Một số giải pháp cấp thiết nhằm giảm ùn tắc giao thông

Trước hết, cần cải tạo và xây dựng hệ thống đường nội thành và ngoại ô. Công tác này cần có kế hoạch tổng hợp về khảo sát, thăm dò, lập báo cáo dự án, đề án tăng diện tích đường bằng cách cải tạo, mở rộng các đường phố chính nội ô, đường hướng tâm, nâng cao năng lực thông xe, có thể giảm vỉa hè những đường còn khả năng mở rộng; xây dựng mới các đường nội, ngoại ô, đường vành đai, đối ngoại theo hướng hạn chế giải phóng mặt bằng (đi ngầm hoặc trên cao). Tuy nhiên, nếu cần giải tỏa vẫn phải kiên quyết làm. Đường trên cao là giải pháp kỹ thuật nhiều ưu điểm nhất là ở các trục có lưu lượng giao thông lớn.

Theo quy hoạch, TP xây dựng 4 tuyến nhưng nên phát triển thêm các tuyến có tính chất đặc thù như từ trung tâm đến sân bay, cảng biển, ga đường sắt quốc gia… Tiếp đó, cải tạo, xây dựng mới các nút giao thông chính khác mức hoặc đồng mức tại các đường vành đai, hướng tâm, đường phố chính nội ô, trong đó cầu vượt (tạm, vĩnh cửu) là giải pháp kỹ thuật khá tối ưu mà nhiều nước đã áp dụng. Chú trọng phát triển đại trà cầu vượt cho người đi bộ. Hệ thống đèn tín hiệu dứt khoát phải có nguồn điện riêng, ổn định, được hiệu chỉnh chế độ thường xuyên, phù hợp theo mật độ phương tiện tại các thời khắc khác nhau. Trung tâm điều độ GTVT TPHCM phải đủ năng lực và thiết bị công nghệ quan sát, kết nối, chỉ huy điều hành để theo dõi, điều tiết và xử lý hiệu quả tình trạng giao thông của cả TP.

Cùng với đó, đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng, phát triển kết nối các đường hẻm thành hệ thống đường phụ trợ mạng lưới giao thông chính. TP có nhiều hẻm, xuyệt chằng chịt. Đây là “đặc sản” có thể khai thác biến thành thế mạnh chống kẹt xe hữu hiệu (một vài quận huyện đã dùng nhiều đường hẻm hỗ trợ đắc lực khi kẹt xe trục đường lớn). Hệ thống kho bãi trung chuyển hàng hoá nên được bố trí tại cửa ngõ ra vào nội ô và dọc đường vành đai bên ngoài. Hệ thống kho thông quan nội địa thì nên được xây dựng dọc các tuyến đường vành đai.

Về nhóm giải pháp từ cơ chế, chính sách, quản lý điều hành, do tác động trực tiếp đến người dân nên các quyết định hành chính với mục tiêu giảm mật độ người đi đường, phương tiện giao thông cần xem xét thận trọng, nên lấy ý kiến dân. Việc điều tra, đánh giá thói quen, nhu cầu đi lại, vận chuyển là một đề tài khoa học nghiêm túc. Bên cạnh đó, các biện pháp phụ trợ đi kèm khác cũng rất quan trọng như đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển viễn thông, phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ tại nhà (mua bán, thu cước, giao dịch, thủ tục hành chính công, quảng cáo…); giảm cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở nội ô… Ngoài ra, quản lý khai thác có hiệu quả các loại hình giao thông khác như đường thủy, đường sông, đường sắt… và hạn chế lượng xe gắn máy chất lượng thấp.

NGUYỄN VIỆT HÙNG (Chuyên gia tư vấn GTVT và Xây dựng)

Tin cùng chuyên mục