* Mưa to ở các tỉnh miền Đông Nam bộ
(SGGP).- Ngày 21-9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, mưa lũ cùng lốc xoáy khiến 4 người bị thương, hàng chục ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị tốc mái.
Tại địa phận xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, chỉ chưa đầy 5 phút quét qua, lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã khiến 32 ngôi nhà tốc mái và hư hỏng nặng, 2 kho chứa của hợp tác xã tốc mái làm 10 tấn phân đạm trong kho bị ướt. Ông Nguyễn Ánh Sao, Giám đốc Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp Quảng Bình cho biết, trên quốc lộ 12A, đoạn qua Km137 xã Trọng Hóa (Minh Hóa), một lượng lớn đất đá từ ngọn núi bên đường đổ xuống chắn lấp mặt đường khiến giao thông đi Lào bị chia cắt. Sở GTVT Quảng Bình đã điều động xe, máy giải phóng hàng trăm khối đất đá nhằm thông xe sớm.
Tại TP Huế, mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường chính bị ngập sâu trong nước. Việc lưu thông hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Nước mưa thoát không kịp cũng gây ngập lụt lớn ở vùng ven TP Huế.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Đài khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, rãnh thấp ở khu vực Nam bộ kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên nhiều khả năng các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ mưa to. Tại TPHCM nói riêng, khu vực Nam bộ nói chung, từ ngày 22-9 đến cuối tháng 9, mỗi ngày sẽ có mưa trên phạm vi từ 1/3 - 2/3 khu vực. Mưa tập trung chủ yếu vào chiều tối và đêm. Các hiện tượng dông, sét, gió giật mạnh nhiều khả năng vẫn xảy ra. Do vậy, người dân khi lưu thông trên đường cần chú ý các thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời. Đối với vùng biển Nam bộ, thời tiết từ nay tới cuối tháng không thuận lợi cho các hoạt động tàu thuyền.
Theo thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng triều cường trên địa bàn TPHCM hiện đang giảm dần nhưng không có nghĩa là triều cường tụt hẳn, không xuất hiện. Vào thời gian từ 15 - 16 giờ chiều, các địa bàn như quận Bình Thạnh, quận 2, quận 7… thường dễ bị ngập do triều cường. Cùng thời gian trên có những cơn mưa lớn, bất chợt, tình trạng ngập cục bộ có khả năng tiếp tục xuất hiện.
l Ngày 21-9, Bộ Công thương đã có công điện hỏa tốc gửi sở công thương các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và 4 tỉnh ở Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy thủy điện tại khu vực Bắc Trung bộ, Tây Nguyên yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ, kiểm tra các công trình, nhà xưởng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư phương tiện để ứng phó các sự cố xấu; chống ngập lụt, sạt lở. Theo đó, các chủ đập hồ chứa thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa; theo dõi khả năng tăng cường mực nước hồ và các tình huống nguy hiểm để sẵn sàng ứng phó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị kiểm tra công trình điện lực để kịp thời đảm bảo an toàn lưới điện; khắc phục xử lý nhanh chóng các sự cố do mưa lũ gây ra; đặc biệt phải đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm chống úng, công trình phòng chống thiên tai. Các sở công thương tổ chức kiểm tra dự trữ hàng hóa theo kế hoạch để sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, nhất là khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng vừa có công điện gửi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cùng các bộ có liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; rà soát các hộ dân sinh sóng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai phương án di dời đến nơi an toàn.
Nhóm PV