Về việc chậm trễ của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn về thu xếp vốn với tổ chức tín dụng. Việc ký hợp đồng tín dụng chưa thực hiện được, vướng mắc là do phía ngân hàng đề nghị nâng trần lãi suất theo Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Bộ GTVT đã yêu cầu từ nay đến ngày 31-5, các bên phải ký hợp đồng tín dụng để triển khai, nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư. Việc chấm dứt hợp đồng (nếu có) sẽ xử lý theo điều khoản đã ký kết, tuy nhiên sẽ làm chậm tiến độ dự án. Bộ GTVT sẽ phải tiến hành lại các thủ tục tuyển chọn nhà đầu tư, việc thay đổi thời gian triển khai sẽ dẫn đến trượt giá và nguy cơ dự án bị đội vốn rất cao.
Về sự cố nứt dầm neo trên đỉnh trụ cầu Vàm Cống, Bộ GTVT cho biết đây là sự cố hiếm gặp trên thế giới, các chuyên gia trong và ngoài nước đang đánh giá một cách thận trọng để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, dự kiến tháng 4-2018 sẽ có kết quả đánh giá. Hiện tiểu dự án cầu Cao Lãnh và đường kết nối cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác, riêng cầu Vàm Cống sẽ bị lùi tiến độ do ảnh hưởng sự cố.
Về dự án Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Chính phủ 2 lần, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì và yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu. Sắp tới, Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định chọn phương án. Về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mức khái toán 18.000 tỷ đồng là ước tính đã báo cáo phê duyệt với quy mô 42 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển hiện nay, việc nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm là cần thiết. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ cập nhật báo cáo Thủ tướng quy hoạch sân bay, kế hoạch đầu tư các dự án đường lăn, sân đậu, nhà ga bên phía Nam, tổ chức giao thông kết nối… làm cơ sở để tính toán lại vốn đầu tư. Nguồn vốn đầu tư từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và vốn xã hội hóa.
Trả lời về việc Grab mua lại Uber ở khu vực Đông Nam Á có ảnh hưởng gì tới thị trường taxi công nghệ và nguy cơ độc quyền, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho biết các bộ, ngành liên quan đều có các quy định cụ thể nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp, đối tác của Uber, Grab. Các cơ quan chức năng vẫn đang theo sát vấn đề này để có hướng giải quyết phù hợp. Hiện Bộ Tài chính đã yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng Uber. Việc giải quyết vấn đề cạnh tranh và chống độc quyền được thực hiện theo Luật Cạnh tranh của Bộ Công thương.
Nguy cơ độc quyền là có nhưng không đáng lo ngại bởi sau khi Uber thuộc về Grab, trên thị trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp vận tải đã và sẽ ứng dụng công nghệ kết nối vận tải. Lãnh đạo Bộ GTVT đã giao Vụ Vận tải tiếp nhận và giải quyết những vấn đề của các đối tác của Uber theo thẩm quyền.