Ông Hoàng Minh Trí, Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM cho biết, các sở ngành chức năng đã cho phép chủ biệt thự số 12 Lý Tự Trọng (quận 1) xây một cao ốc cao 70m thay thế cho biệt thự mà chính chủ nhân của nó đã tháo dỡ trái phép. Sốc và bức xúc là tâm trạng của nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia trong ngành khi nghe tin này.
Biệt thự tọa lạc tại số 12 Lý Tự Trọng được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20 với mái dốc, hình bánh ú - kiểu kiến trúc đặc trưng của vùng đất Nam bộ lúc bấy giờ. Chính vì thế, nó không những đẹp về mặt kiến trúc mà còn là một trong những chứng nhân lịch sử xây dựng và phát triển đô thị Sài Gòn - TPHCM. Biệt thự này đã được Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM đưa vào danh sách các biệt thự cần bảo tồn. Cuối tháng 6-2016 vừa qua, lấy lý do biệt thự bị dột, hư hỏng nhiều chỗ, chủ nhân biệt thự này đã gửi thông báo đến UBND phường Bến Nghé (quận 1), xin phép tháo dỡ ngói để chống dột, thay đổi lại hệ thống dầm, sàn đã mục nát, thay lại đường điện và sơn phết lại bên trong. Thế nhưng, trên thực tế biệt thự này đã bị đập hết, chỉ còn trơ lại 2 mảnh tường. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngành chức năng đã đến lập biên bản về hành vi trên.
Trách ai, cơ quan nào trong bối cảnh này cũng khó. Bởi lẽ, bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để mua lại khu đất rộng 610m² với một biệt thự cổ, chỉ để ở hoặc lâu lâu đón khách du lịch tới thăm, chắc cũng “căng” cho chủ nhân biệt thự.
Còn về phía ngành chức năng, khi nhìn thấy toàn bộ ngôi biệt thự bị tháo dỡ hết, chỉ còn 2 bức tường nếu yêu cầu chủ nhà phục dựng lại hiện trạng ban đầu cũng không khả thi. Nếu có trách, phải trách sự chậm chạp trong việc xây dựng quy chế bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có biệt thự ở TPHCM. Hơn 20 năm trước, việc nghiên cứu để xây dựng quy chế này đã được khởi động. Nhiều nghiên cứu, rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp đã được các nhà khoa học thực hiện. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ là những nghiên cứu… khoa học. Kể cả hiện nay cũng vậy, một quy chế có tính hệ thống, minh bạch, có chế tài để quản lý các công trình kiến trúc có giá trị vẫn chưa có. Nếu có trách nữa, phải trách các cơ quan chức năng khi cấp phép sửa chữa cho chủ nhân biệt thự này đã không theo dõi sát sao, xem họ có thực hiện đúng quy định trong giấy phép và phải trách cả chủ nhân biệt thự. Sự tính toán chi ly, ma mãnh của họ đã qua mặt được ngành chức năng và đã đẩy ngành chức năng vào thế không thể không cho tháo dỡ biệt thự và thay thế vào đó là một cao ốc.
Rồi sẽ có bao nhiêu biệt thự cổ sẽ bị khai tử như vậy? Hiện tại chưa có câu trả lời nhưng bài học “nhãn tiền”, “đường đi nước bước” rất cụ thể của câu chuyện ở biệt thự số 12 Lý Tự Trọng chắc chắn sẽ được nhiều chủ biệt thự khác… tham khảo. Đã có lần đầu, khả năng có đến lần thứ hai, thứ ba… thứ n là rất lớn.
Quay trở lại vấn đề người dân TPHCM quan tâm. Vậy bao giờ có quy chế quản lý công trình kiến trúc có giá trị với các chế tài nghiêm khắc để gìn giữ cho hậu thế những dấu ấn kiến trúc của thành phố? Và quan trọng không kém, bao giờ có chính sách về thực thi công tác bảo tồn? Hiện trên địa bàn TPHCM còn khoảng 1.000 biệt thự cổ mà phần lớn trong số đó đều thuộc sở hữu tư nhân. Rất nhiều người trong số họ không có khả năng (cả về tài chính lẫn năng lực chuyên môn) để giữ gìn các công trình kiến trúc này. Nếu TPHCM không nhanh chóng có chính sách bảo tồn hợp lý cho chủ nhân các biệt thự này, họ sẽ buộc phải bán biệt thự đi hoặc cố tình tháo dỡ sai phép để được… xây công trình mới. Nhiều thành phố trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm hay về bảo tồn. TPHCM hoàn toàn có thể tham khảo để nhanh chóng ban hành quy chế, chính sách liên quan đến bảo tồn. Mong rằng, việc tháo dỡ biệt thự trái phép và các sở ngành chức năng buộc phải cho xây cao ốc thay thế… không là tiền lệ xấu cho TPHCM.
Nguyễn Khoa