Ở Hà Nội không còn nhìn thấy mưa giọt gianh, tôi tìm về quê ngoại ở gần chùa Vắng, Cát Quế, nhưng cũng không còn nhìn thấy mưa giọt gianh nữa, nhà một tầng đã xây lên hai, ba tầng. Nhà một tầng cũng làm máng hiện đại hơn ngày xưa. Dường như mưa giọt gianh chỉ còn trong ký ức. Nhưng rồi, tôi lặn lội lên tận miền trời Y Tý, ngồi trong ngôi nhà tường trình, mái cỏ gianh, nhìn mưa giọt gianh tí tách rơi xuống thì vẻ đẹp ấy, tĩnh lặng ấy, hạnh phúc ấy, cho tôi tìm thấy sự trong vắt ở trong lòng mình.
Tôi đã nằm đọc sách trong ngôi nhà tường trình, ăn xôi ngũ sắc và ngồi nhìn mưa giọt gianh ở miền trời Y Tý. Đến lúc vừa nhập nhoạng tối, ở phía bếp nghe cháu Chảo Sử Mỳ bảo “mời bác ra ăn cơm” thì chõ xôi được bầy ra nghi ngút khói. Ăn xôi nhai chậm chỉ thấy ngọt của vị nếp nương, rồi nhìn mưa. Cảm giác của giọt nước trong vắt vừa như chạm tới môi, vừa thấy những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang có một vẻ đẹp khác biệt đồng bằng. Miền quê càng ngày càng ít nhà một tầng, càng hiếm mưa có giọt gianh, vì nhiều nhà, nhiều máng nước đã được lắp. Sẽ có nhiều bạn, cả tuổi thơ không biết mưa có giọt gianh là gì? Hà Nội, sẽ không còn mái tôn để “mái buồn nghe sấu rụng”.
Mưa giọt gianh có khắc khoải nhớ về những tiếng rao, bỏng ngô, bánh quế hay kẹo bột. Bây giờ tìm kẹo bột cũng thấy khó rồi. Chỉ còn vùng quê Thường Tín chuyên làm kẹo bột cho ngày rằm tháng 7, kẹo bột, bỏng ngô, bánh quế để cúng chúng sinh mà thôi. Nhưng thứ quà tuổi thơ xưa nhìn mưa giọt gianh, còn thấy cả bóng mẹ đi chợ về đón tay đồng quà cho con, dù chỉ là chiếc kẹo bột.
Mưa giọt gianh còn thấy bóng mẹ lui cui tháo chiếc áo len của cha đan lại áo cộc cho cha giữ ấm ngực, còn ít len thừa đan áo cho con. Sự vén khéo và nữ công gia chánh của mẹ cứ hiện lên những ngày gian khó. Không mấy ai nhìn lại ký ức vì bây giờ sự đầy đủ vật chất lại lấy đi những mơ mộng diệu kỳ của một thời thiếu thốn. Khi đó, tôi chỉ mơ có một chiếc áo hoa, khi đó tôi chỉ mơ có một chiếc cặp sách màu hồng để mang đến lớp. Chỉ là ước mơ mà không có được. Cha làm thợ điện nuôi hai mẹ con, đủ ăn đã là may mắn lắm của thời tem phiếu, thời gạo châu củi quế, ngậm ngùi. Bây giờ ngày mưa, ngồi gấp quần áo cho con, gấp hàng mấy chục bộ, tôi lại nhẹ nhàng xin con chiếc áo sơ mi mới, cho người đánh giày đi dạo, vì thấy cậu ta dưới quê lên, mặc rách rưới quá.
Mưa giọt gianh nhắc nhở làm mẹ phải làm sao dạy cho con, khi sống đầy đủ hơn nên biết cúi xuống với người quanh ta còn đang chạy ăn từng bữa. Sự chia sẻ và sự bao dung sẽ nằm lại bên người, để những lúc bước trượt thấy kẻ tiểu nhân biết tránh và tha thứ; thấy người tử tế như thức tỉnh bạn, vẫn còn ngọn lửa ấm cho tôi đáng sống hơn và đừng tuyệt vọng.
Rồi sau mưa trời hửng nắng. Rồi sau mưa lá vàng rụng, lá non chợt nhú lên. Như ký ức đời người có ngày mưa ngủ quên, và giọt nắng đánh thức ký ức đẹp. Tôi vẫn tin bạn và tôi đều có những giọt mưa giọt gianh, có mùa thu xao xác, nhất là những cuộc đời từng di cư từ Bắc vào Nam, có bạn nào nhớ heo may và mưa giọt gianh, khi gió heo may vừa tràn qua mặt.