Diễn viên Trung Dũng

Một tính cách hấp dẫn

Một tính cách hấp dẫn

Bộ phim “Dưới cờ đại nghĩa” của hãng TFS phát sóng trên HTV 7, theo chương trình phim Việt cuối tuần đang được sự theo dõi của khán giả màn ảnh nhỏ. Một trong hai nhân vật trung tâm tạo được ấn tượng mạnh và chiếm được cảm tình đẹp đối với người xem là nhân vật Mười Trí, do diễn viên trẻ Trung Dũng thủ diễn.

Một tính cách hấp dẫn ảnh 1

- Chào Trung Dũng, làm phim truyện lịch sử và đóng vai những nhân vật liên quan đến lịch sử là một áp lực rất lớn đối với người làm phim, Trung Dũng đã vượt qua điều thử thách này như thế nào khi nhận vai Mười Trí?

- Thú thực, khi được hai đạo diễn Nguyễn Tường Phương và Lê Phương Nam chọn vào vai nhân vật Mười Trí, Trung Dũng hơi bất ngờ. Điều bất ngờ thứ hai, khi tìm hiểu qua lịch sử, qua tiểu thuyết liên quan đến nhân vật, rồi phân tích kịch bản phim, Trung Dũng thật thú vị với cuộc đời, tính cách nhân vật và cả bối cảnh vừa xa mà cũng vừa rất gần với thời đại mình đang sống. Từ cái cảm giác đầu tiên hơi lo lắng khi nhận vai, sau đó Trung Dũng lại thích và… mê nhân vật quá.

- Trung Dũng có vẻ như … khám phá điều gì đó từ nhân vật Mười Trí ?

- Dạ, có thể nói như vậy. Đúng hơn, nó là một cảm xúc khó cắt nghĩa, dường như tình cảnh, cuộc đời các nhân vật trong phim có chút gì phảng phất bóng dáng của ba, má mình trong thời chiến tranh đã qua. Xin lỗi khi Trung Dũng hơi đề cập tâm tình riêng tư. Bởi thế này: ba Trung Dũng là một đại tá quân đội đã về hưu. Ba đi chiến đấu biền biệt; má thì tảo tần cực khổ nuôi 7 đứa con: lúc dồn con xuống hầm tránh mưa đạn, lúc gồng gánh con chạy giặc! Trung Dũng đã nghe kể bao nhiêu là chuyện gian khổ của gia đình trong chiến tranh và tự nhiên những hình ảnh ấy đã thấm vào máu thịt của mình từ nhỏ…

Cho đến khi bắt đầu vào các cảnh quay, diễn từng phân đoạn của vai Mười Trí, Trung Dũng không ngờ những cảm xúc đã sống dậy, thâm nhập vào tâm tư mình mạnh mẽ, khiến Trung Dũng dường như sống với cuộc đời nhân vật, sống với thế giới nghệ thuật của nhân vật trong phim bằng một sự đồng cảm vô biên, như bắt gặp lại cuộc đời những người thân yêu của mình.

- Bộ phim “Dưới cờ đại nghĩa” được thực hiện khá công phu, tập trung hàng trăm diễn viên, nhiều cảnh diễn và nhân vật xuất hiện đan xen, cảm nhận của Trung Dũng qua một số cảnh diễn cùng các diễn viên đồng nghiệp thế nào?

- Thực lòng, Trung Dũng nghĩ mình đã “có duyên” khi gặp được vai nhân vật Mười Trí. Đây là một nhân vật đẹp với nhiều hoàn cảnh trái ngang, nội tâm phong phú. Nhân vật ấy khi xuất hiện đầu phim với mối tình lãng mạn đã giúp Trung Dũng có ngay đất diễn. Ở đất 18 thôn vườn trầu xưa, chàng trai đánh xe ngựa ấy có tính cách mạnh, yêu nồng nhiệt nhưng là quan niệm yêu theo kiểu nam nữ hồi xưa - trọng nghĩa, trọng tình, Trung Dũng chú ý cách diễn bằng ánh mắt, bằng cử chỉ của nhân vật, hết sức tiết chế hành động theo quan niệm yêu của thời đại mới. Rất may, cách diễn này cũng được Lý Thanh Thảo đáp lại “khá ăn ý” qua vai cô Hai Ngạn.

Một tính cách hấp dẫn ảnh 2

Trung Dũng (bên phải) vai Mười Trí cùng những người lao động trong phim.

Một nhân vật sóng đôi có tính đối lập với tính cách Mười Trí là Bảy Viễn, do Trương Minh Quốc Thái đóng. Trung Dũng và Quốc Thái từng diễn chung với nhau qua mấy phim nhưng đây cũng là phim khá dài hơi và diễn khá tâm đắc với nhau. Trong phim có cảnh “ngã rẽ tâm tình” giữa hai nhân vật Mười Trí và Bảy Viễn và chi tiết Bảy Viễn cắt tay trả lại giọt máu ăn thề, cứ làm Trung Dũng bồi hồi như chuyện có thực… Sức thu hút của nghệ thuật lạ lùng đến như vậy đấy!

- Nhắc lại chuyện đóng phim chắc có nhiều kỷ niệm với Trung Dũng?

- Nhiều lắm. Nghĩ cũng buồn cười, ngay một cảnh đánh nhau giữa Mười Trí và Bảy Viễn ở bến Bình Đông xuất hiện trên phim rất ngắn mà Trung Dũng và Quốc Thái “quần nhau”, đánh đi đánh lại mấy ngày mới xong. Cảnh quay ở Cao Lãnh, những lúc xô xát trong phim diễn như thật, cho nên hậu quả là ngoài đời tay, chân Trung Dũng, Quốc Thái cũng bị tấy máu thật!

Cực nhất là lúc quay ở rừng tràm Gáo Giồng, cả đoàn phim hầu như đứng ròng rã dưới nước suốt thời gian phim đang quay. Coi phim, bà con sẽ chứng kiến cảnh Mười Trí hết sức mạnh mẽ vác ghe, đi tắt đón đầu, đuổi theo ngăn cản Bảy Viễn đừng về thành, đầu hàng Pháp… nhưng không ai ngờ vừa cắt cảnh xong là Trung Dũng kiệt sức, lăn ra xỉu!

Những ngày sau khi tham gia đóng phim, Trung Dũng đã trở lại với Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần với nét duyên riêng của sân khấu kịch nói. Sinh năm 1973 tại Vĩnh Long trong một gia đình truyền thống cách mạng. Năm 1995, tốt nghiệp đại học khoa Đông Nam Á, gia đình vẫn mong Trung Dũng gắn bó với ngành du lịch, nhưng giấc mơ của chàng “Dũng - Yan can cook” đã thay đổi trong khoảnh khắc khi đứng trước cảnh cửa chiêu sinh diễn viên Trường Điện ảnh khóa 1995-1997.

Mạnh mẽ, quyết đoán tương tự như cách thể hiện tính cách một số nhân vật trong phim, trong kịch nói, Trung Dũng đã rẽ sang con đường nghệ thuật một cách ngọt ngào; và từng bước, từng bước chịu khó lao động nghệ thuật. 

KIM ỬNG 

Tin cùng chuyên mục