Chủ đầu tư bán nhà trên giấy, dự án triển khai nhưng chưa biết bao giờ hoàn thành, công ty giải tán rồi bỏ trốn… Tất cả những tình huống trên đẩy người mua nhà vào cảnh khốn cùng.
Gian nan đòi nhà
Dự án căn hộ chung cư Gia Phú từng “nổi tiếng” vì sự cố cùng một căn hộ được chủ đầu tư đem bán trùng cho nhiều người. Những nạn nhân - khách hàng đã tự tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ với công ty môi giới, gặp gỡ với nhau… để tìm cách cứu mình, nhưng sự việc trở nên trầm trọng hơn khi giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú bỏ trốn và giải tán công ty. Nhiều khách hàng mua căn hộ Gia Phú đã ký đơn tập thể nhờ cơ quan chức năng sớm can thiệp. Tuy nhiên, đã hơn gần 2 năm từ khi lá đơn đầu tiên được gửi đi, sự việc vẫn đang đi vào ngõ cụt!
Cụ thể, sau khi nhận tố cáo của khách hàng về việc Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú lừa đảo, ngày 10-6-2014, Văn phòng UBND TPHCM có công văn số 4422/VP-PCNC truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, yêu cầu Công an TP khẩn trương xác minh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND TP trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản này. Ngày 26-3-2015, Văn phòng UBND TP tiếp tục có công văn số 2636 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, chỉ đạo “chuyển đơn và yêu cầu Công an TP khẩn trương xác minh làm rõ nội dung tố cáo của công dân để xử lý nghiêm sai phạm (nếu có), không để phát sinh tình trạng khiếu kiện đông người, báo cáo kết quả cho Thường trực UBND TP theo chỉ đạo tại công văn 4422/VP-PCNC ngày 10-6-2014”. Gần đây nhất, ngày 2-6-2015, Văn phòng Tiếp công dân TP tiếp tục có công văn số 400 gửi Giám đốc Công an TP, nhắc lại công văn 2636 nói trên và yêu cầu báo cáo vụ việc trên vì sự việc kéo dài quá lâu.
Sự chuyển động quá chậm từ cơ quan chức năng khiến người dân mệt mỏi, trong khi đó chủ đầu tư bỏ trốn, dự án thì trùm mền. Ngày 20-8 vừa qua, các khách hàng mua căn hộ một lần nữa tổ chức hội nghị, ký đơn tập thể với hơn 50 chữ ký của khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú gửi lên Giám đốc công an TPHCM, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM và Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) với nội dung “đề nghị khởi tố vụ án và khởi tố bị can trong vụ án chủ đầu tư Công ty TNHH địa ốc Gia Phú có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng”. Theo đơn này thì từ tháng 3-2014, các khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến Công an quận Thủ Đức và Công an TPHCM. Tháng 6-2014, Ban giám đốc Công an TP và PC45 phân công Đội 8 thụ lý hồ sơ vụ án. “Chúng tôi đã được điều tra viên Đội 8 mời lên lấy lời khai về việc một căn hộ bán trùng cho nhiều người. Các bằng chứng thu thập đã chứng minh được nhiều dấu hiệu lừa đảo khách hàng của chủ đầu tư, nhưng đến nay sau gần 2 năm trôi qua, phía công an vẫn chưa xử lý rốt ráo vụ việc”, anh Hùng - đại diện người dân mua căn hộ Gia Phú - nói. Điều khó hiểu là vì sao chính quyền thành phố cũng đã nhiều lần yêu cầu xác minh báo cáo, nhưng tại sao cơ quan công an lại chậm chạp trong việc xử lý, để chủ đầu tư tẩu tán tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng?
Cách đây chưa lâu, dự án Adonis thuộc khu Nam Sài Gòn, cơ quan chức năng duyệt quy hoạch có 15 tầng, chủ đầu tư lại bán đến 18 tầng. Nhưng đáng nói hơn là chủ đầu tư chẳng làm gì cả và cuối cùng ôm tiền của khách hàng trốn biệt. Một số khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Royal (Bình Thạnh), khu dân cư An Sương (quận 12)… cũng lâm vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Dự án Adonis được duyệt 15 tầng nhưng chủ đầu tư bán đến tầng 18 và… không triển khai gì
Bao giờ chấm dứt tình trạng này?
Dự án chung cư Gia Phú (Thủ Đức) có quy mô 156 căn hộ nhưng được bán cho hơn 300 khách hàng. Trong đó, có ít nhất 68 căn hộ bị bán trùng cho hơn 160 người, thậm chí có căn trùng tới 5 người. Bình quân mỗi khách hàng đã đóng vào dự án số tiền 600 triệu đồng. Hiện dự án chung cư Gia Phú đã xây xong phần thô nhưng bị bỏ hoang khi chủ đầu tư “biến mất”. Trước đó, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án PetroVietNam Landmark (phường An Phú, quận 2) do PVC Land làm chủ đầu tư đã đến trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đòi nhà. Toàn bộ dự án bán gần hết và nhiều khách hàng cho biết đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng 4 năm qua dự án vẫn đắp chiếu, chưa rõ thời gian hoàn thành. Đây cũng là một trong những dự án tai tiếng nhất thời gian qua. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, một dự án chỉ cần bán được 60% - 70% số lượng căn hộ là chủ đầu tư hoàn toàn yên tâm để triển khai. Nhưng không rõ vì lý do gì mà dự án này giậm chân tại chỗ nhiều năm nay.
Luật Đầu tư Kinh doanh bất động sản 2014 bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh khi bán nhà hình thành trong tương lai nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng. Nhưng đó là quy định hiện nay, còn các dự án lừa, chây ỳ… đã xảy ra trước đây, hàng trăm người dân bị lừa đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan nhà nước để giải quyết phần nào thiệt hại. Bởi trên thực tế, dù đã có luật và nhiều quy định chế tài khi chủ đầu tư sai phạm, nhưng khi sự việc xảy ra, đi kiện đòi nhà còn quá gian nan!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết hiện nay tình trạng hàng tồn kho, nợ xấu có cải thiện nhưng vẫn còn là vấn đề nặng nề của nhiều doanh nghiệp. Toàn thành phố có đến 689 dự án ngừng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, vẫn là những vấn đề tồn tại rất lớn trong thị trường bất động sản, gây hậu quả xấu cho người dân, cần phải được tiếp tục xử lý trong thời gian tới. |
ĐỖ TRÀ GIANG