tài sản vô giá, tuy nhiên khi cần thiết ông sẵn sàng phục vụ vì lợi ích cộng đồng.

Đưa chúng tôi xem lá cờ đỏ mang biểu tượng của đất nước, phía dưới có tên Người, ông khoe rằng đã dành dụm ít tiền mướn đánh vi tính, làm cờ… chuẩn bị kỷ niệm 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nào ông cũng nhớ về Bác như vậy…
Quả là một tấm lòng đáng quý, mong sao những tổ chức xa gần quan tâm giúp ông làm lại căn nhà nhằm có nơi bảo quản lâu dài những tư liệu về Bác.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục