Múa đương đại - Nghệ thuật hóa chuyện đời thường

Trong những năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa đương đại có những bước phát triển mạnh mẽ và được đông đảo công chúng đón nhận. Nhiều đề tài lịch sử, xã hội, những vấn đề thời sự, gần gũi với đời sống -văn hóa - tinh thần của người Việt Nam được các biên đạo múa nhanh nhạy chuyển tải vào trong các tác phẩm của mình, đã tạo được sự lôi cuốn và dấu ấn tươi mới cho loại hình nghệ thuật múa này.
Múa đương đại - Nghệ thuật hóa chuyện đời thường

Trong những năm gần đây, loại hình nghệ thuật múa đương đại có những bước phát triển mạnh mẽ và được đông đảo công chúng đón nhận. Nhiều đề tài lịch sử, xã hội, những vấn đề thời sự, gần gũi với đời sống -văn hóa - tinh thần của người Việt Nam được các biên đạo múa nhanh nhạy chuyển tải vào trong các tác phẩm của mình, đã tạo được sự lôi cuốn và dấu ấn tươi mới cho loại hình nghệ thuật múa này.

        Khai thác đề tài nóng

Trong quá trình phát triển nghệ thuật múa đương đại, đã có nhiều tác phẩm thành công và được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Trên hết, đó là những tác phẩm có sự tìm tòi sáng tạo mới với xuất phát điểm là lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống nhưng phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt Nam đương đại. Đó là những tác phẩm hiện đại được các biên đạo đầu tư, chăm chút tỉ mỉ, từ nội dung thể hiện, thông qua ngôn ngữ múa, ngôn ngữ âm nhạc, trang phục, đạo cụ, ánh sáng, đến những hình ảnh, tạo hình, kỹ thuật, thủ pháp ấn tượng.

Tác phẩm múa đương đại Những ô cửa sổ của NSND Hà Thế Dũng.

Tác phẩm múa đương đại Những ô cửa sổ của NSND Hà Thế Dũng.

Năm ngoái, tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều tác phẩm múa hiện đại đã tạo nên dấu ấn đặc biệt bằng hàng loạt giải thưởng huy chương vàng như: Chiến công từ lòng đất, Từ nơi gió ngàn, Những con người huyền thoại, Bóng hình tạc tựa núi sông, Hoàn lương, Vệt sáng… Đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, những vấn đề nóng của xã hội hiện đại được các biên đạo xây dựng đậm chất Việt, được các diễn viên, nghệ sĩ múa biểu diễn kỹ thuật, nghệ thuật, lôi cuốn, lại chuyển tải đầy đủ về nội dung, gần gũi, dễ hiểu, đã khơi dậy bao xúc cảm của khán giả.

Trên sân khấu, qua mỗi nhân vật và từng câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ múa, người xem bắt gặp được những hình ảnh quen thuộc họ từng thấy, từng gặp, từng nghe kể giữa đời thường, hoặc đó là chính khán giả với những tâm tư, tình cảm, hồi ức đẹp, sự quay quắt, day dứt, buồn, vui, niềm mong mỏi, mơ ước những điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho tương lai…

        Chinh phục thị trường

Gần đây, thị trường biểu diễn nghệ thuật xuất hiện chương trình múa đương đại Sương sớm của biên đạo Tấn Lộc - một tác phẩm múa đã tạo được tiếng vang trong dư luận cũng như giới chuyên môn về cái mới, cái lạ, hấp dẫn và… bán được vé. Dù nội dung vở diễn rất bình thường, xoay quanh câu chuyện hạt gạo, cây lúa, con người lao động, nhưng tác phẩm múa đã được đầu tư, dàn dựng và kéo dài cả tiếng đồng hồ - là chuyện không dễ với người làm nghệ thuật múa. Đặc biệt, tác phẩm khéo chắt lọc và sử dụng nhiều ngôn ngữ múa độc đáo đã tạo nên sức hấp dẫn và chạm đến cảm xúc sâu lắng nơi người xem.

NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, chia sẻ: “Tiếp nối những loại hình múa ba lê, múa tính cách… múa đương đại xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, có ngôn ngữ rất thuận lợi trong việc thể nghiệm tác phẩm, nên được xem là phương tiện mới bổ sung cho tác giả Việt Nam trong quá trình hoạt động nghề nghiệp: sáng tác, biên đạo, dàn dựng vở diễn.

Không chỉ thế, chất đương đại còn được các biên đạo tạo nên sự hấp dẫn mới lạ cho tác phẩm của mình khi khéo lồng vào trong những kỹ thuật múa dân gian, truyền thống nhuần nhuyễn với chất hiện đại mới, lạ. Tuy nhiên, có một vấn đề được đặt ra là các tác giả, biên đạo Việt Nam phải sử dụng múa đương đại của thế giới, ngôn ngữ múa của thế giới như thế nào để tác phẩm mang được sắc thái Việt Nam. Vì tiếp thu tinh hoa thế giới là để làm giàu cho ta, chứ không thể tiếp thu để rồi mất đi nét riêng Việt Nam…”.

Từ thực tế, bên cạnh những tác phẩm thành công, vẫn còn không ít các tác phẩm múa hiện đại thiếu tính thẩm mỹ, thiếu sự sáng tạo ngôn ngữ, nội dung không rõ ràng… khiến khán giả mơ hồ không hiểu tác phẩm muốn phản ánh vấn đề gì. Việc bắt chước và sao chép y chang các tác phẩm múa đương đại của thế giới để biểu diễn trên sân khấu Việt luôn tạo nên một khoảng cách xa rời công chúng.

Thế nên, tác phẩm múa hiện đại muốn sống được thì phải hay, đẹp, dễ hiểu, tươi mới và phải thể hiện được tính thẩm mỹ dân tộc, hiện đại, đậm chất Việt. Có như vậy tác phẩm múa mới gần gũi với công chúng và thực hiện được đầy đủ chức năng của văn hóa nghệ thuật là hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục