Một vị tướng sáng tạo, quyết đoán

LTS: Năm nay đã 71 tuổi, Đại tá Hoàng Văn Quyết, nguyên cán bộ Cục Bảo vệ an ninh quân đội, với 42 năm trong quân ngũ, từng tham gia những điểm nóng bỏng nhất của chiến trường. Khi nghe tin Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, ông không khỏi bùi ngùi, thương tiếc, đầy xúc cảm khi bồi hồi tưởng nhớ lại những ký ức về vị tướng luôn sáng tạo, quyết đoán.

 

1. Có mặt ở nhiều chiến trường để bảo vệ lãnh đạo cao cấp của Bộ Quốc phòng, chúng tôi vinh dự được chứng kiến nhiều sự kiện của các đồng chí. Không chỉ lo khâu bảo vệ an ninh vẹn toàn, anh em chúng tôi thường nhìn theo các đồng chí ấy để học hỏi, hoàn thiện mình. Đó là những phần tốt đẹp trong ký ức cuộc đời chúng tôi. Là một cấp dưới của Đại tướng Lê Đức Anh, có nhiều năm phục vụ ông, được nghe anh em cán bộ chiến sĩ đánh giá, và đặc biệt sau mỗi sự kiện, chúng tôi lại ngồi đàm luận về các lãnh đạo, tôi có ấn tượng sâu sắc về Đại tướng. Trong cảm nhận của tôi, Đại tướng Lê Đức Anh là một tướng lĩnh quân đội rất tài năng.

Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng đã luôn có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, trong những thời điểm ác liệt nhất. Ông tham gia và giữ vai trò quan trọng ở những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử. Ông là vị Chủ tịch nước đầu tiên ở Việt Nam có mặt ở khóa họp của Liên hiệp quốc tại New York, khi Liên hiệp quốc công nhận Việt Nam là thành viên của tổ chức này. Ông đã tặng trống đồng cho Liên hiệp quốc tại lần dự khóa họp đó.

Ông là người rất nhạy cảm với tình hình mới, nhạy cảm nhưng rất sáng tạo, sáng tạo rồi thì quyết đoán, quyết đoán rồi thì dám chịu trách nhiệm. Thể hiện rõ nhất là khi thực hiện Nghị quyết của Trung ương về Hiệp định Paris 1973, dù được lệnh dừng bắn, nhưng đồng chí cũng nghe ngóng tình hình, thấy rõ âm mưu phá hoại Hiệp định của địch nên có ý kiến với Trung ương. Nếu ngụy đánh trên địa bàn quân khu của ông thì ông vẫn cho đánh. Đó là sự nhạy cảm, sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của ông. Chính vì vậy, khi các nơi không đánh nên bị địch o ép, bị lấn chiếm gây ra tình cảnh khó khăn thì Quân khu 9 vẫn đánh, quân khu của Đại tướng thì không mất một tấc đất nào, hơn thế còn mở rộng. Điều này được Trung ương đánh giá cao, coi đó như là một liều thuốc thử xem Mỹ có đưa quân trở lại Việt Nam hay không. Thành tích này là một trong lý do mà đồng chí được phong hàm vượt cấp.

Đại tướng Lê Đức Anh làm việc với Trung đoàn 812, Sư đoàn 309 
đang thực hiện nhiệm vụ ở Campuchia năm 1985       Ảnh: T.L
 Sau giải phóng miền Nam, Nhà nước có chủ trương giảm quân số, cho bộ đội phục viên, chuyển ngành, thậm chí đi hợp tác lao động. Thời điểm đó ông làm Tư lệnh Quân khu 9. Các quân khu, các đơn vị quân đội đều thực hiện chủ trương này, nhưng riêng Quân khu 9 của ông thì thực hiện rất chừng mực. Đặc biệt, riêng đối với anh em chiến sĩ, cán bộ đã qua chiến đấu, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt ở tiểu đoàn, trung đoàn có thành tích chiến đấu thì ông giữ lại và thành lập lại Sư đoàn 330, gồm những trung đoàn chủ lực của quân khu. Khi Pol Pot phản bội, đánh chiếm ta thì chính Sư đoàn 330 đã chiến đấu hiệu quả nhất. Khi tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia, Sư đoàn 330 cũng lập nhiều chiến công. Trong số những người được giữ lại dịp đó có nhiều đồng chí sau này giữ nhiều vị trí cao trong quân đội.


2. Đại tướng cũng có công lớn trong giảm căng thẳng trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Những năm 1980, tôi là một điều tra viên của Cục Bảo vệ an ninh quân đội. Năm 1985, tôi được giao lên điều tra xác minh vụ án Trung Quốc cài cắm, móc nối người vào lực lượng biên phòng, quân dân tự vệ, thậm chí cả người dân ở một số vùng thuộc Hà Giang. Tôi và đồng đội vào một số đồn biên phòng của huyện Hoàng Su Phì. Đêm, chúng tôi vào tận đồn biên phòng sát biên giới Trung Quốc. Trạm biên phòng của ta ở lưng chừng núi, của Trung Quốc thì ở phía trên. Anh em lính tráng kể: “Chúng cháu ở đây chả thấy họ làm gì, ngày lễ còn được họ quẳng trà thuốc, kẹo bánh xuống cho ăn”. Chúng tôi về chỉ báo cáo với Cục Bảo vệ an ninh quân đội, không dám báo cáo với lãnh đạo quân khu hoặc tỉnh, vì cần thận trọng trong đánh giá hiện tượng này. Có phải anh em thông đồng với địch không, giảm sút ý chí chiến đấu không? Nếu không đúng thì báo cáo oan cho anh em.

Sau đó, để nắm được tình hình này thì đích thân Đại tướng đã lên thực tế ở Hà Giang, sâu sát với anh em để giải mã hiện tượng. Sau đó, ông tổ chức một hội nghị tác chiến từ trưởng phòng trở lên của các quân chủng, quân khu, binh chủng để nghe anh em báo cáo. Trong thời gian đó, Bộ Tổng tham mưu đề nghị Bộ Quốc phòng thành lập thêm một quân đoàn dự bị chiến lược đóng ở Đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa. Tuy nhiên Đại tướng đã táo bạo cho lực lượng chủ lực ở biên giới phía Bắc lui về tuyến sau; đưa biên phòng, dân quân, người dân lên tuyến đầu. Trước đó, Trung Quốc bắn ta 10 quả thì ta bắn trả 5 quả, nhưng Đại tướng đã cho giảm dần, thậm chí không bắn trả; đồng thời không đồng ý thành lập quân đoàn dự bị chiến lược. Dần dần, tình hình biên giới phía Bắc giảm căng thẳng, từ năm 1986-1987 rồi đến năm 1990 thì Trung Quốc không bắn nữa. Điều này tôi cho đó là một quyết đoán, sáng tạo của Đại tướng Lê Đức Anh. Qua đó để thấy, ông là một vị tướng rất lăn lộn với chiến trường, rất sát với thực tế để đưa ra những quyết định phù hợp nhất, có lợi nhất cho cục diện.

Có nhiều thời gian tham gia bảo vệ an ninh cho Đại tướng, tôi luôn trân quý ông. Tôi cũng ấn tượng sâu sắc với nề nếp, gia phong của gia đình Đại tướng. Căn nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu mà ông ở đến lúc cuối đời luôn thanh bạch, giản dị với những vật dụng đơn sơ nhất. Cứ mỗi dịp lễ tết, sinh nhật ông, anh em chúng tôi đến thì đều trà nước như trong gia đình, cùng chụp ảnh lưu niệm trong căn phòng thân quen của ông, không hề có bất cứ sự câu nệ nào. Con cái ông được giáo dục nghiêm khắc, tự vươn lên đúng bằng năng lực của mình, ông không có bất kỳ sự can thiệp nào để cho con cái thăng tiến. Đại tướng chỉ tâm niệm con cái trở thành người tốt, giỏi một lĩnh vực chuyên môn nào đó để phục vụ nhà nước, nhân dân.

Tin cùng chuyên mục