Chả là hôm qua ông bà cụ gặt được hơn bốn sào ruộng, ngót nghét tấn rưỡi, cậy có thằng con út ở nhà mà hớn hở khoe lúa ra khắp sân. Cũng ý thể là xem sau hơn chục năm nó không dúi chân vào bùn thụt, thì giờ nó chang, phơi, dũi lúa có khỏe như con trâu ngày trước không?
Rẹt! Rẹt! Sét réo lên từ đằng Đông, nghĩa là chỉ ít phút nữa thôi mưa sẽ ụp xuống.
Thằng út bảo: Úi chùi, mẹ chết chửa? Kiểu này thì lúa chảy hết ra ngoài rãnh cho coi.
- Còn ưỡn xác nhăn nhở ra đó hở, mau mau lên, lấy cái thúng. Gạt! Gạt lúa vô.
Ông cụ có cái tính nước đến chân mới nhảy. Còn đủng đỉnh ngụm thêm hớp nước rồi mới kiếm cái áo cánh mặc vô cho khỏi nhám. Mấy đứa cháu nội dăm ba tuổi, mọi khi chơi với nhau chí chóe tối ngày, thế mà giờ cũng ý thức đáo để, đoàn kết đáo để, đứa thì lon ton đi kiếm cái chổi, đứa loe miệng bì tải, quét quét vun vun. Tí toáy nom rõ buồn cười.
Bà cụ khom khom, tay thoăn thoắt xúc lúa vô thúng, miệng không quên được cái cố tật oang oang đã thành thương hiệu:
- Ô hay cái ông ni, ông sướng quá nhờ, cứ lập là lập lờ, ưỡn mãi, chạy lúa như ông có mà tí nữa ra cống moi.
Ông cụ cầm bàn gạt, mới kéo được vài nhát để vun lúa thành đống, ngửa cổ lên khục khặc:
- Gớm, cấy bà ni lắm mồm. Không biết bà sinh ra ở cái giờ nói thì phải.
- Chứ còn chi nữa, ông không thấy mưa sì sì kia à, lờ đờ như con rùa phải gió.
- Ớ, cái bà ni láo, đó thằng út coi coi mẹ mi nói rứa có đúng không?
Thằng út bật cười!
Nó đã quen rồi cái việc, nửa đêm ông cụ dậy lúc 1, 2 giờ sáng, chang sách báo ra khắp nhà, thỉnh thoảng lại với tay đưa lên miệng chép hớp rượu suông hoặc miếng trà đỏ nguội. Chốc chốc, bà cụ lại lồm cồm bò dậy gắt gỏng:
- Cấy ông ni có dở không mà sột soạt cả đêm, sách với chả báo, cất mà đi ngủ!
- Cấy bà ni đúng là ăn xong rồi khoèo, chả biết cấy chi về thời sự văn hóa, đây này... Đang có chuyện như thế này này, bà có nghe không tôi đọc cho nghe?
- Thôi, tôi không có dở như ông! - Nói rồi bà cụ lại kềnh ra, khò khò.
Gà gáy lần hai, tức chừng 4 giờ sáng, để cho đủ liều ngày hôm nay đã được khục khặc, ông bà cụ lại tỉnh dậy vặc nhau thêm lần nữa, có thế thì bà cụ mới yên tâm lọ mọ xuống bếp đun đồ ăn sáng:
- Ơ cấy ông ni, có mỗi cấy ăn sáng thôi mà cũng phải kêu mãi, hay là tôi phải hầu ông đút vô đến tận mồm.
- Gớm, điếc tai quá thể, bà cứ để đó tôi ăn khi mô tôi ăn.
- Ông định để cho mì nó trương phềnh lên hở?
- Thì cứ kệ tôi.
- Ờ. Thì mặc xác!
Cứ thế! Ông bà cụ đã thành nghiện “vặc” nhau, chắc có lẽ cơn cớ để hai người sinh ra trên cuộc đời này là để làm điều ấy. Nên mỗi lần người này không thấy người kia ở nhà là nhớ, lại thèm được hục hặc, nhất là vào bữa cơm, cứ ra trông vào ngóng, nom thật ngộ. Ấy thế mà cũng đã gần nửa thế kỷ, ông bà cụ vấp phải đời nhau rồi nên muối mặn gừng cay, thế mới ngộ ra rằng, đừng cứ nghĩ trong ấm ngoài êm, lụa là vóc nhiễu thì cái đạo vợ chồng mới nên tình nên nghĩa.
Thằng út nhoẻn miệng cười, cúi xuống, nhìn từng cuống gió mịn màng, cuốn theo vốc lúa ửng tựa vàng ròng thầm thì chảy qua tay!