Mùa “đại hội” của thị trường địa ốc

Mùa đại hội thường niên diễn ra khắp nơi, đây là dịp để cổ đông gặp chủ đầu tư chất vấn những vấn đề quan tâm, đồng thời soi lại các khoản đầu tư… Liệu bất động sản có thật sự thoát khỏi khó khăn để tiếp tục bỏ tiền vào rổ trứng này?
Mùa “đại hội” của thị trường địa ốc

Mùa đại hội thường niên diễn ra khắp nơi, đây là dịp để cổ đông gặp chủ đầu tư chất vấn những vấn đề quan tâm, đồng thời soi lại các khoản đầu tư… Liệu bất động sản có thật sự thoát khỏi khó khăn để tiếp tục bỏ tiền vào rổ trứng này?

Thu hẹp tham vọng!

Qua các thông tin doanh nghiệp đã công bố, phần nhiều thông điệp cho thấy sẽ tiếp tục bán dự án, hoặc bán cổ phần để vượt khó.

Kết thúc năm 2014, với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) xem như 1 năm dễ thở nhất so với các năm trước đây, mặc dù mảng cao su, thủy điện chưa thấy sáng sủa; đối với địa ốc, dự án nhà ở xã hội 6B Phạm Hùng bán buôn không mấy tiến triển; còn dự án mới chưa thấy bung bán. Vậy nhưng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2014, công ty ghi nhận một khoản lợi kha khá: lợi nhuận sau thuế gần 56 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCG, cho biết, doanh thu tăng 150% so với năm ngoái, cơ bản đến từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4. Trên thực tế, cũng từ cuối năm ngoái, Công ty cổ phần Địa ốc Novaland đã rào vây lại dự án này và mở bán ra thị trường. Một dự án khác ở Nhà Bè, có vị trí khá tốt do QCG làm chủ đầu tư, cũng đã có sự tham gia của Novaland.

Dự án 39 Bến Vân Đồn quận 4 được Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai bán cho Novaland vào năm 2014.

Bán dự án ào ạt còn phải kể đến Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (VPH). Sau khi tái cấu trúc được các khoản nợ, từ ngắn hạn thành trung và dài hạn, giá cổ phiếu xanh dần. Hôm đại hội cuối tháng 3, VPH mới lật bài tẩy cho cổ đông: bán sỉ tất tần tật! Tại dự án La Casa, năm ngoái VPH bán block 5 cho Công ty An Gia 73 tỷ đồng, tháng 2 năm nay bán tiếp block 2 cũng cho công ty trên thu về 173,5 tỷ đồng. Tiếp đó, dự án Nhơn Đức, Nhà Bè đến nay đã chuyển nhượng 20ha cho Trường Đại học Thể dục Thể thao, 10ha cho Trường Đại học Tài nguyên Môi trường! Sau các thương vụ bán sỉ trên tuy mang lại cho VPH nguồn tiền mặt hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng cũng đồng nghĩa cho thấy tham vọng của VPH trên thị trường bất động sản sẽ giảm dần…

Một ông lớn của thị trường bất động sản là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), gần như cũng thu hẹp các hoạt động kinh doanh. Sau câu chuyện lình xình về việc Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông Đồng Nai, ngày 4-3 SCR bán 2,6 triệu cổ phần tại công ty trên để thu về 53 tỷ đồng. Thương vụ này đem lại một khoản lợi nhuận khá, bởi theo sổ sách, lúc mua vào chỉ 39 tỷ đồng. Khoảng 10 ngày sau, SCR tiếp tục công bố bán 31% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hùng Anh; đồng thời, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty TNHH Thương Tín Tàu Cuốc từ 58,9% xuống 14%; chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Tín Việt. Trước đó, SCR cũng bán cổ phần gần hết tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng IDICO Long An, bán cổ phần tại Công ty May Tiến Phát, thanh lý toàn bộ khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Định!

Tìm sức sống mới

Tuyên bố hùng hồn tại đại hội cổ đông “nếu không đạt kế hoạch tôi sẽ từ chức” chưa hết gây sốc, rồi lại vướng vào nghi vấn “trục lợi” từ gói 30.000 tỷ đồng, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) hết sức khó chịu mặc dù đã giải tỏa! Công bằng mà nói, HQC là doanh nghiệp đầu tiên tại thành phố đột phá vào mảng nhà ở xã hội với quy mô lớn, tiếp tục tung ra hàng loạt dự án tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Dự báo năm nay HQC khởi sắc hơn là nhờ các công trình sắp hoàn thành như HQC Plaza Bình Chánh, HQC Hóc Môn, HQC Royal Tower sẽ mang lại doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Nói chung, cửa sáng của HQC vẫn đến từ phân khúc duy nhất, đó là nhà ở xã hội.

Đối với Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt, từ khi địa ốc khó khăn đã mở sang lĩnh vực tàu biển, nay trở lại dồn lực vào bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, hồ hởi thông báo với cổ đông, năm ngoái mua lại hai dự án ở trung tâm, có diện tích dưới 1ha là hướng đi mới, vì đây là khu đất có vị trí tốt, cộng với thiết kế như resort sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở của giới trung và thượng lưu. Hiện tại, công ty đã động thổ xây dựng dự án nhà ở hơn 800 căn hộ tại mặt tiền đường An Dương Vương, quận 5. Hướng đi mới khác hẳn so với quỹ đất công ty đã đầu tư trước đây là nằm xa trung tâm thành phố.

Một xu hướng mới đó là mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. “Bài” của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) từ năm ngoái đến nay là rải thảm mời nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác. Theo đó, NBB đã ký với nhà đầu tư Nhật Bản Creed Group hợp tác 3 dự án của công ty. Dự án thứ nhất, City Gate có 1.092 căn hộ trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8 sẽ hút 600 tỷ đồng thông qua đầu tư vào trái phiếu, tổng số tiền lãi trái phiếu phải trả cho nhà đầu tư sẽ tương đương 80% lợi nhuận sau thuế của dự án. Dự án thứ 2, khu căn hộ cao tầng NBB Garden III có diện tích 8,16ha, tổng mức đầu tư 3.817 tỷ đồng, Creed Group góp 50% vốn. Dự án thứ 3, khu phức hợp căn hộ cao tầng NBB Garden II, có diện tích 11,5ha, Creed Group cũng góp 50% vốn.

Nói chung hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản tại thành phố, không phải ai cũng có hướng đi mới. Nhịp đập của thị trường cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn một thời vẫn còn giậm chân tại chỗ, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và các thành viên gần như chưa xuất hiện dự án mới nào gần 7 năm qua; Him Lam lại “đam mê” cây mắc ca; Intresco bán dự án, SC5 chưa thấy dự án mới, hoặc BCI lên kế hoạch chuyển nhượng dự án tại đường Võ Văn Kiệt… Tất cả điều đó phơi bày một thực tế: Thị trường địa ốc vẫn chưa dễ thở!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục