Mấy ngày nay nông dân các tỉnh thành ĐBSCL và các ngành chức năng không ngớt bàn tán chuyện lần đầu tiên Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), một doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp đứng ra phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nông dân. Theo đó, AGPPS sẽ phát hành 5% trên tổng số cổ phần của công ty; trong đó 80% (tương đương 2,48 triệu cổ phiếu) dành cho khoảng 6.000 nông dân ĐBSCL được mua với giá 30.000 đồng/cổ phiếu (bằng 1/2 so giá thị trường của cổ phiếu AGPPS hiện nay). Lãnh đạo AGPPS cho rằng: “Thông qua việc mua cổ phiếu là để nông dân hùn vốn với công ty để cùng kinh doanh và cùng được chia lợi nhuận. Chương trình này cũng nhằm đem lại cho nông dân một vị thế đặc biệt mà từ trước đến nay họ chưa từng có được là trở thành người chủ sở hữu một công ty lớn trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp”.
Ai cũng biết, AGPPS là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, từng khởi xướng mô hình “Cùng nông dân ra đồng” nhằm giúp nông dân ĐBSCL phòng trị dịch bệnh trên cây lúa rất hiệu quả.
Mấy năm nay, AGPPS đẩy mạnh xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” gắn với hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân, hỗ trợ kỹ thuật canh tác; đặc biệt là bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường. Cách làm của AGPPS được đông đảo nông dân và ngành nông nghiệp, cùng chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL đồng tình. Chính vì vậy, lần này khi AGPPS đưa ra chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nông dân đã được các tỉnh thành ĐBSCL hoan nghênh và xem đây là việc làm mang tính đột phá.
Tuy nhiên, hầu hết nông dân khi được hỏi về cổ phiếu, về thị trường chứng khoán… tất cả đều không hiểu. Nhiều nông dân cho rằng họ cứ sáng ra đồng, tối về nhà, chỉ quen với sâu bệnh, rầy nâu… chứ làm gì biết được cổ phiếu tròn méo ra sao; rồi giá cổ phiếu lên xuống thế nào cũng chịu trận. Vì vậy, bỏ ra hàng chục triệu đồng mua cổ phiếu của doanh nghiệp để cuối năm được chia lời bao nhiêu nông dân chưa rõ? Đồng tâm trạng trên, PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nêu ý kiến: “Nông dân luôn khó khăn về vốn. Ở nông thôn muốn kiếm 5 triệu đồng một lúc cũng rất khó, nhất là trong thời buổi giá lúa bấp bênh như hiện nay. Vì vậy, để nông dân tham gia mua cổ phiếu thiết nghĩ công ty cần chọn thời điểm triển khai hợp lý như tới vụ thu hoạch hoặc mua cổ phiếu bằng hình thức khác thay cho tiền mặt…”. Giải quyết việc này, lãnh đạo AGPPS cho biết vẫn “thích” nông dân mua cổ phiếu bằng tiền mặt nhằm có “trách nhiệm” cao trong việc gắn chặt với công ty. Bước đầu sẽ triển khai phát hành theo 3 dạng cổ phiếu, là mỗi nông dân được mua 300, 400 hoặc 500 cổ phiếu (tùy theo diện tích đất canh tác) với giá 30.000 đồng/cổ phiếu.
Theo các chuyên gia về kinh tế, chương trình phát hành cổ phiếu của AGPPS nhằm thắt chặt sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tiến tới việc sản xuất lúa gạo bền vững có ý nghĩa quan trọng, đáng hoan nghênh. Song, thị trường chứng khoán thời gian qua, cũng như hiện nay vẫn rơi vào tình trạng ảm đạm; giá nhiều cổ phiếu chỉ bằng 1kg rau. Điều này cho thấy cổ phiếu ưu đãi dành cho nông dân với giá 30.000 đồng/cổ phiếu mà AGPPS đưa ra liệu cao hay thấp? Có phù hợp trong thời buổi thị trường chứng khoán hiện nay hay không? Bên cạnh đó, cần thấy rằng nông dân “một nắng hai sương” vất vả trên đồng ruộng, nếu đầu tư hàng chục triệu đồng để chơi cổ phiếu và khi đã chơi thì phải chấp nhận sự lên xuống của thị trường chứng khoán. Nếu là nhà đầu tư thì họ lời hoặc lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí bạc tỷ về chứng khoán cũng là chuyện thường. Tuy nhiên, khi nông dân đầu tư mua cổ phiếu nếu lỡ bị lỗ thì mọi chuyện sẽ rối tung; bởi lúc đó doanh nghiệp sẽ hứng chịu lời ra tiếng vào là “mời nông dân mua cổ phiếu để rồi lỗ?”. Vấn đề này doanh nghiệp cần phải thận trọng và suy nghĩ thấu đáo nhằm tránh tai tiếng “dụ” nông dân.
Để phát triển nông nghiệp được bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế thì việc liên kết chặt giữa nông dân và doanh nghiệp là điều cấp thiết. Vì lẽ đó, chương trình phát hành cổ phiếu của AGPPS với mục tiêu “cùng nông dân phát triển”, giúp nông dân định đoạt được giá bán sản phẩm của mình làm ra… là đột phá táo bạo và chắc chắn sẽ mở đường cho nhiều doanh nghiệp đi theo. Vấn đề là cần tính toán kỹ để nông dân đường nào cũng có lợi. Ngoài ra các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng người nông dân để trục lợi và đẩy họ vào những tình thế bất lợi, những hệ lụy không đáng có…
HUỲNH LỢI