Vừa bước vào sân chùa Diên Thọ (đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12), thầy Thích Trí Anh đón chúng tôi bằng nụ cười. Thầy mở đầu câu chuyện: “Tôi ít có thời gian rảnh rỗi như thế này vì chùa vừa mới chuyển tới đây được 2 tháng, công việc còn bề bộn quá…”. Dù bận tiếp khách nhưng thầy vẫn không quên nhắc các em nhỏ ngồi cạnh học bài (chùa đang nuôi 52 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt). Ánh mắt của vị sư nhìn những đứa trẻ thiếu may mắn quây quần xung quanh đong đầy tình thương và sự sẻ chia.
Thấy có khách ghé thăm, các em tò mò chạy ra nhìn chúng tôi, còn các em đang học đã vội vàng đứng dậy gọi sư thầy và lễ phép chào chúng tôi. Em Khánh Linh dẫn chúng tôi tới chính điện thắp nén nhang. Bên ngoài sân là chỗ học cũng là chỗ ăn của các em gồm những cái bàn kê san sát nhau.
Sư thầy kể lại: “Năm 1984, tôi bắt đầu nhận nuôi trẻ mồ côi. Từ đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lại được người dân đưa tới. Nay thì số con của tôi đã lên đến 52. Đứa lớn nhất đã tốt nghiệp cao học, còn đứa nhỏ nhất mới học mẫu giáo”.
Tuy hoàn cảnh khó khăn, phải rau cháo nuôi nhau nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy là tất cả các con đến tuổi đều được đi học. Đến nay, 6 “đứa con” của thầy đang theo học khoa Đông Nam Á, Trường Đại học Mở bán công, những đứa khác đang theo học các trường phổ thông tại quận 12.
Nhiều em còn là học sinh giỏi, xuất sắc. Sáng học tại trường, tối về lại được thầy, các anh lớn tuổi hơn kèm học. Tiền ăn, học của bọn trẻ hoàn toàn nhờ vào đóng góp của những người hảo tâm.
Trường hợp đáng thương nhất là em Trịnh Thanh Phúc bị bỏ rơi khi chỉ mới 1 tháng tuổi. Mẹ của Phúc do buồn vì bị chồng phụ bạc nên đã nhảy sông tự vận trong lúc chỉ còn 10 ngày nữa là sinh nở nhưng được một sư cô ở chùa Phước Huệ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cứu sống. Sau khi cô gái trẻ này sinh nở, sư cô đã liên lạc với gia đình cô. Mẹ cô đến chùa đón con gái về nhưng lại bỏ rơi đứa cháu ngoại chưa đầy tháng tuổi. Do không có điều kiện nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở chùa nên sư cô đã nhờ thầy Thích Trí Anh nuôi dưỡng. Giờ em đã lên 10 tuổi.
Thầy tâm sự: “Mỗi em một số phận. Cháu thứ 52 tôi nhận nuôi cách đây 5 năm. Chú bé bị bỏ rơi trong một nhà trọ khi chỉ vừa 6 tháng tuổi. Khi được người dân đưa đến, tôi lo đến mất ăn mất ngủ vì cháu bị suy dinh dưỡng nặng, rất yếu. Cậu bé được đặt tên Quảng Hà. Vì nhỏ nhất nên Hà được thầy dành nhiều tình cảm nhất, thầy đã chăm cho em từng muỗng sữa, lo lắng từng giấc ngủ mỗi đêm.
Khánh Linh, 12 tuổi, được người nhà đưa tới chùa khi 4 tuổi, nói với chúng tôi: “Nếu không được thầy đón nhận, chẳng biết giờ đây em sẽ ra sao. Vào chùa lúc nào cũng được ăn no, được mặc ấm, có người trò chuyện vui vẻ. Tại chùa, các anh lớn giúp đỡ các em bé, mọi người sống với nhau chan hòa, đầm ấm, chứa chan tình thương”.
Anh Nguyên Huy đã gần 40 tuổi, tốt nghiệp cao học triết Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn, người đầu tiên sư thầy nhận nuôi, chia sẻ: “Sư thầy thường dạy chúng tôi phải thương yêu nhau, không được to tiếng với nhau, cái gì không biết thì hỏi. Ở đây các em không cô đơn, các em luôn được quan tâm và chăm sóc. Tùy vào lứa tuổi và sức khỏe, tôi phân công các em thay nhau làm việc nhà, giúp sư thầy dọn dẹp chùa, nấu ăn, giặt quần áo. Thương các em chịu nhiều bất hạnh, các phật tử xa gần cứ cuối tuần ghé chùa mua thức ăn nấu đồ chay cùng các em”.
Anh Huy nói thêm: “Tôi và các anh em khác sẽ ở lại đây để cùng nhau xây dựng chùa, cưu mang những em có hoàn cảnh đặc biệt khác và chăm sóc sư thầy”.
Năm nay, thầy bước sang tuổi 60 và đã có gần 40 năm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Với thầy, giai đoạn khó khăn nhất là vào những năm 1990, khi đó số trẻ cứ tăng dần mà việc lo cái ăn và con chữ cho các em gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu đến với thầy, các em khóc rất nhiều, chúng thèm hơi của người mẹ.
Thầy kể: “Những lúc chúng khóc, tôi chỉ biết ôm chúng vào lòng, truyền hơi ấm và tình thương cho chúng… Hàng đêm, tôi thức cùng chúng, tôi còn đọc kinh để ru chúng ngủ. Thật may mắn cho tôi là chúng đều lớn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì”.
Nhờ tấm lòng vàng của sư thầy, sự đóng góp của bà con hảo tâm, những đứa trẻ cứ ngày một lớn lên, trưởng thành và nguôi ngoai dần những nỗi oan nghiệt chúng phải hứng chịu. Điều ấn tượng nhất đối với khách đến thăm là sự ngoan ngoãn, lễ phép của những đứa trẻ.
Chia tay thầy trò sư thầy Thích Trí Anh, tôi nhớ mãi những đứa trẻ ngây thơ với khuôn mặt ngộ nghĩnh và đôi mắt đen lay láy. Tôi mừng vì cuộc đời vẫn có những tấm lòng, những trái tim biết hy sinh vì người khác như sư thầy, đã nâng đỡ những mảnh đời côi cút, bé bỏng, để thắp sáng những ước mơ cho các cháu vững bước vào đời.
Thanh Hương