“Người ăn gió”

Một phát hiện thú vị

Một phát hiện thú vị

Lâu nay, độc giả quen thuộc với Nhật Chiêu trong vai trò nhà biên khảo, nhà giáo và một dịch giả uy tín, đặc biệt ở mảng văn học Nhật Bản với các tuyệt tác được ông chuyển ngữ. Thật bất ngờ, tác phẩm mới nhất của ông lại là một tập truyện ngắn: Người ăn gió và Quả chuông bay đi (NXB Hội Nhà văn & Đông A xuất bản) - đã và đang gây xôn xao văn đàn, “là một trong những phát hiện thú vị của văn xuôi gần đây” - như nhận định của nhà văn Hồ Anh Thái. Có lẽ vì vậy mà gần đây, bạn bè, thân hữu và các học trò gọi Nhật Chiêu bằng biệt danh “Người ăn gió”.

Tại Bàn tròn Văn chương lần thứ 6, tổ chức tại Hội Nhà văn TPHCM ngày 7-4-2007 vừa qua, đông đảo độc giả đã đến tham dự với rất nhiều chiều ý kiến, chủ yếu xoay quanh tác phẩm mới nhất của “Người ăn gió”.

* Nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara:
“Người ăn gió và Quả chuông bay đi” mang đậm chất thiền, kết hợp thủ pháp hậu hiện đại, mở ra rất nhiều biên độ xúc cảm và nhiều tầng ý nghĩa, dựa trên nhiều nền tảng triết lý Đông-Tây-kim-cổ, những đúc kết vững chãi của một nhà nghiên cứu, một dịch giả.

* Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Thoáng đọc lướt qua tôi hơi ngạc nhiên, lo lắng không khéo Nhật Chiêu thể nghiệm quá đà. May sao chất thực và ảo quyện chặt vào nhau, bồng bềnh, khiến xem xong ngây ngất, mê đắm.

Cuối cùng đọc kỹ từng mạch truyện, hơi văn vẫn rặt ròng màu sắc Việt, cho dù thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đâu đó cách dựng truyện của Borges, của Kawabata kết hợp với lối kể chuyện cổ Việt Nam và Nhật Bản, nhưng được cách tân, nâng lên tầng sâu hơn, để bạn đọc tự mình rút ra điều gì đó khi rời trang sách.

* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Truyện ngắn của Nhật Chiêu rất thích hợp với cuộc sống hiện đại bởi kết cấu ngắn, gọn, có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Ông đã nắm bắt và thể hiện tài tình những khoảnh khắc xuất thần của đời sống bằng lối viết hiện thực huyền ảo, kết hợp giữa Đông và Tây.

* Nhà thơ Vũ Trọng Quang: Tôi e rằng yếu tố ảo trong truyện ngắn của Nhật Chiêu nhiều quá, có thể lấn át và che lấp cái thực.

* Dịch giả Nguyễn Tiến Văn: Do không đặt nặng yếu tố thực tại nên truyện ngắn Nhật Chiêu có thể xếp vào thời kỳ nào cũng được. Ở một số truyện, tác giả như lạc vào cõi “du hí thần thông” (hóa nhi) của triết học Ấn Độ. Bản thân tôi đánh giá đây là một bứt phá rất lớn trong thể loại truyện ngắn VN thời gian gần đây tuy có vài chỗ có cảm giác tác giả phóng bút hơi cẩu thả.

* Nhà báo Nguyễn Chương: Có cảm tưởng Nhật Chiêu viết rất thật thà nhưng theo tôi đây là cái thật thà thâm hậu.

* Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: Tập truyện rất ấn tượng, cho thấy nội lực thực sự của tác giả. Hiện thực huyền ảo đan xen với mơ mộng, vừa nhẹ tênh như cõi mộng, vừa nặng trĩu ưu tư, vừa phóng khoáng lại vừa chăm chút…

* Nhà văn Bích Ngân, PGĐ NXB Văn Nghệ: Những tác phẩm thực sự luôn lôi cuốn người đọc. Tôi đã đọc truyện ngắn Nhật Chiêu một cách nhấm nháp, say sưa, và cứ luôn sợ nó… hết. Nhật Chiêu là một người mơ mộng, cả tập truyện là một chuỗi giấc mơ nhưng là những giấc mơ hết sức chỉn chu.

* Phương Thảo, học sinh lớp 11, Trường Phổ thông Năng khiếu: Người lớn vẫn cho rằng chúng tôi chỉ biết chat chít, chơi game và đọc truyện tranh chứ không đọc sách, không quan tâm tới văn học.

Thực tế thì chúng tôi không chỉ đọc hầu hết các tác phẩm văn học thế giới mà còn quan tâm đến văn học trong nước. Chúng tôi có các website để bàn luận về văn chương; và dầu mới xuất hiện trên văn đàn với tư cách là nhà văn, tác giả Nhật Chiêu đã được chúng tôi dành cho một vị trí rất trang trọng.

Nhật Chiêu sinh năm 1951, tại Sài Gòn, hiện là giảng viên chuyên đề Văn học tại Đại học KHXH-NV TPHCM. Các tác phẩm đã xuất bản: Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Câu chuyện văn chương phương Đông (biên khảo), Thơ ca Nhật Bản (biên khảo), Truyện ngắn Nhật Bản (dịch), Basho và Haiku (biên khảo), Con lừa vàng (dịch), 3.000 thế giới thơm (dịch)…

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục