Mùa cưới đến

Mùa cưới đến

Buổi trưa yên ả, nhìn ra sân thấy mấy cây so đũa đã trổ bông. Vậy là sắp hết năm cũ và mùa cưới lại bắt đầu.

Hầu hết người Nam bộ, cư trú nông thôn hay thành thị, nhà vùng ven hoặc nội thành, thường tổ chức cưới gả vào cuối năm, khi những cơn mưa cuối mùa kết thúc. Đích thân chủ hôn mang thiệp tới tận nhà họ hàng để mời.

Mùa cưới đến ảnh 1

Một đám cưới tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG

Để lo tân hôn hoặc vu quy cho con, ai cũng coi ngày, coi tuổi. Khác với phong tục ngoài Bắc thường chọn chủ nhật hay ngày lễ để khách rảnh rang tới dự tiệc mừng hai họ, đám cưới người Nam bộ chủ yếu căn cứ ngày lành, tháng tốt, thậm chí có thể đãi tiệc vào buổi trưa, điều mà người Bắc thường tránh.

Mùa cưới mỗi năm, những người có xe từ bốn đến năm mươi chỗ mặc tình làm ăn vì khách thuê tới tấp. Nhiều chủ xe, theo kinh nghiệm, làm sẵn những bông hoa vải để trang trí xe rước dâu, xe chở bà con hai họ. Dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, Khổng Tử, từ Bưu điện Chợ Lớn đến chợ Kim Biên, hàng trang trí đám cưới treo đầy ắp, đủ mẫu mã, màu sắc. Một số hộ in danh thiếp cho thuê xe rồi nhờ thân bằng quyến thuộc phổ biến rộng rãi.

Từ mấy năm qua, khi sắp tổ chức cưới gả trong phạm vi nội thành, những vị sắp làm thông gia hay đi “thăm dò” lộ trình đón đưa cô dâu, chú rể bởi giữa Sài Gòn xe cộ tới lui tấp nập chỉ cần kẹt xe ở một ngã tư nào đó, “giờ tốt” kể như không còn.

Tổ chức cưới ở nhà hàng thì sự khó nhọc của các bậc cha mẹ được giảm thiểu, chỉ cần thuê đánh bóng bộ lư đồng, dọn bàn thờ tổ tiên, mời thợ trang trí tới kết hoa, treo đèn, chưng bông v.v... là xong. Một số tiệc cưới tổ chức tại nhà thì thuê luôn thợ đến tận nơi nấu nướng. Vài năm trở lại đây các cơ sở nhận nấu nướng đã khuyến mãi thêm rạp che, cho mượn miễn phí quạt đèn, thùng lì xì.

Sài Gòn thỉnh thoảng cũng có “đám cưới Tây”, một ông nước ngoài cưới một cô gái Việt. Theo phong tục ta, chú rể cũng mặc áo dài, khăn đóng khiến khách dọc đường thích thú, kéo nhau nhìn.

Ở ngoại thành, nhiều thửa ruộng khô cạnh nhà được gia chủ che rạp, đặt bàn, làm bãi giữ xe, hợp đồng mấy anh em xã đội trông giữ phương tiện cho khách đi đám. Được mùa nhất vẫn là... tiệm vàng. Trước ngày cưới, chú rể đi sắm đồ cho cô dâu sắp cưới, cha mẹ chồng mua nữ trang làm quà; sau cưới, vợ chồng son đi mua vài “miếng” để dành tùy theo tiền lì xì của hai họ.

Cuối năm, khi phố phường bắt đầu lành lạnh, đến nhà ai cũng thấy thiệp mời. Hết tân hôn đến vu quy, chỗ nào cũng câu nói đầu môi: “Chúc tân lang, tân giai nhân trăm năm hạnh phúc”. Ai từng yêu, từng cưới hoặc đã vài lần đón đưa cô dâu, chú rể đôi lúc thấy bâng khuâng. Không phải tiếc nuối tuổi xuân mà là ước mong đến lúc con cháu dựng vợ gả chồng, vui vầy hạnh phúc.  

NGUYỄN TẤN LỘC

Tin cùng chuyên mục